Huyện Vĩnh Bảo: Sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Huyện Vĩnh Bảo phấn đấu hết năm 2022, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu giáo viên
Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Cao Minh trong giờ lên lớp.
(HPĐT)- Năm học 2020-2021, toàn huyện Vĩnh Bảo thiếu 186 giáo viên cả 3 cấp học từ mầm non đến THCS. Để khắc phục tình trạng này, nhằm bảo đảm, nâng cao chất lượng dạy và học, cùng với tham mưu lãnh đạo UBND huyện đề xuất thành phố giao thêm định mức biên chế, ngành Giáo dục- Đào tạo huyện yêu cầu các trường khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên hợp đồng nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, có cơ chế, chính sách ưu đãi giữ chân và thu hút nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề…
Thiếu giáo viên cả 3 cấp học
Trưởng Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Vĩnh Bảo Đoàn Văn Thành cho biết, năm học 2020-2021, tổng số giáo viên 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS toàn huyện gần 2.000 người. So với quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo, huyện thiếu 186 giáo viên. Trong đó, cấp mầm non thiếu 33 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 90 giáo viên và cấp THCS thiếu 63 giáo viên. Do thiếu giáo viên, nhiều trường buộc phải gộp lớp, đưa nhân viên phục vụ phụ giúp chăm sóc các cháu (đối với cấp mầm non), tăng số tiết lên lớp của các thầy, cô giáo so với quy định…
Cô giáo Vũ Thị Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Minh (xã Cao Minh) cho biết, năm học 2020-2021, trường có 18 lớp với 591 học sinh. Hiện trường có 23 giáo viên, thiếu 4 giáo viên so với quy định. Để bảo đảm việc dạy và học, toàn bộ các thầy, cô giáo của trường phải tăng số tiết dạy, từ 23 tiết học/tuần/giáo viên theo quy định, lên 28-30 tiết học/tuần/giáo viên. Trong khi đó, số tiền hỗ trợ cho mỗi tiết tăng thêm theo quy định khá thấp, chỉ 30 nghìn đồng/tiết. Còn tại Trường tiểu học Tam Cường (xã Tam Cường), năm học 2020-2021, do thiếu giáo viên, trường buộc phải “co” số lớp từ 16 xuống còn 15. Thầy giáo Nguyễn Hữu Khá, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Cường chia sẻ: “Hiện trường có 19 giáo viên, thiếu 6 giáo viên so với quy định. Theo quy định của ngành giáo dục, cấp tiểu học 1 lớp không được vượt quá 35 học sinh. Khi “co” 16 lớp xuống còn 15 lớp, hiện số học sinh nhiều lớp quá 40!”.
Tại Trường mầm non Tam Cường (xã Tam Cường), theo cô giáo Lương Thị Thu Hương, Hiệu phó nhà trường, năm học 2020-2021, trường có 14 nhóm lớp với 350 cháu. Hiện trường có 27 giáo viên, thiếu 5 giáo viên so với quy định. Trong khi đó, 2 cô giáo đang nghỉ chế độ thai sản. Do thiếu cô chăm sóc trẻ, trường buộc phải đưa nhân viên nấu ăn, phục vụ phụ giúp các cô chăm sóc trẻ.
Cần giải pháp lâu dài
Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Phạm Quốc Hiệu cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngay từ đầu năm học 2020-2021, UBND huyện trình UBND thành phố, đề xuất, báo cáo bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục huyện. Đồng thời, yêu cầu ngành Giáo dục- Đào tạo huyện rà soát đội ngũ giáo viên hiện có để bố trí, sắp xếp, luân chuyển hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên; dự báo nhu cầu giáo viên từng cấp học, bộ môn theo lộ trình ngắn hạn và dài hạn để tham mưu UBND huyện đề xuất UBND thành phố giao chỉ tiêu biên chế phù hợp.
Thực tế cho thấy, việc thiếu giáo viên trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo thời gian qua còn do quy trình thủ tục để ký hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy trong chỉ tiêu biên chế và chỉ tiêu hợp đồng lao động được thành phố giao ngày càng chặt chẽ, nhiều công đoạn, yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ cao. Những quy định này phần nào ảnh hưởng đến việc thay thế, bổ sung số giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ thai sản, chuyển công tác… Năm 2020, huyện Vĩnh Bảo được thành phố giao chỉ tiêu tuyển 60 giáo viên biên chế cấp tiểu học. Tuy nhiên, chỉ 14 hồ sơ đạt yêu cầu, các hồ sơ còn lại không đáp ứng yêu cầu về bằng cấp.
Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Phạm Quốc Hiệu cho biết thêm: “Để khắc phục tình trạng kể trên, vừa qua, UBND huyện Vĩnh Bảo yêu cầu Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện rà soát đội ngũ giáo viên hợp đồng. Trên cơ sở đó, yêu cầu các trường khuyến khích, tạo điều kiện để họ nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ để tuyển dụng vào biên chế. Bên cạnh đó, để giữ chân, thu hút đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, UBND huyện Vĩnh Bảo yêu cầu Phòng Giáo dục- Đào tạo, các phòng ban liên quan, chính quyền địa phương… tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý, luân chuyển, sắp xếp, bố trí hợp lý tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thầy, cô giáo. Huyện Vĩnh Bảo quyết tâm đến năm 2022, sẽ khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học…”./.