Thương mại điện tử: Hướng tới phát triển bền vững

11:55 SA 31/03/2025

(HPĐT)- Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, thương mại điện tử đang ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Nắm bắt được xu thế đó, thời gian qua Sở Công Thương đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử; cũng như triển khai nhiều chương trình giúp nâng cao năng lực, nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong hoạt động thương mại điện tử.

 

Đại diện Tiktok Shop hướng dẫn tiểu thương chợ Quán Toan (quận Hồng Bàng) cách thức bán hàng trực tuyến.

 

Thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử 

Tại thành phố Hải Phòng, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử những năm qua chiếm khoảng 16-18% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn thành phố, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23 - 25%/năm; hằng năm có 55-60% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. 

Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH Chavigreen Đào Văn Khoa, lượng sản phẩm bán ra trên các kênh thương mại điện tử như Facebook, Shopee, TikTok… có những thời điểm chiếm đến 80% doanh số bán hàng của doanh nghiệp. 

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Thành, Sở thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ tiểu thương tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước và quốc tế như Alibaba, Shopee, Lazada, TikTok Shop... Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm đặc trưng của Hải Phòng cũng như thúc đẩy hoạt động giao thương trên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 225.784 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023, vượt 101,45% kế hoạch đề ra. Kết quả đó phần nào phản ánh hiệu quả các phương thức xúc tiến hoạt động thương mại điện tử ngành Công Thương tích cực đổi mới và triển khai trong thời gian qua.

Nâng cao nhận thức, bảo vệ người tiêu dùng 

Trước sự phát triển “thần tốc” của thương mại điện tử, công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử được nhiều chuyên gia đánh giá còn hạn chế, nhất là quản lý thuế, quản lý nguồn gốc, luồng hàng, trong khi ý thức về trách nhiệm của không ít doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử còn thấp, dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng không bảo đảm như cam kết, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng. Từ thực tế đó, Sở Công Thương tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn về thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo các chủ đề chuyên sâu, giới thiệu tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá, marketing hiệu quả cho website; cách thức quảng bá tăng sự tiếp cận tới khách hàng trên mạng xã hội… 

Mới đây, Bộ Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp UBND thành phố tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Hải Phòng. Một trong những hoạt động nổi bật hưởng ứng chương trình là các phiên Megalive giới thiệu xúc tiến sản phẩm gạo ST25 trên nền tảng TikTok. Trực tiếp đứng livestream tại phiên Megalive, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần APG ECO Đặng Thùy Linh chia sẻ: “Trong quá trình làm KOC (người tiêu dùng chủ chốt), tôi nhận ra rằng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để họ có trải nghiệm mua sắm tốt là điều rất quan trọng. Hơn hết, KOC cũng phải có trách nhiệm về vấn đề khiếu nại của khách hàng và lắng nghe, nhất là lắng nghe những đánh giá tiêu cực để hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ khiếu nại của khách hàng và hỗ trợ khách hàng giải quyết thỏa đáng, không bị bức xúc khi nhận sản phẩm. Đây là trách nhiệm của KOC”. 

Theo Kế hoạch số 291/KHUBND của UBND thành phố về việc phát triển thương mại điện tử trên địa bàn, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu năm 2025 tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 80%; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đến năm 2025 đạt trên 70%; 50% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử… Để thực hiện mục tiêu đề ra, thành phố giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử; chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử phạt, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phố biến kiến thức, pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn về thương mại điện tử; phối hợp các sở, ngành đề xuất, tham mưu báo cáo UBND thành phố các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thương mại điện tử… Từ đó góp phần xây dựng Hải Phòng phát triển bứt phá về thương mại điện tử, trở thành lĩnh vực tiên phong, thúc đẩy phát triển kinh tế số của thành phố, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của thành phố. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập