Mở rộng diện tích ứng dụng tiêu chuẩn VietGap trong trồng trọt: Chủ động thực hiện từ nhiều phía

04:06 CH 07/08/2021

 

 

Sản xuất rau trong nhà lưới áp dụng tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Thái Sơn (Kiến Thụy).

 

(HPĐT)- Tuy nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân nhưng trên thực tế, việc ứng dụng tiêu chuẩn này trong lĩnh vực trồng trọt chưa mở rộng. Tính đến đầu tháng 7-2021, toàn thành phố có 30% diện tích trồng trọt ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP, chỉ có 1% trong số đó được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.

Nhiều rào cản, khó mở rộng diện tích

Dù không phải chính vụ sản xuất, nhưng vào thời điểm này, trang trại trồng rau an toàn của HTX chăn nuôi Thái Sơn ở xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) ngày nào cũng có vài tạ rau cải ngọt, cải canh, cải bó xôi để cung cấp cho siêu thị và một số bếp ăn tập thể. Giám đốc HTX chăn nuôi Thái Sơn Đồng Thị Doanh cho biết, trước đây, HTX chỉ sản xuất được một số rau ăn lá chính vụ. 2 năm gần đây, HTX đầu tư gần 2 ha diện tích đất để trồng rau ăn lá, dưa lê, dưa bở theo tiêu chuẩn VietGAP trong hệ thống nhà lưới, đem lại thu nhập cao hơn. Sản phẩm được liên kết tiêu thụ với siêu thị Aeon Mall.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật Hải Phòng, hiện trên địa bàn thành phố có gần 40 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó lúa chiếm hơn 30 nghìn ha, rau màu các loại hơn 4.000 ha, cây ăn quả gần 5.000 ha. Một số địa phương như: Kiến Thụy, Tiên Lãng…bước đầu có diện tích lúa, rau màu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiêu biểu như xã Tân Trào (Kiến Thụy), xã Đại Thắng (Tiên Lãng) có một số diện tích trồng nếp xoắn và nếp cái hoa vàng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng thống kê và Chi cục trồng trọt- Bảo vệ thực vật Hải Phòng, hiện diện tích cây trồng ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP chiếm 30% tổng diện tích cây trồng. Trong số đó chỉ có 1% diện tích được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn.

Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Cao Thanh Huyền đánh giá, thực tế, nông dân Hải Phòng có thể ứng dụng sản xuất theo hướng VietGAP trên cây trồng với diện tích lớn hơn, nhưng còn vướng một số rào cản. Cụ thể, lúa, rau màu hay cây ăn quả phần lớn được trồng trên các diện tích nhỏ, lẻ, manh mún nên việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP gặp khó khăn nếu muốn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn sản xuất thông thường, trong khi chỉ số ít nông dân áp dụng tìm kiếm được đầu ra cho sản phẩm bằng cách liên kết với siêu thị, cửa hàng nông sản thực phẩm sạch. Phần lớn người sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn bán sản phẩm ở các chợ, giá chỉ bằng với sản phẩm sản xuất theo phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, người sản xuất phải ghi nhật ký theo dõi qúa trình, đồng thời có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ ngành chức năng nên nhiều nông dân e ngại… Một số nông dân áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn do chi phí để làm giấy chứng nhận còn cao, trung bình 20 -21 triệu đồng cho một lần cấp giấy có hiệu lực trong thời hạn 3 năm.

Hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ

Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục trồng trọt - Bảo vệ thực vật Hải Phòng Bùi Cảnh Đức cho biết, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm mới lưu thông được vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng nông sản an toàn và có thể phục vụ xuất khẩu. Tại Hải Phòng, một số sản phẩm cây trồng của Công ty TNHH Thực phẩm xanh Kỳ Duyên ở xã Hùng Tiến như: bắp cải, cà tím…đã xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Âu. Vì vậy, trong thời gian tới, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quá trình sản xuất nông nghiệp trở thành xu thế tất yếu. Tại Hải Phòng, phấn đấu trong những năm tới, diện tích cây trồng ứng dụng VietGAP đạt 70% tổng diện tích cây trồng, trong đó 50% được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Để đạt mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn sẽ tham mưu thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như: Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Hải Phòng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm; phối hợp các đơn vị, tổ chức cấp giấy chứng nhận, tạo điều kiện để sản phẩm dễ dàng cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cần tích cực vận động nông dân xây dựng các vùng sản xuất lớn, quy vùng tập trung, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Các địa phương củng cố vai trò hoạt động của các HTX nông nghiệp, trở thành chỗ dựa tin cậy cho nông dân trong việc chỉ đạo, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, đồng thời làm cầu nối đứng ra thu mua sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu sản phẩm. Thời gian qua, ở các xã: Cấp Tiến (Tiên Lãng), Thắng Thủy, Hùng Tiến (Vĩnh Bảo), Tú Sơn, Thụy Hương (Kiến Thụy)…, các HTX phát huy hiệu quả vai trò trong việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm.

Về phía nông dân, cần mạnh dạn dồn đổi ruộng đất hoặc tích tụ các diện tích ruộng bỏ hoang, lựa chọn cây trồng có thế mạnh để sản xuất; phối hợp các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn từng bước mở rộng diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; tuân thủ quy trình sản xuất, giữ uy tín trong việc liên kết để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và đạt doanh thu cao hơn…/.