Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo lộ trình: Các ngân hàng đồng hành với địa phương, doanh nghiệp
(HPĐT)- Năm 2025, Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cho 5 tỉnh, thành phố của Khu vực 6 (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình) từ 8%-12,5%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó, Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 12,5%. Để hoàn thành mục tiêu này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và toàn bộ hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng
Theo Nghị quyết số 25 ngày 5-2-2025 của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngân hàng ngay từ những tháng đầu năm 2025, khu vực 6 là địa điểm làm việc đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là khu vực được Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cao hơn mức trung bình chung của cả nước, từ 8%-12,5%. Năm 2024, tăng trưởng tín dụng của một số địa phương trong khu vực 6 thuộc nhóm cao nhất toàn quốc như Hải Phòng 24,67%; Hưng Yên 18,24%. Trước kỳ vọng của Chính phủ, nhằm kịp thời trao đổi khó khăn, vướng mắc, tìm kiếm giải pháp tối ưu tại hội nghị chuyên ngành do NHNN Việt Nam và UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức ngày 21-3 vừa qua tại Hải Phòng, UBND các tỉnh, thành phố và các ngân hàng trong khu vực đều nhất trí với chủ trương chung: Đẩy mạnh tín dụng ngành ngân hàng, góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực 6, hoàn thành mục tiêu năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đánh giá cao vai trò của ngành ngân hàng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và nêu rõ, năm 2024, quy mô kinh tế của Hải Phòng tăng trưởng hơn 11%, với sự đóng góp lớn của các ngân hàng. Năm 2025, đồng chí đề nghị NHNN Việt Nam; NHNN khu vực 6 tiếp tục đồng hành với các địa phương nói chung, Hải Phòng nói riêng trong việc phát triển hệ thống tài chính, bảo đảm thanh khoản và hỗ trợ các dự án đầu tư lớn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực.
Riêng đối với công tác tín dụng, để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tại thời điểm cuối năm 2024, NHNN giao ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16% để các TCTD chủ động, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế. Đồng thời, trong hơn 2 tháng đầu năm 2025, NHNN ban hành 10 văn bản chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm; tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; quán triệt TCTD thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, NHNN để ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay... Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà thông tin, các giải pháp, điều hành nêu trên bước đầu đạt kết quả tích cực, cụ thể, mặc dù theo quy luật mùa vụ các năm và thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tín dụng đầu năm thường giảm nhưng tăng trưởng tín dụng cả nước đầu năm 2025 có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm 2024, cụ thể, đến ngày 12-3-2025 tín dụng tăng 1,24% so với cuối năm 2024 (cùng kỳ tháng 2-2024 giảm 0,74%).
Linh hoạt tiếp cận nguồn vốn
Cùng với cả nước, đầu năm 2025, tăng trưởng tín dụng tại khu vực 6 tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2024, tín dụng đến cuối tháng 2- 2025 tăng cao hơn tín dụng chung toàn quốc; huy động vốn đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bảo đảm cung ứng đủ tín dụng cho khu vực, thanh khoản hệ thống ổn định, lãi suất có xu hướng giảm. Xét riêng tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế của khu vực đến 31-1-2025 đạt hơn 841 nghìn tỷ đồng, bằng 5,8% tổng dư nợ cho vay trên cả nước, tăng hơn 8,1 nghìn tỷ đồng so với 31-12- 2024, tương ứng tăng 0,97%. Trong đó, Hải Phòng và Quảng Ninh là 2 địa phương có quy mô dư nợ tín dụng lớn nhất, lần lượt là 261 nghìn tỷ đồng và 202 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 60% dư nợ của khu vực 6. Năm 2025, Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 12,5%, tương ứng tăng trưởng tín dụng của Hải Phòng phải đạt khoảng 25%. Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố rất cần sự đồng hành của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn.
Đồng hành với địa phương và doanh nghiệp, ngày 20-3 vừa qua, Agribank Chi nhánh Bắc Hải Phòng phối hợp UBND phường Lê Hồng Phong, thành phố Thủy Nguyên tổ chức hội nghị tiếp xúc khách hàng, với hơn 200 khách mời là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn, sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong Bùi Thị Lơ đánh giá cao sự linh hoạt, nhạy bén của Agribank Chi nhánh Bắc Hải Phòng và bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ưu đãi, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Thông tin từ Vietcombank Chi nhánh Hải Phòng, năm 2024, tổng dư nợ của ngân hàng trên địa bàn Hải Phòng hơn 20 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 24,7%, cao hơn mức tăng trưởng 13,7% của hệ thống Vietcombank. Năm 2025, ngân hàng định hướng tín dụng tập trung vào các ngành có xu hướng tăng trưởng của thành phố như cảng biển; công nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiêu dùng… Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Hải Phòng Trần Mạnh Hùng cho biết, ngân hàng đề ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về vốn đối với doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp bền vững.