Thành phố Thủy Nguyên: Nỗ lực phủ xanh lại rừng

11:55 SA 31/03/2025

(HPĐT)- Từ đầu năm 2025 đến nay, các xã, phường trên địa bàn thành phố Thủy Nguyên đang nỗ lực trồng cây, phủ xanh lại các khu vực đồi núi thiệt hại do cháy rừng và gãy đổ cây do bão Yagi gây ra từ năm 2024.

 

Người dân phường Thủy Đường chung tay trồng lại rừng bị cháy, thiệt hại do bão Yagi gây ra.
 

Vận động xã hội hóa trồng lại rừng 

Cuối năm 2024, liên tiếp xảy ra cháy rừng tại núi Sơn Đào, xã Thủy Sơn, nay là phường Thủy Đường, làm trơ trụi hơn 10 ha rừng, không có khả năng hồi sinh. Chủ tịch UBND phường Thủy Đường Lê Thị Mai cho biết, trước thực tế trên, tháng 3-2025, UBND phường quyết tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, gửi thư kêu gọi cộng đồng chung tay “Phủ xanh núi Sơn Đào”. Ngay sau đó, cộng đồng nhiệt tình ủng hộ, hỗ trợ chiến dịch trồng cây, phục hồi núi Sơn Đào bằng những hành động cụ thể. Trong đó, điển hình như chị Lê Thị Hồng Vân - chủ cơ sở may mặc ở phường Thủy Đường ủng hộ 2 vạn cây keo giống và Hợp tác xã đầu tư phát triển Sông Giá ở phường Trần Hưng Đạo ủng hộ hơn 1 tấn phân trùn quế. Chưa kể, hàng chục người, từ lãnh đạo, cán bộ, công chức, thanh niên, phụ nữ, công an và người dân của phường tích cực, khẩn trương triển khai “Phủ xanh núi Sơn Đào” trong 2 ngày 11 và 16-3 vừa qua. Vào ngày 11-3, thời tiết hanh khô, địa phương phải tổ chức xe chở nước từ chân núi lên khu vực trồng cây và tận dụng khe núi để phủ bạt đựng nước, tưới cây. Đến ngày 16- 3, dù trời mưa ẩm, các cán bộ, đoàn viên, thanh niên vẫn mặc áo mưa, lên núi đào hố, trồng cây, vun đất. Tuy nhiên, qua 2 ngày trồng, mới phủ xanh được khoảng 50% diện tích rừng bị cháy trước đó. Thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động những người dân tập thể dục qua núi Sơn Đào ủng hộ, tự trồng bổ sung các cây xanh tại đây để rừng thêm xanh. Chị Đỗ Thị Thúy Hà, Giám đốc Hợp tác xã đầu tư phát triển Sông Giá bày tỏ, chương trình "Phủ xanh núi Sơn Đào" không chỉ góp phần cải thiện môi trường sinh thái, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân trong việc xây dựng địa phương xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững. Do đó, hợp tác xã quyết định tài trợ toàn bộ số phân trùn quế, góp phần giúp cây trồng có đủ dinh dưỡng để phát triển tốt. 

Chủ tịch UBND xã Liên Xuân Bùi Văn Đáng cho biết, trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, sau bão Yagi, tại địa phương xảy ra cháy khoảng rừng với diện tích nhỏ. Do đó, trong dịp Tết trồng cây đầu Xuân, địa phương tổ chức trồng gần 100 cây xanh trên đồi núi bị cháy rừng. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Thủy Nguyên, riêng dịp Tết trồng cây, các xã, phường trồng bổ sung gần 3 nghìn cây xanh tại các khu vực đồi rừng, nhất là những khu vực rừng bị cháy, thiệt hại sau bão.

Phát huy tiềm năng của địa phương 

Thành phố Thủy Nguyên hiện có hơn 1.300 ha diện tích rừng, tập trung chủ yếu tại các xã: Ninh Sơn, Liên Xuân, Bạch Đằng, Quang Trung và các phường: Thủy Đường, Minh Đức, Hòa Bình, Trần Hưng Đạo, Thủy Hà, Ngũ Lão, Quảng Thanh. Trong đó, số diện tích đủ tiêu chí thành rừng là trên 1.288 ha với tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,92%. Đây được xem là tiềm năng đáng kể và cũng là lợi thế khi so sánh lâm nghiệp của Thủy Nguyên với nhiều địa phương trong thành phố Hải Phòng. Nhất là, một số khu rừng đồi ở các phường: Minh Đức, Thủy Đường và xã Bạch Đằng còn là những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, du lịch tiêu biểu. Một số khu đồi rừng nằm liền kề trung tâm các phường: Thủy Đường, Minh Đức còn có giá trị lớn trong việc tạo lập môi trường cảnh quan sinh thái. Tuy nhiên, theo Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Thủy Nguyên Vũ Thành Quang cho biết, cơn bão Yagi năm 2024 đã làm thiệt hại ước tính lên đến 500 ha rừng đồi núi và sau đó, xảy ra nhiều vụ cháy rừng liên tiếp vào cuối năm 2024, làm thiệt hại thêm các diện tích rừng. 

Quyết liệt tập trung chỉ đạo thực hiện chủ đề năm 2025 của thành phố Thủy Nguyên về “Đẩy mạnh phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”, Chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên Nguyễn Huy Hoàng cho biết, thành phố Thủy Nguyên ban hành và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch phát triển lâm nghiệp, đồng thời chỉ đạo các địa phương vừa bổ sung, bảo vệ diện tích rừng hiện có, vừa phát triển trồng thêm rừng trên các vùng đồi núi, nhất là phục hồi rừng sau bão Yagi. Các địa phương xây dựng quy hoạch và thiết kế chi tiết số diện tích gò, đồi trên cơ sở phân cấp hạng đất, xác định nơi trồng được cây ăn quả, nơi trồng cây lấy gỗ, củi, thực hiện giao đất đồi núi cho người dân quản lý, sử dụng. Đồng thời, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo nhân dân về vai trò, lợi ích toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng và bảo vệ rừng; vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia trồng cây gây rừng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Các địa phương tiếp tục tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, triển khai xây dựng kế hoạch trồng cây xanh, trồng rừng gắn với phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch, xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, triển khai thực hiện tốt kế hoạch trồng cây hằng năm, gắn việc trồng với chăm sóc, bảo đảm sinh trưởng, phát triển tốt và bảo vệ cây, phòng, chống cháy rừng, đồng thời đề cao vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm về rừng và đất lâm nghiệp. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập