Phát triển hoạt động thương mại điện tử: Quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
(HPĐT)- Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, thương mại điện tử đang ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Bên cạnh những ưu thế, sự tiện lợi, thương mại điện tử cũng bộc lộ nhiều bất cập, gây nên tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Sở Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị “Diễn đàn CEO - Cất cánh toàn cầu cùng Amazon” nhằm thúc đẩy thương mại điện tử.
Đẩy mạnh thương mại điện tử
Là một trong những thương hiệu bán lẻ được người dân Hải Phòng ưa chuộng, Siêu thị GO! Hải Phòng đang triển khai song song hai hình thức kinh doanh truyền thống và trực tuyến nhằm nâng cao hơn trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời gia tăng doanh số. Trong đó, Siêu thị GO! ứng dụng thương mại điện tử dưới nhiều hình thức như quảng cáo trên website, Facebook, Zalo, Fanpage hay treo các banner, dán các thông tin về bán hàng online tại siêu thị, bán hàng qua ứng dụng Go!& Big C… Ngoài ra, đơn vị tăng cường truyền thông, áp dụng các hình thức khuyến mại, ưu đãi dành cho khách hàng mua sắm online như voucher giảm giá, khuyến mại dành riêng cho app Zalo khi tìm "GO! Hải Phòng" và đặt hàng qua Zalo, mua hàng qua Zalopay… Nhờ đó, hoạt động kinh doanh của đơn vị luôn đạt tăng trưởng theo kế hoạch. Với Công ty TNHH Chavigreen (huyện Kiến Thuỵ), đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm từ thiên nhiên như dầu gội, sữa tắm… thương mại điện tử từ lâu trở thành kênh tiêu thụ sản phẩm chính, bên cạnh các hình thức phân phối truyền thống. Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Chavigreen Đào Văn Khoa, lượng sản phẩm bán ra trên các kênh thương mại điện tử như Facebook, Shopee, Tiktok… có những thời điểm chiếm đến 80% doanh số bán hàng của doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành thông tin: Nắm bắt xu thế thương mại điện tử, Sở Công Thương thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba, Shopee, Lazada, Sendo. Hô tr ̃ ợ doanh nghiệp đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương. Duy tri, nâng câ ̀ p Sàn giao ́ dịch thương mại điện tử Hải Phòng với địa chỉ www.hoaphuong.gov.vn với tính năng và công nghệ tích hợp với trình duyệt mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tại Hải Phòng đưa sản phẩm lên sàn; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng cũng như thúc đẩy hoạt động giao thương trên sàn. Duy trì và cập nhật sơ sở dữ liệu thông tin địa điểm mua sắm thành phố Hải Phòng tại địa chỉ maps.hpe.gov.vn với gần 2.000 địa điểm mua sắm...
Kết hợp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng hơn 25% so với năm 2022 và đạt 25 tỷ USD, trong đó quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Tại Hải Phòng, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử những năm qua chiếm khoảng 16-18% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn thành phố, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23 - 25%/năm; hằng năm có 55- 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Sự phát triển mạnh mẽ này càng khiến tình trạng gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Theo Cục quản lý thị trường thành phố, trong 10 tháng năm 2024, đơn vị kiểm tra, kiểm soát 55 vụ, xử lý 44 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hơn 831 triệu đồng, trong đó có nhiều vụ việc lớn liên quan đến các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. Đơn cử như vào ngày 18-10 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 7 (thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy (Công an quận Ngô Quyền) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Lê Văn Tùng, phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền. Quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện và tạm giữ hơn 700 sản phẩm thời trang gồm quần áo, giày dép, thắt lưng, túi, ví nam các loại mang nhãn hiệu Dolce&Gabbana (D&G), Gucci, Burberry, Dior, Louis Vuitton (LV), Hermes, Nike, Adidas không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 460 triệu đồng. Đây cũng là những sản phẩm được hộ kinh doanh này đăng tải, giới thiệu trên trang Facebook mang tên Tùng Gucci (Lê Văn Tùng). Đội Quản lý thị trường số 7 gửi công văn đến đại diện theo ủy quyền của các nhãn hiệu nổi tiếng nêu trên chờ xử lý theo quy định.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là thời gian hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra sôi động do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử. Cục Quản lý thị trường thành phố sẽ tiếp tục chủ động thực hiện công tác thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực Công Thương; ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng những tháng cuối năm; nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Đồng thời tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của người tiêu dùng, để người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng giả; “nói không” với các loại hàng nhái thương hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử…