Lựa chọn sách giáo khoa khối tiểu học: Thực hiện chặt chẽ, bảo đảm phù hợp
(HPĐT)- Năm học 2024 - 2025, 3 khối lớp cuối cùng (lớp 5, lớp 9 và lớp 12) thực hiện học sách giáo khoa (SGK) mới biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cũng từ năm học này, quyền quyết định chọn SGK được trao cho các trường học. Với mục tiêu đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu, nhiều trường tiểu học triển khai thực hiện lựa chọn SGK thận trọng, chặt chẽ, phát huy sự sáng tạo cho học sinh.
Tích cực tham gia chọn sách
Những ngày này, ngoài giảng dạy và tổ chức thi giữa học kỳ 2, thầy giáo Nguyễn Minh Hải cùng các đồng nghiệp tại Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Ngô Quyền) còn tích cực tham gia Hội đồng lựa chọn SGK lớp 5 năm học 2024-2025 của trường. Theo thầy Hải, việc trao quyền chọn sách cho trường học theo Thông tư 27 của Bộ Giáo dục - Đào tạo giúp các trường chủ động, sự sáng tạo trong đội ngũ giáo viên, từ đó đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học. Giáo viên sẽ thay đổi cách tiếp cận nội dung, phương pháp theo tiếp cận năng lực của học sinh, để truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả nhất. Mỗi bộ sách đều được toàn thể giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn bằng chính trải nghiệm của mình, sau đó trao đổi với cha mẹ học sinh để họ an tâm, tin tưởng cho con em học tập. "Giáo viên độc lập đánh giá và lựa chọn SGK, hoàn toàn không có sự áp đặt từ cấp trên. Chúng tôi cũng nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, xác định rõ nhiệm vụ, tiêu chí lựa chọn sách của Bộ Giáo dục - Đào tạo và thành phố, so sánh các bộ sách, tìm ra những điểm phù hợp điều kiện dạy và học tại trường, từ đó đề xuất với cấp trên phê duyệt"- thầy Hải bày tỏ.
Có con trai chuẩn bị lên lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, chị Nguyễn Thanh Huyền, ở phường Gia Viên cho biết: Về chuyên môn, trao quyền giáo viên quyết định chọn SGK là phù hợp. Các trường cần duy trì ổn định, thống nhất kết quả chọn sách trong nhiều năm, giúp học sinh có thể hệ thống được kiến thức trong suốt quá trình. Ngoài ra còn giúp các em có thể sử dụng lại SGK của anh chị lớp trước, tránh lãng phí. "Tôi mong muốn nhà trường chọn được bộ SGK phù hợp học lực chung của học sinh, ít xáo trộn mạch kiến thức các cháu học qua các năm học trước. Giảm bớt áp lực, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập càng nhiều càng tốt".
Chia sẻ về quá trình lựa chọn SGK, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dư Hàng (quận Lê Chân) Lê Thị Thu Hương cho biết: Sau khi được Sở Giáo dục - Đào tạo tập huấn, các nhà sách giới thiệu, nhà trường thực hiện quy trình lựa chọn SGK khá chặt chẽ. Các giáo viên sẽ đánh giá ưu, nhược điểm của từng bộ SGK dựa trên những tiêu chí chung như: Phù hợp đặc điểm kinh tế- xã hội của thành phố, điều kiện tổ chức dạy và học tại trường. Sau khi các tổ, nhóm chuyên môn bình chọn, bỏ phiếu, nhà trường hoàn thiện báo cáo và gửi về Phòng Giáo dục - Đào tạo quận.
Khuyến khích sự sáng tạo của học sinh
Hiện, quận Lê Chân có 24 trường học công lập, trong đó có 12 trường tiểu học. Đến thời điểm này, 100% số trường tiểu học tổ chức lựa chọn SGK năm học 2024-2025, bảo đảm đúng quy định hướng dẫn tại Thông tư số 27 của Bộ Giáo dục - Đào tạo và đúng tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục theo Quyết định số 545 của UBND thành phố. Kết quả ở cấp tiểu học, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được nhiều trường lựa chọn.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân Phạm Sỹ Tuyên, tiêu chí quan trọng nhất là hướng đến lợi ích của học sinh. Tiếp đó, phù hợp đặc điểm riêng của giáo viên hoặc môn học tại nhà trường. Để chọn SGK tốt, giảm thiểu tiêu cực thì quá trình lựa chọn SGK diễn ra công khai, minh bạch, nhất là có sự kiểm tra, giám sát để việc chọn sách không bị tác động bởi yếu tố thị trường, lợi nhuận của các công ty sách, nhà xuất bản. Cùng với đổi mới SGK, việc tập huấn nghiệp vụ giáo viên cũng cần được thực hiện thường xuyên. Chỉ khi các thầy, cô giáo được trau dồi kiến thức chuyên môn, chủ động tìm kiếm thông tin, áp dụng nhiều nguồn học liệu khác nhau phục vụ việc soạn giáo án, phương pháp giảng dạy mới, thực sự khuyến khích học trò tìm tòi, sáng tạo, đọc nhiều sách, làm nhiều dự án bài tập… thì lúc đó những mục tiêu đổi mới giáo dục được đề ra mới có thể thành hiện thực và đạt kết quả cao./.