Nuôi thủy sản đặc sản: Lãi lớn nhưng khó mở rộng sản xuất
(HPĐT)- Những năm gần đây, nhiều người tiêu dùng thành phố được sử dụng một số loại thủy sản đặc sản được nuôi trồng trên địa bàn thành phố. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi các loài thủy sản đặc sản giúp nông dân tăng thu nhập trên diện tích mặt nước. Tuy nhiên, để sản xuất thành công và có thể nhân rộng các mô hình này cần có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương...
Hộ nông dân ở xã Chiến Thắng (huyện An Lão) cải tạo ao nuôi một số loài thủy sản đặc sản như cá chuối, tôm thẻ chân trắng...
Tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật
Khi người dân có nhu cầu sử dụng một số loài thủy sản đặc sản như cá lăng, ba ba, cá rô đầu vuông, tôm càng xanh... người tiêu dùng có thể tìm mua tại một số trang trại, cơ sở nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố. Chất lượng sản phẩm của các cơ sở này đều bảo đảm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Dịp cuối năm, trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Chinh, ở xã Lê Lợi (huyện An Dương) thu hoạch khá nhiều cá rô đồng, ốc, ếch để cung ứng cho thị trường. Ông Chinh cho biết, nhiều người thích sử dụng sản phẩm của trang trại vì chất lượng tốt, được nuôi theo phương pháp truyền thống. Khác với nhiều trang trại nuôi cá hoặc ốc dưới ao, ông Chinh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trải bạt dưới rãnh của vùng trồng thanh long để nuôi ốc bươu, ếch, cá rô đồng...
Còn anh Phạm Văn Minh, ở xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) được nhiều người biết đến bởi mô hình nuôi ếch Thái Lan trong lồng. Năm 2024, với 1.000 ô lồng được đặt ở 30 ao nuôi thủy sản, gia đình anh thu hoạch hơn 20 tấn ếch phục vụ thị trường. Sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 400 triệu đồng. Anh Minh chia sẻ, trước đây, gia đình chủ yếu nuôi cá truyền thống, thời gian nuôi lâu, tiêu thụ chậm, lãi ít. 4 năm trở lại đây, gia đình nuôi ếch trong lồng thu lãi cao hơn mô hình nuôi thủy sản truyền thống.
Khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 5 gần đây (2019 - 2025), toàn thành phố có 33 mô hình nuôi thủy sản đặc sản, thu hút 68 hộ nông dân tham gia thực hiện trên diện tích hơn 44 ha mặt nước đem lại năng suất, chất lượng cao. Các mô hình này ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được xây dựng phù hợp từng đối tượng nuôi, điều kiện từng vùng nuôi. Tiêu biểu như mô hình “ứng dụng nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”, mô hình nuôi ếch trong lồng trên ao nuôi cá rô phi, “ứng dụng mô hình sông trong ao nuôi cá lăng”, “ứng dụng công nghệ sinh học nuôi cá chép Koi”...
Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
Mặc dù thành công trong thực hiện nhiều mô hình nuôi thủy sản đặc sản cho giá trị kinh tế cao nhưng việc nhân rộng để sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đặc thù nuôi trồng thủy sản phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nông dân e ngại khi mở rộng diện tích. Đặc biệt, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Thậm chí, một số mô hình nông dân tâm huyết mở rộng nhưng chỉ được vài năm, gặp rủi ro, điều kiện sản xuất khó khăn lại dừng nuôi. Ông Phạm Văn Nhiêu, ở xã Tiên Minh (huyện Tiên Lãng) là một trong những hộ nuôi cá lăng ứng dụng mô hình sông trong ao lớn nhất thành phố nhưng năm 2024, ông bỏ hẳn nuôi cá lăng vì nguồn nước bị ô nhiễm, đồng thời ảnh hưởng của bão số 3 khiến cơ sở vật chất ao nuôi thủy sản bị hỏng toàn bộ. Hiện ông đang đầu tư nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Tuyên Quang... Cùng với đó, người nuôi thủy sản ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng nhưng nông dân thiếu vốn, thiếu sự liên kết, chủ yếu nuôi tự phát nhỏ lẻ nên thị trường tiêu thụ khó khăn...
Tháo gỡ vướng mắc để các hộ nông dân có thể mở rộng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi các loài thủy sản đặc sản, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đỗ Đức Thịnh cho rằng, các địa phương tiếp tục tuyên truyền các quy trình kỹ thuật nuôi trồng an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức nuôi trồng thủy sản, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15/2021/NQHĐND của HĐND thành phố quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản đặc sản ứng dụng tiến bộ kỹ thuật...
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Nguyễn Ngọc Đam, những năm qua, tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trung tâm xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu theo hình thức cầm tay, chỉ việc. Trong 5 năm qua, trung tâm tổ chức 240 lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi thủy sản đặc sản với sự tham gia của 12.300 lượt nông dân. Nội dung tập huấn chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và thực hành cho nông dân...
Là địa phương có diện tích vùng bãi ven sông Lạch Tray nên nông dân xã Trường Thọ (huyện An Lão) khai thác thế mạnh để phát triển nuôi trồng thủy sản... Chủ tịch UBND xã Trường Thọ Nguyễn Văn Oanh cho biết, đến nay xã tạo điều kiện cho các hộ nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa ở vùng bãi ven sông sang nuôi trồng thủy sản theo vùng sản xuất tập trung với diện tích 40 ha. Các đoàn thể của xã tín chấp cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, đồng thời thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho nông dân./.