Lựa chọn sách giáo khoa khối lớp 5: Nêu cao trách nhiệm, bảo đảm phù hợp
Các giáo viên Tiểu học thành phố tìm hiểu, nghiên cứu để lựa chọn sách giáo khoa lớp 5.
(HPĐT)- Tháng 3 là thời điểm các giáo viên trường tiểu học trên địa bàn tích cực nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) khối lớp 5. Để chọn bộ sách chất lượng, phù hợp điều kiện dạy và học của nhà trường, các giáo viên phải nỗ lực sắp xếp công việc, thời gian để đáp ứng quy trình cũng như tiến độ công việc...
Không làm qua loa, hình thức
Theo cô Nguyễn Thị Minh Khoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Lê Chân), việc lựa chọn SGK cho khối lớp 5 năm học 2024 được triển khai theo quy định của Thông tư 27, thay cho Thông tư 25 như trước đây. Điểm khác biệt lớn nhất của thông tư mới này là quyền quyết định chọn SGK được giao về cho Hội đồng chọn sách của nhà trường thay vì Hội đồng chọn sách của UBND cấp tỉnh, thành phố như trước. Cô Khoa cho rằng, được trao quyền chọn SGK để giảng dạy là cơ hội để các trường học phát huy quyền tự chủ, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề cho mỗi đơn vị đối với quyết định của mình.
Thời gian này, ngoài công việc giảng dạy, vào các tối muộn, cô Trần Thị Hậu, giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Lê Chân) tranh thủ đọc, đối chiếu các bản sách lớp 5. Cô Hậu cho rằng, việc chọn SGK khó nhất ở điểm trình độ học sinh không đồng đều, giáo viên phải nghiên cứu kỹ ưu, nhược từng bộ sách để lựa chọn phù hợp nhất cho đại trà học sinh. Mặt khác, việc tiến hành chọn sách được triển khai thời điểm giữa kỳ 2 của năm học, giáo viên vừa phải lên lớp, soạn giáo án, chấm điểm, vừa phải đọc, ghi phiếu nhận xét ưu nhược từng cuốn của từng bộ sách khác nhau để làm cơ sở đề xuất lựa chọn. Theo danh mục SGK được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phê duyệt năm học 2024-2025, lớp 5 bao gồm hơn 40 đầu sách. Để hoàn thành đọc khối lượng sách lớn trong thời gian nhất định, giáo viên phải thức khuya, dậy sớm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Còn theo cô Vũ Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Tân Thành (quận Dương Kinh), để lựa chọn được bộ sách hiệu quả, đòi hỏi giáo viên không chỉ đơn thuần nghiên cứu các bộ sách lớp 5 mà còn phải hệ thống các bộ sách khối dưới để bảo đảm tính liên thông kiến thức. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên không chỉ tập trung cao điểm vào tháng 3 mà trước đó đã phải dành thời gian, công sức nghiên cứu mới lĩnh hội hết được nội dung cốt lõi, tránh “dồn nén” nghiên cứu trong thời gian ngắn hay lựa chọn qua loa, hình thức...
Phối hợp tập huấn, bồi dưỡng
Năm học 2024-2025, đối với bậc Tiểu học, Hải Phòng chọn các bộ sách: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo… và các bộ sách tiếng Anh cho lớp 5. Trong đó, sách giáo khoa lớp 5 gồm hơn 40 đầu sách của các nhà xuất bản… Theo Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) Trần Thu Hằng, việc lựa chọn sách giáo khoa được triển khai trên nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của Hải Phòng và với điều kiện dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Năm học 2024-2025 là năm thứ 5 Hải Phòng cùng cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới. Để bảo đảm việc lựa chọn sách đúng quy trình, quy định, tiến độ và thời gian, Sở GD-ĐT phối hợp các nhà xuất bản tổ chức tập huấn dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp tới 100% số cán bộ quản lý, giáo viên dự kiến dạy lớp 5 của năm học 2024-2025. Tại các lớp tập huấn, chủ biên, tác giả các bộ sách, sẽ trình bày những giá trị cốt lõi cơ bản của bộ sách cũng như giải đáp những vướng mắc về kiến thức trong bộ sách. Từ đó làm căn cứ để các nhà trường quyết định lựa chọn phù hợp. Trước khi bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 5 nhằm giúp các trường triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả cao nhất.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu nhận định, lựa chọn SGK là khâu cuối cùng, có vai trò quan trọng thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Với việc giao quyền chọn SGK cho các cơ sở giáo dục, đòi hỏi các nhà trường nâng cao trách nhiệm trong việc lựa chọn thành viên có chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết vào hội đồng lựa chọn sách, tiến hành đánh giá SGK theo tinh thần dân chủ, khách quan, minh bạch, lựa chọn bộ sách phù hợp điều kiện tổ chức giảng dạy tại đơn vị. Thời gian tới, Sở GDĐT tiếp tục tham mưu đầu tư thành phố, các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên tham gia các lớp tập huấn sách theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 5 để triển khai tốt chương trình trong năm học tới.