Mở rộng phương thức tuyển sinh đại học năm 2024: Tăng cơ hội trúng tuyển đối với thí sinh

05:01 CH 31/03/2024

(HPĐT)- Mùa tuyển sinh đại học năm 2024, bên cạnh những phương thức tuyển sinh “truyền thống”, lần đầu các trường đại học trên địa bàn thành phố sẽ sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Đây là phương thức tuyển sinh không mới nhưng là điều kiện thuận lợi giúp tăng cơ hội trúng tuyển đại học cho các thí sinh.

 

Trường đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức sự kiện thông tin phương thức tuyển sinh đến các thí sinh.

 

Dồn sức cho kỳ thi sớm

Khoảng 3 tháng nay, Trần Gia Khánh, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Lê Quý Đôn đang tập trung ôn luyện để chuẩn bị tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA). Gia Khánh cho biết: Để chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thi này, em đăng ký học trực tuyến trên trang web hocmai.vn. Theo lịch, em sẽ thi lần 1 tại Hưng Yên và ngày 26-5 sẽ thi lần 2 tại Hà Nội. “Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức sớm. Nếu đạt điểm cao, em sẽ dùng kết quả để xét tuyển đại học; nếu điểm thấp, em sẽ tiếp tục ôn luyện để có thể thi lại vào các đợt sau”.

Nhiều cha mẹ học sinh rất ủng hộ việc con tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Chị Nguyễn Mỹ Linh, ở phường Cát Bi (quận Hải An) bày tỏ: “Một số người cho rằng, việc “dồn sức” đầu tư cho kỳ thi này cộng với kỳ thi tốt nghiệp THPT tạo áp lực lớn cho học sinh, nhưng theo tôi đây lại là yếu tố để tăng cơ hội đỗ đại học. Tuy nhiên, cha mẹ học sinh cũng nên cân nhắc việc cho con tham gia các kỳ thi này, căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực của con để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc”.

Sở dĩ học sinh và cha mẹ học sinh dành sự quan tâm cho các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy bởi đây vốn là những kỳ thi riêng của một số trường đại học, nhưng hàng trăm trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển vào đại học. Tại Hải Phòng, mùa tuyển sinh năm 2024, hiện có Trường đại học Hàng hải Việt Nam và Trường đại học Hải Phòng thông báo sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển. PGS.TS Phạm Văn Thuần, Trưởng Phòng Đào tạo (Trường đại học Hàng hải Việt Nam) cho biết: “Nhà trường dự kiến dành 10-20% chỉ tiêu tuyển sinh đối với phương thức này và áp dụng với tất cả các chuyên ngành. Điều kiện trúng tuyển, thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2023 hoặc năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 75 điểm trở lên; của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đạt từ 600 điểm trở lên; hoặc có điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 hoặc năm 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội đạt từ 50 điểm trở lên. Bên cạnh phương thức tuyển sinh trên, Trường đại học Hàng hải Việt Nam còn sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và học bạ với 10% - 20% chỉ tiêu. Phương thức này áp dụng đối với thí sinh tốt nghiệp THTP năm 2023, 2024 đăng ký xét tuyển vào chương trình tiên tiến.

Còn Trường đại học Hải Phòng, bên cạnh những phương thức xét tuyển của năm 2023, năm nay nhà trường dự kiến dành khoảng 2% chỉ tiêu xét tuyển đối với thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Cân nhắc lựa chọn sự đầu tư phù hợp

Theo Trưởng Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng (Trường đại học Hải Phòng) Đỗ Thị Thanh Toàn: Việc đa dạng các phương thức xét tuyển giúp thí sinh có nhiều lựa chọn vào trường đại học, ngành, nghề mong muốn. Không những thế, đây cũng là giải pháp để các trường thu hút thí sinh, đạt chỉ tiêu tuyển sinh đề ra. Vì vậy, việc đăng ký tham dự các kỳ thi riêng được khuyến khích, tuy nhiên, các thí sinh cần lưu ý mục đích và yêu cầu của các kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi, cách thức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau.

Chia sẻ với các thí sinh về những áp lực khi vừa ôn thi tốt nghiệp THPT, vừa chạy đua với các kỳ thi riêng để tăng cơ hội vào đại học, thầy Ngô Trường Minh, giáo viên Trường THPT Kiến Thụy cho rằng, thí sinh cần hết sức cân nhắc việc lựa chọn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và cần lượng sức mình bởi các kỳ thi này đòi hỏi các em phải có một lượng kiến thức lớn. Không những thế, các kỳ thi được chia làm 2 đợt, thời gian thi của đợt 2 khá sát với thời gian thi tốt nghiệp THPT, vì vậy các em phải phân chia thời gian hợp lý để ôn tập và thi cử. Thực tế có nhiều học sinh vì quá “ưu ái” các kỳ thi riêng nên việc học bị lơ là, quá tải. Thậm chí, nhiều thí sinh đỗ kỳ thi đánh giá năng lực, nhưng lại trượt kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Quan trọng nhất là các em phải hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng”, thầy Minh nhấn mạnh.

Quy chế tuyển sinh đại học năm 2024 sẽ tiếp tục giữ ổn định. Thí sinh dù xét tuyển bằng phương thức nào vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi có đầy đủ dữ liệu xét tuyển của thí sinh, hệ thống này sẽ tự lọc và sắp xếp các nguyện vọng trúng tuyển của thí sinh theo thứ tự ưu tiên. Đây chính là tính ưu việt của hệ thống xét tuyển chung nhằm bảo đảm quyền lợi cao nhất của thí sinh. Do đó, học sinh hoàn toàn yên tâm, khi có kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp THPT hay kết quả các kỳ thi riêng tốt, sẽ đỗ vào ngành, trường mong muốn./.

 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập