Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho ngành đóng tàu Hải Phòng
(HPĐT)- Từ cuối 2023 đến nay, ngành đóng tàu Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung đang có sự hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên để tận dụng triệt để cơ hội này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực.
Ngành đóng tàu trên đà khởi sắc
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Công ty Đóng tàu Phà Rừng xuống nước an toàn tàu chở dầu-hóa chất 13.000 tấn mang tên BS Hải Phòng ký hiệu thiết kế YN-01 đóng cho đối tác Hàn Quốc. Đây là chiếc đầu trong loạt 8 tàu chở dầu- hóa chất mang ký hiệu thiết kế từ YN-01 đến YN08 chính thức ra mắt. Lãnh đạo Công ty Đóng tàu Phà Rừng cho biết, loạt 8 tàu 13.000 tấn này chính là sự mở rộng của dự án đóng mới 5 tàu ban đầu cộng với 3 tàu tiếp theo, khi Phà Rừng chứng minh được điều kiện, trình độ, năng lực của mình với đối tác Hàn Quốc. Cũng trong tháng 5, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng đưa xuống nước thành công con tàu 17.500 tấn có ký hiệu thiết kế SS-12 mang tên Trường An ship đóng mới cho chủ tàu Công ty TNHH Thương mại Vận tải Minh Thắng. Đặc biệt, chiều 10-5-2024, lần đầu trong lịch sử đóng tàu Việt Nam, một con tàu 65.000 tấn mang tên Trường Minh Dream 01 được Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu đưa xuống nước thành công, đánh dấu bước tiến vượt bậc của doanh nghiệp đóng tàu Việt.
Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng, trải qua thời kỳ khủng hoảng của ngành đóng tàu cả nước (kể từ năm 2008), đến nay, các cơ sở đóng mới sửa chữa tàu biển của Hải Phòng đã có sự phục hồi và từng bước phát triển, sản lượng đóng tàu tăng, bảo đảm việc làm và thu nhập tốt cho người lao động với mức lương bình quân 12-14 triệu đồng/người/tháng. Một số nhà máy liên tục nhận được các đơn hàng đóng mới tàu cho nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước có giá trị cao, công việc bảo đảm đến hết năm 2026 và đang tiếp tục đàm phán để tiếp nhận đơn hàng cho giai đoạn đến 2028.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp đóng tàu mới ra đời như: Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương đóng được tàu 30.000 tấn, đây là con tàu “thuần Việt” đầu tiên bởi vì từ đơn vị tư vấn thiết kế đến chủ tàu, công ty đóng tàu đều là doanh nghiệp Việt; Nhà máy Đóng tàu Đông Á cũng đã có những đơn hàng đóng tàu nhỏ, xà lan…
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương Lê Đoàn Tám, nguồn nhân lực hiện là một trong những điểm yếu nhất hiện nay của ngành đóng tàu. Cụ thể là rất thiếu kỹ sư vỏ, kỹ sư máy; công nhân có trình độ tay nghề cao cũng rất khó tuyển dụng. Nghề đóng tàu với đặc thù nặng nhọc, độc hại nhưng thu nhập chưa cao không đủ sức hấp dẫn học sinh, sinh viên mới ra trường. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước cũng như thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho ngành đóng tàu.
Trường đại học Hàng hải Việt Nam, “cái nôi” đào tạo ngành nghề đóng tàu trong khoảng chục năm nay đang gặp khó khăn khi tuyển sinh những ngành truyền thống, có thế mạnh, làm nên thương hiệu nhà trường trước đây. Mặc dù các doanh nghiệp đóng tàu năm nào cũng về trường “đặt hàng”, trao học bổng khuyến khích sinh viên, nhu cầu tuyển dụng mỗi năm hàng trăm kỹ sư, song rất ít người theo học. Việc tuyển sinh ngành đóng tàu 1-2 năm trở lại đây có dễ hơn, nhưng số sinh viên ứng tuyển và điểm đầu vào vẫn chưa cải thiện bao nhiêu. Theo các doanh nghiệp, ngành đóng tàu là một ngành công nghiệp nặng đòi hỏi kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở đóng tàu tốn nhiều thời gian, các thiết bị phục vụ cho đóng tàu cũng đặc thù, nhất là cần cẩu sức nâng lớn, xe chuyên dùng cùng hệ thống cổng trục, cầu trục, thiết bị cơ giới… Nhiều doanh nghiệp đóng tàu tại địa bàn Hải Phòng tuy có đủ năng lực đóng và sửa chữa tàu cỡ lớn, song nguồn vốn đang là bài toán khó. Hiện mặt bằng lãi suất ngân hàng của Việt Nam còn cao so với thế giới. Các ngân hàng cũng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận nguồn vốn vay với doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Cùng với đó, vật tư thiết bị đóng tàu chủ yếu nhập khẩu nên chi phí khá cao…
Theo NGƯT. GS. TS. Lê Viết Lượng, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Đóng tàu (Trường đại học Hàng Hải Việt Nam), để giải quyết vấn đề nhân lực cho ngành đóng tàu, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, cần có các nghị quyết hoặc chuyên đề của thành phố, Bộ Giao thông- Vận tải... về tạo nguồn nhân lực cho ngành cơ khíđóng tàu, trong đó cần chú trọng nguồn kỹ sư. Bước đầu có những chính sách ưu đãi cho các kỹ sư làm việc trong lĩnh vực đóng tàu để thu hút thí sinh đăng ký, vào học các chuyên ngành đóng tàu nhiều hơn…
Tại Hội thảo khoa học "Phục hồi và phát triển ngành đóng tàu thành phố Hải Phòng: Thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp" mới đây, Trưởng phòng Dự báo - Tổ chức vận tải (Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông - Vận tải) Nguyễn Huy Hoàng cho biết: hiện nay, Chính phủ đang thực hiện nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ những khó khăn cho SBIC, đồng thời xây dựng các mục tiêu, giải pháp nhằm phát triển và nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước. Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng Đề án Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó đề xuất xây dựng các quỹ của Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp đóng tàu, cơ khí và công nghiệp phụ trợ khi đầu tư mới cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hoặc đổi mới thiết bị có hiệu quả, năng suất cao hơn. Có các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đóng tàu như chính sách, ưu đãi lãi suất cho vay; các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp…