Tạo điều kiện thuận lợi để ngành đóng tàu thành phố Hải Phòng phục hồi và phát triển
(HPĐT) -Chiều 22-11, Sở Công Thương phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố đồng tổ chức Hội thảo khoa học "Phục hồi và phát triển ngành đóng tàu thành phố Hải Phòng: Thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp".
Đồng chí Lê Anh Quân, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố tới dự. Lãnh đạo các cơ quan bộ, ngành Trung ương; các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý và doanh nghiệp trong ngành đóng tàu cùng dự...
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh: Hải Phòng là thành phố cảng, nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc bộ, là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính biển ra của các tỉnh phía Bắc, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế - từ lâu gắn liền với ngành đóng tàu, ngành công nghiệp có bề dày lịch sử. Nói đến Hải Phòng là nói đến đóng tàu và cảng biển, là ngành đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của thành phố cũng như cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp đóng tàu Hải Phòng đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế, áp lực đổi mới công nghệ, cùng với những khó khăn nội tại về tài chính và nguồn lực đặt ngành đóng tàu trước những yêu cầu cấp thiết về sự chuyển mình.

Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố tin tưởng, Hội thảo khoa học "Phục hồi và phát triển ngành đóng tàu thành phố Hải Phòng: Thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp" với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý và doanh nghiệp trong ngành đóng tàu sẽ đưa ra những định hướng chiến lược và các giải pháp, là cơ sở quan trọng để tham mưu Thành ủy, UBND thành phố định hướng nghiên cứu, phục hồi và phát triển ngành đóng tàu thành phố Hải Phòng. Từ đó đưa ngành đóng tàu Hải Phòng vươn lên mạnh mẽ hơn, tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của thành phố và đất nước, tạo vị trí chiến lược của thành phố khi tham gia các hành lang kinh tế, triển khai hiệu quả sự đầu tư của Chính phủ để Hải Phòng phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực.
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, đánh giá thực trạng ngành đóng tàu Hải Phòng, trong đó nêu rõ các bài học kinh nghiệm và nguyên nhân của những khó khăn hiện tại, cơ hội phát triển của ngành đóng tàu trong thời gian tới. Cùng với đó, các đại biểu đưa ra giải pháp để khôi phục và phát triển ngành đóng tàu Hải Phòng như cơ chế, chính sách; tái cơ cấu và đổi mới mô hình hoạt động các doanh nghiệp đóng tàu; đầu tư và huy động vốn đầu tư; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nguồn nhân lực…, đồng thời làm rõ vai trò của các bên liên quan: Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ và thúc đẩy ngành đóng tàu phát triển.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đóng tàu là một trong số các ngành công nghiệp có thế mạnh của Hải Phòng với nhiều nhà máy đóng tàu lớn. Hải Phòng từng được xem là trung tâm đóng tàu mạnh của cả nước, nhưng những năm qua, ngành đóng tàu thành phố dần rơi vào nhóm công nghiệp thoái trào cùng với sự khủng hoảng của Tập đoàn tàu thủy Vinashin (hiện nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC).
Từ cuối 2023 đến nay, ngành đóng tàu Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung đang có sự hồi phục mạnh mẽ, các nhà máy đóng tàu đang phải hoạt động liên tục hết công suất để bảo đảm tiến độ, hoàn thành đơn hàng cho các đối tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, ngành đóng tàu cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Việc đầu tư vào công nghệ mới đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi đó phần lớn doanh nghiệp đóng tàu gặp khó khăn về tài chính dẫn đến vẫn sử dụng công nghệ cũ, hạn chế năng suất và chất lượng sản phẩm. Đi cùng với đó là các khó khăn về nguồn nhân lực; cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành đóng tàu thời gian qua còn chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định…