Đào tạo nhân lực ngành đóng tàu: Chủ động liên kết, đặt hàng

05:25 CH 13/12/2024

(HPĐT)- Trong khi doanh nghiệp đóng tàu “đỏ mắt” tìm nhân lực thì số người đăng ký học các chuyên ngành tại các cơ sở đào tạo giảm mạnh. Để giải bài toán này, doanh nghiệp đóng tàu và cơ sở đào tạo cần có giải pháp cả trước mắt lẫn lâu dài để bổ sung nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, bắt kịp cơ hội trong chu kỳ phát triển mới của ngành đóng tàu.

 

Thiếu nhân lực đang là mối lo đối với doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn thành phố.
Trong ảnh: Tàu đóng mới tại Công ty cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương. Ảnh: CƯỜNG PHẠM

 

Tuyển dụng tăng, người học giảm 

Hơn 6 tháng từ khi xuống nước, đến ngày 29- 11-2024, Công ty Đóng tàu Phà Rừng chính thức bàn giao tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 13.000 tấn mang tên BS Hai Phong. Đây là con tàu đầu tiên trong loạt 8 tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 13.000 tấn do chủ tàu Hàn Quốc đặt hàng đóng mới tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng. Theo ông Vũ Hữu Chiến, Tổng giám đốc công ty, việc bàn giao tàu chậm hơn 2 tháng so với kế hoạch một phần do doanh nghiệp thiếu hụt công nhân lành nghề và đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm. Với những đơn hàng đã ký, công ty bảo đảm đủ việc làm cho người lao động đến năm 2027. Tuy nhiên, việc thiếu hụt lao động, nhất là nhân lực qua đào tạo dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng tiến độ bàn giao sản phẩm với đối tác. 

Không chỉ tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng, khó tuyển dụng lao động qua đào tạo là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn thành phố. Khan hiếm nhân lực đóng tàu là điều được dự báo trước, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, Trưởng Khoa Đóng tàu, Trường đại học Hàng hải Việt Nam thông tin: Trong giai đoạn 2014 đến 2019, sinh viên theo học các chuyên ngành đóng tàu sụt giảm cả về số lượng, chất lượng. Nếu năm 2014, tuyển 174 sinh viên thì đến năm 2019 chỉ tuyển được 50 sinh viên. Giai đoạn 2019 đến nay, khi ngành đóng tàu có dấu hiệu khởi sắc, số lượng sinh viên đăng ký, trúng tuyển tăng lên, đến năm 2024 tuyển được 165 sinh viên. Số lượng đầu vào giảm, khiến đầu ra ít, nếu năm 2014 có 358 sinh viên tốt nghiệp, đến năm 2023, chỉ có 38 sinh viên. Do đó, việc doanh nghiệp đóng tàu khó tuyển dụng lao động qua đào tạo trong những năm gần đây là điều dễ hiểu. 

Theo đại diện lãnh đạo Trường cao đẳng Hàng hải 1, giai đoạn 2020-2024, tổng số tuyển sinh nhà trường là gần 50 nghìn sinh viên, trong số đó số lượng người học các ngành nghề đóng tàu chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng hơn 1% với 530 sinh viên. Số lượng tuyển sinh giảm nhanh, có ngành liên tục nhiều năm không tuyển được sinh viên hoặc số lượng quá ít không đủ mở lớp. Do vậy, đến năm 2021, nhà trường tạm ngừng đào tạo 2 chuyên ngành: Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy và Lắp ráp hệ thống động lực tàu thủy. Trong khi, nghề hàn số, điện tàu thủy và sửa chữa máy tàu thủy, người đăng ký học rất ít và chủ yếu đăng ký ở hệ trung và sơ cấp.

 

Công ty Đóng tàu Phà Rừng hiện khó tuyển dụng lao động qua đào tạo. Ảnh: DUY THÍNH
 

Chủ động phối hợp 

Ông Joris Van Tienen, Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Damen Sông Cấm cho biết, năm 2024, nhà máy chạm ngưỡng công suất tối đa với 40 tàu/năm. Để mở rộng sản xuất, doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư nhà máy mới để nâng công suất lên 80 tàu đóng mới/năm. Tuy nhiên, tuyển dụng lao động phục vụ hoạt động nhà máy khi mở rộng là vấn đề khiến doanh nghiệp lo lắng. Bởi theo ông Joris Van Tienen, các nhà máy đóng tàu hiện đối mặt với sự cạnh tranh lớn về nhân lực, nhất là từ các khu công nghiệp. Đó còn là mối lo về tình trạng “chảy máu chất xám”, “câu cá trong ao của nhau” giữa các doanh nghiệp đóng tàu. Đóng tàu là lĩnh vực đa ngành, do vậy nguồn nhân lực cần đa dạng, việc đào tạo cần mở rộng, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trong tương lai. 

Ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương chia sẻ, khi ngành đóng tàu trên đà hồi phục, khó khăn với doanh nghiệp về nguồn nhân lực là mối lo hàng đầu. Bởi sau giai đoạn suy thoái, số lượng không nhỏ kỹ sư vỏ, máy, công nhân lành nghề rời bỏ ngành đóng tàu sang làm nghề khác. Trong khi một thời gian dài các cơ sở đào tạo số lượng học viên đầu vào giảm nên việc thiếu hụt nhân lực ngành đóng tàu được cảnh báo từ nhiều năm trước. Để bảo đảm hoạt động sản xuất- kinh doanh, trước mắt nhà máy vừa sản xuất vừa đào tạo nhân lực theo phương thức “tuyển dụng trước, đào tạo sau”. Nhưng về lâu dài, để có nguồn nhân lực chất lượng tốt, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo tăng cường liên kết để thường xuyên cập nhật kỹ năng, công nghệ mới trong quá trình đào tạo. Doanh nghiệp hợp tác để học sinh được tham gia thực hành góp phần trang bị đầy đủ kiến thức cả lý thuyết lẫn thực tế. Ngoài ra, việc giữ chân người lao động, nhất là lao động có tay nghề, không để “chảy máu chất xám” trong ngành đóng tàu ra nước ngoài cần được tính đến. 

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành đóng tàu, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú, Trưởng Khoa Đóng tàu, Trường đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, Khoa xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO (lên ý tưởngthiết kế- triển khai thi công- vận hành) trong đó, tập trung vào kiến thức ứng dụng kết hợp thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để nhận bằng tốt nghiệp, sinh viên ngành đóng tàu đạt chuẩn đầu ra về tin học văn phòng MOS >=750, ngoại ngữ TOEIC 450. Để thu hút, tăng tuyển sinh đầu vào ngành đóng tàu, Khoa mong các doanh nghiệp chủ động phối hợp đơn vị đào tạo trong công tác quảng bá, giới thiệu cơ hội việc làm, thu nhập hấp dẫn với học sinh khi đang học THPT; cung cấp suất học bổng đối với sinh viên. Về phía khoa sẽ cải tiến chương trình đào tạo, tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong lĩnh vực đóng tàu để bảo đảm đào tạo đáp ứng sát với nhu cầu thị trường lao động. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập