Liên Khê vào vụ chuối Tết
Vụ chuối Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các hộ dân Liên Khê dự báo được mùa đắt giá.
(HPĐT)- Xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) đang churn bị vào thu hoạch vụ chuối lùn dịp Tết Nguyên đán. Vùng trồng chuối chuyên canh mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần đầu tư mở rộng vùng sản xuất và xây dựng thương hiệu cho chuối lùn Liên Khê.
Chuối chín sớm, được giá
Thời điểm rằm tháng Chạp âm lịch, vườn chuối của hộ anh Nguyễn Huy Cường trên cánh đồng thôn 7, làng Thiểm Khê, xã Liên Khê đang vào độ căng đẫy quả. 8 sào vườn trồng chuối lùn của gia đình anh có hơn 200 buồng chuối. Các thương lái ở tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh gọi điện đặt hàng từ sớm. “Năm nay, do thời tiết ấm và thêm tháng nhuận, tỷ lệ chuối chín vào dịp Tết Nguyên đán giảm, nên dự kiến giá đắt hơn. Mỗi buồng chuối có giá hơn 1 triệu đồng, bằng cả 1 tạ thóc”, anh Cường nói. Mỗi năm, gia đình anh thu được hơn 70 triệu đồng nhờ trồng chuối Tết. Trong làng Thiểm Khê có đến gần 200 hộ trồng chuối như anh Cường.
Chủ tịch UBND xã Liên Khê Nguyễn Văn Hùng cho biết, hơn 10 năm nay, trồng chuối là thế mạnh của địa phương. Với lợi thế đó, xã vận động nhân dân chuyển đổi dần các vùng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối. Hiện, trên địa bàn xã có 150 ha trồng chuối lùn, chủ yếu đón vụ Tết Nguyên đán. Vùng trồng chuối tập trung ở các thôn 7, 8, 9 của làng Thiểm Khê với gần 300 hộ dân. Nhờ mạnh dạn cơ cấu chuyển cơ cấu cây trồng, kinh tế của người dân địa phương có sự chuyển biến rõ, trồng chuối mang lại thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng/sào cho người dân địa phương, cao gấp 6-7 lần so với cấy lúa. Đời sống của người dân ấm no hơn trên chính đồng đất quê hương.
Sớm hỗ trợ xây dựng thương hiệu VietGAP
Chuối mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương, song để phát triển bền vững, cần cách làm bài bản. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Liên Khê Nguyễn Huy Chuân, trước đây, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn kỹ thuật trồng và bảo quản chuối theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hải Phòng” đối với các hộ dân của xã để hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuối theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông thành phố đưa doanh nghiệp Nhật Bản về khảo sát vùng chuối Liên Khê, nhưng doanh nghiệp yêu cầu khá cao, khắt khe, phải có xưởng chế biến nguyên liệu và hồ sơ đầy đủ về kiểm định chất lượng sản phẩm. Địa phương mong muốn được hỗ trợ phát triển sản phẩm VietGAP để khẳng định thương hiệu chuối Liên Khê, giống như thương hiệu Na bở Liên Khê. Hiện nay, tại một số vùng trồng chuối như tại thôn 7, đường vào tận các vườn chuối còn nhỏ hẹp, đến xe máy cũng khó đi, nên việc vận chuyển chuối đi tiêu thụ cũng gặp khó khăn. Thời gian qua, Hợp tác xã đề nghị chính quyền địa phương quan tâm mở rộng, bê tông hóa đường vào một số vùng mở rộng trồng chuối. Đồng thời, đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hướng dẫn, cấp chứng nhận VietGAP để khẳng định chất lượng và thương hiệu chuối Liên Khê.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủy Nguyên Vũ Thành Quang cho biết, hiện vùng trồng chuối xã Liên Khê được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng xuất khẩu nông sản. Đồng thời, huyện vừa đưa sản phẩm chuối lùn của xã Liên Khê vào danh sách đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP để tạo hướng xuất khẩu. Cùng với đó, xã Liên Khê cần hướng dẫn các hộ dân chuyển đổi vùng trống đất lúa kém hiệu quả sang trồng chuối theo đúng kỹ thuật đánh luống, xẻ rãnh, làm đường và chăm bón đúng thời gian để đón vụ Tết. Mặt khác, khi chuyển đổi vùng chuyên canh, địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc người dân xây công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Về phía Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kết nối các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp để tiêu thụ, nhân rộng vùng trồng chuối Liên Khê mang tính bền vững, hiệu quả kinh tế cao.