Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhiều doanh nghiệp: Bảo đảm quyền lợi của người lao động

09:31 SA 12/10/2023

 

 

Công đoàn Khu Kinh tế ký kết thỏa ước lao động tập thể với 30 doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2022. Ảnh: Chi Huyền 

 

(HPĐT)- Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn thành phố ký được 35 thỏa ước lao động nhiều doanh nghiệp, gấp gần 11 lần so với chỉ tiêu đề ra. Các thỏa ước này góp phần điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh trong cùng lĩnh vực, ngành nghề, tạo điều kiện để người lao động hưởng những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật.

 

Năm 2022, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng ký kết bản thỏa ước với 30 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, bảo đảm quyền lợi, các phúc lợi xã hội, việc làm của 9.300 công nhân, lao động trong giai đoạn 2022-2025. Đây là bước “đột phá”, có số lượng nhiều doanh nghiệp tham gia ký kết nhất từ trước đến nay. Bản thỏa ước với 10 chương, 24 điều, 24 điểm có lợi hơn cho người lao động, nhiều điều khoản vượt trội so với quy định của pháp luật, như: điều chỉnh tăng lên 200% lương cơ bản trên các ngày nghỉ thứ 7 trong tháng (trước là 150%); bữa ăn ca ít nhất 22 nghìn đồng/người/bữa, tăng 1 nghìn đồng/bữa so với trước; điều chỉnh kinh phí thăm hỏi tứ thân phụ, mẫu 500 nghìn đồng/người/lần (trước là 300 nghìn đồng). Riêng hỗ trợ nuôi con nhỏ chuyển sang khuyến khích các doanh nghiệp cân nhắc phù hợp tình hình tài chính từng đơn vị… Việc ký kết thỏa ước nhiều doanh nghiệp giúp nhiều lao động ổn định việc làm, phúc lợi, thu nhập, giúp họ yên tâm với công việc, gắn bó hơn với doanh nghiệp.

 

Bản thỏa ước này là sự tiếp nối thành công những lần ký kết thỏa ước nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc trước đó. Theo Phó chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nguyễn Hồng Quang, có kết quả này, ngoài sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Liên đoàn Lao động thành phố, Đảng ủy, Ban Quản lý Khu kinh tế, sự đồng thuận và ủng hộ của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại khu công nghiệp, còn có sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ công đoàn, phát huy các kinh nghiệm thương lượng và ký thành công hai lần thỏa ước nhóm trước đó. Để ký kết được thỏa ước này, đội ngũ cán bộ công đoàn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dịch COVID-19 kéo dài cùng với kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, như: giảm đơn hàng, thiếu nhỡ nguyên vật liệu, thiếu nhỡ việc làm nên việc thương lượng với lãnh đạo doanh nghiệp không dễ. Trong khi đó, thỏa ước nhiều doanh nghiệp là mô hình mới nên các doanh nghiệp e dè, chưa đồng thuận ngay. Mặt khác, chế độ chính sách của các doanh nghiệp không đồng đều nên việc thương lượng, điều chỉnh đạt mức chung không dễ…

 

Ngoài đơn vị tiêu biểu là Công đoàn Khu kinh tế, nhiều LĐLĐ quận, huyện, ngành cũng tích cực triển khai ký kết thỏa ước, bảo đảm quyền lợi sát sườn của người lao động. Như LĐLĐ quận Hải An ký kết được 3 thỏa ước nhiều doanh nghiệp; LĐLĐ huyện Thủy Nguyên, quận Kiến An mỗi đơn vị ký được 2 thỏa ước; Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn ngành Công Thương, LĐLĐ quận Lê Chân, Tiên Lãng, huyện Kiến Thụy… đều ký kết được các thỏa ước nhiều doanh nghiệp. Tất cả thỏa ước nhiều doanh nghiệp đều đạt loại A, với nhiều điểm có lợi hơn với người lao động, tác động đến nhiều doanh nghiệp và mang lại quyền lợi đối với gần 20 nghìn công nhân, lao động.

 

Hải Phòng đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phấn đấu trở thành địa phương đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Vì thế, cần thiết tìm kiếm các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Một trong những nguồn lực ấy là có đội ngũ lao động giỏi, tâm huyết, gắn bó với doanh nghiệp. Vì thế, từ chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố, các cấp Công đoàn sát cánh bên cạnh người lao động, quan tâm, chăm lo, động viên người lao động qua thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm từng bước cải thiện đời sống công nhân, người lao động cũng như góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hướng đến phát triển doanh nghiệp, thành phố bền vững./.