Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã, phường: Cần sớm được quan tâm đúng mức

11:52 CH 05/12/2021

 

 

 

Người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế xã Đồng Thái (huyện An Dương).

 

(HPĐT)- Việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại các trạm y tế xã, phường giúp chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người dân địa phương, giảm tải đối với cơ sở y tế tuyến trên. Tuy nhiên, do công tác khám, chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế chưa phát huy hiệu quả, nên nhiều nơi dừng hoạt động.

Nơi dừng, nơi mở

Hiện nay, hầu hết các quận, huyện đều triển khai dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, nhưng hiệu quả hoạt động không đồng đều. Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Thái (huyện An Dương) Đỗ Thị Phương cho biết, xã Đồng Thái có hơn 12 nghìn người dân. Hiện, hằng tháng, trạm y tế khám, cấp phát thuốc BHYT thường xuyên đối với 70 người bệnh mắc huyết áp cao, tiểu đường… Trạm Y tế nhận thuốc khám, chữa bệnh BHYT từ tuyến trên, nhưng việc cấp phát thuốc không có sự đồng nhất, bị gián đoạn. Chẳng hạn, đối với thuốc điều trị cao huyết áp, tháng trước, đơn vị nhận thuốc do hãng này sản xuất, nhưng tháng sau được cấp thuốc của hãng khác, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Ngoài ra, các loại thuốc trong danh mục khám, chữa bệnh BHYT tại trạm rất ít, chỉ một số bệnh đơn giản như cao huyết áp, tiểu đường, đầy hơi, đau bụng… Chưa kể, quỹ khám, chữa bệnh BHYT giao trạm y tế thấp, với mức 5 triệu đồng/tháng, nên mỗi đơn thuốc kê cho người bệnh phải khống chế dưới 100 nghìn đồng/lần khám/ người, không đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh BHYT của người dân địa phương.

Hiện, trên địa bàn huyện An Dương có 14/16 trạm y tế triển khai khám, chữa bệnh BHYT. Thời gian qua, một số trạm y tế khám, chữa bệnh BHYT có mức quỹ khám, chữa bệnh BHYT cao, như xã An Hồng đến 25 triệu đồng/tháng, xã Đại Bản 20 triệu đồng/tháng. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Dương Phạm An Hiện, trong phạm vi quỹ khám, chữa bệnh BHYT được giao, trung tâm có trách nhiệm cung ứng thuốc cho trạm y tế và theo dõi, giám sát, tổng hợp để thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, quỹ BHYT có hạn, nếu chi quá mức, trung tâm phải tăng chi phí khám, chữa bệnh, gây gánh nặng đối với người bệnh, nên không thể vượt quỹ BHYT. Từ thực tế mức chi BHYT cao tại các xã trên, đơn vị điều chỉnh cân đối lại mức này phù hợp với từng trạm y tế. Bên cạnh đó, các cán bộ y tế cơ sở đang tập trung phòng, chống dịch COVID-19, nên công tác khám, chữa bệnh BHYT chưa đạt hiệu quả cao.

Đối với y tế tuyến cơ sở trên địa bàn quận Hải An chỉ có Trạm Y tế phường Tràng Cát tổ chức khám, chữa bệnh BHYT với lác đác 2-3 người đến khám, chữa bệnh/tháng. Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải An Hoàng Văn Nhật thông tin, việc khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế đòi hỏi phải có bác sĩ. Trước đây, trung tâm triển khai khám, chữa bệnh BHYT tại các trạm, nhưng vì ít người đến khám bệnh, nên nhiều trạm đề nghị tạm dừng. Ở quận Ngô Quyền, trước đây cũng triển khai khám, chữa bệnh BHYT tại 3 trạm y tế, nhưng đến nay, toàn quận “trắng” trạm y tế khám, chữa bệnh BHYT cũng vì lý do tương tự và thiếu bác sĩ tại các trạm y tế. Có thể thấy, tại khu vực nội thành có nhiều bệnh viện tuyến quận, thành phố, người dân có cơ hội lựa chọn nơi khám, chữa bệnh BHYT, trong khi đó, các trạm y tế chật chội, thiếu thốn về nhân lực và trang thiết bị, nhất là tất cả cán bộ y tế cơ sở đang căng sức phòng, chống dịch tại cơ sở.

Nâng cao năng lực đối với trạm y tế

Hiện nay, các trạm y tế giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở, nhưng không vì thế công tác khám, chữa bệnh BHYT bị lơ là. Bởi đây là nhiệm vụ song hành, nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95% theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đặt ra đến năm 2025. Đồng thời, việc làm tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT góp phần giảm tình trạng người bệnh lên tuyến trên gây quá tải, hạn chế tập trung đông người trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp. Do đó, cần khuyến khích người dân đến trạm y tế khám, chữa các bệnh đơn giản, thông thường. Thêm vào đó, các xã nông thôn mới kiểu mẫu thêm tiêu chí lập hồ sơ quản lý sức khỏe của từng hộ gia đình, tiến tới lập hồ sơ điện tử sức khỏe toàn dân vào năm 2025.

Được biết, theo Thông tư số 39 năm 2017 của Bộ Y tế quy định gói dịch vụ y tế cơ bản đối với tuyến y tế cơ sở, các trạm y tế cơ sở khám, chữa bệnh BHYT được phép cung cấp hơn 70 dịch vụ kỹ thuật y tế, hơn 200 loại thuốc. Đồng thời, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo UBND các cấp, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan bố trí nhân lực để các cơ sở y tế có đủ điều kiện cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản; chỉ đạo việc thực hiện chế độ luân phiên cán bộ y tế hai chiều phù hợp điều kiện của từng địa phương để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn cho người làm việc tại đơn vị y tế cơ sở. Từ đó, các trạm y tế có điều kiện tiến tới triển khai đủ dịch vụ kỹ thuật y tế và thuốc theo quy định về công tác khám, chữa bệnh BHYT.

Vì vậy, từ thực tế vướng mắc trên, các trung tâm y tế quận, huyện cần nâng cao hiệu quả quản lý công tác khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT về cung ứng đủ thuốc, đủ chủng loại. Cùng với đó, đội ngũ giám định BHYT (thuộc ngành Bảo hiểm xã hội) tăng cường phối hợp nhân viên y tế cơ sở giải quyết vướng mắc về các thủ tục khám, chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, ngành Bảo hiểm xã hội cần có cơ chế tài chính linh hoạt đối với từng trạm y tế dựa trên tỷ lệ số dân khám, chữa bệnh BHYT ban đầu của mỗi địa phương, năng lực khám, chữa bệnh BHYT của từng trạm y tế để từng bước tăng cường hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với người dân./.