Nét xuân biên giới miền Tây Nam Bộ
(Ảnh: Đăng Nguyên)
1. Từ rằm tháng Mười trở đi, những khóm lá mai nhè nhẹ ngả dần từ màu xanh sẫm chuyển sang màu vàng nhạt. Để rồi theo thời gian, ở mỗi mắt lá he hé những nụ mai hình búp măng bé xíu xinh xinh. Cho đến rằm tháng Chạp, những chiếc lá già nua được đồng loạt tuốt bỏ. Từ bữa ấy, nụ hoa bỗng phổng phao hẳn lên theo từng ngày. Tới hăm ba tháng Chạp, nụ hoa cái xuất hiện một lớp vỏ lụa óng mượt, trong đó chứa nhiều nụ hoa con. Lúc này mọi việc chăm sóc, điều chỉnh độ ẩm cho gốc mai dừng hẳn lại. Cứ để y nguyên như thế, đúng chiều ba mươi Tết, những nụ hoa đồng loạt bung nở vàng tươi rực rỡ, tỏa hương thơm ngào ngạt cả khắp khu vườn, chào đón thời khắc giao thừa đang tới gần.
Ở miền Tây có nhiều giống mai, nhưng thông thường và cổ xưa nhất vẫn là giống mai vàng năm cánh. Năm cánh mai ngày Tết tượng trưng cho “ngũ phúc lâm môn” nên ông bà xưa và cả thế hệ hôm nay vẫn thường ưa chuộng. Mặt khác, cây mai vàng năm cánh có sức sống mãnh liệt, dù được chăm sóc kỹ càng hay mọc hoang ngoài vườn, ngoài bờ bụi, chỉ cần lặt lá già đúng ngày hoa mai vẫn cứ đồng loạt bung nở. Kỹ thuật chơi hoa mai dễ hơn chơi hoa đào, nên chẳng kể sang hèn, cứ đến Tết, sân vườn nhà ai cũng vàng rực sắc mai. Người có điều kiện thì chơi mai thế, mai cổ thụ, bứng cây vào trong chậu. Người đơn giản hơn cứ để nguyên cây “mai chà” ngoài vườn, ngoài hàng rào rồi tuốt lá, để mặc cho bông nở theo tự nhiên.
Nhiều năm trở lại đây, người dân biên giới miền Tây đã biết ghép gốc mai năm cánh với giống mai miền Trung từ mười hai đến mười tám cánh. Nhưng dù là giống mai gì thì khi nở, những cánh hoa mai cũng đều phủ kín thân cây, tạo thành một khối hoa vàng rực rỡ.
2. Xuân về, cũng là dịp để những người dân trên địa bàn và những người lính Biên phòng chúng tôi quây quần bên nhau, sẻ chia tấm lòng, nghĩa tình biên giới. Chẳng biết có phải truyền thống đó có từ ngày bộ đội chủ lực tiếp quản miền Nam, thành lập các đồn, trạm Biên phòng hay không, nhưng đến thế hệ chúng tôi, mỗi độ Tết đến Xuân về, tình nghĩa ấy càng thêm keo sơn, bền chặt.
Công việc của người lính Biên phòng những ngày cuối năm, ngoài việc tăng cường lực lượng bảo vệ địa bàn, biên giới trong thời gian cao điểm, còn là dịp để tri ân và quan tâm đến đời sống bà con vùng biên. Từ mấy tháng trước, kế hoạch thực hiện chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” đã được anh em trong đơn vị náo nức chuẩn bị. Để rồi, ngày hai mươi tháng Chạp hằng năm, mấy trăm hộ dân ở cặp đường biên giới và bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Biên phòng có dịp được đến chung vui cùng cán bộ chiến sĩ đồn Biên phòng Sông Trăng chúng tôi. Họ được xem biểu diễn văn nghệ, được ôn lại những kỷ niệm cùng Bộ đội Biên phòng vượt qua khó khăn, vất vả dựng đồn, lập trạm, bảo vệ cột mốc, đường biên. Những người già, cựu chiến binh kể lại chuyện một thời hi sinh, gian khổ, mất mát đau thương trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Rồi những phần quà của các nhà hảo tâm, những tấm lòng của anh em bộ đội được trao tặng cho bà con, để ngày Tết thêm đủ đầy, ấm cúng. Tiếng hát, tiếng cười rộn ràng từ cổng đồn vang xa tới đường biên giới. Có cả những giọt nước mắt nghẹn ngào, xúc động, khi họ biết rằng anh em trong đồn không quên những hộ gia đình xa xôi hay có hoàn cảnh khó khăn nhất trong ấp. Với họ, phần quà mà anh em đã chắt chiu gom góp phần nào giúp ba ngày Tết trong mái lá đơn sơ bớt đi phần hiu quạnh, tủi thân.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày tết Ông Táo, bà con chung quanh đơn vị lại hò nhau lên đồn gói bánh tét. Ba năm trở lại đây, từ ngày lập các chốt bảo vệ biên giới và phòng chống dịch COVID-19, chị em phụ nữ xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thành lập hẳn một đoàn lên biên giới gói bánh tặng bộ đội. Các bà, các mẹ, các dì và cả các chị, các em chuẩn bị đầy đủ từ nếp, lá, dây buộc đến nhân đậu xanh, nhân chuối, nhân thịt heo, đủ cả. Vừa gói họ vừa cùng nhau hát những bài ca quen thuộc. Rồi tập cho bộ đội làm theo. Cánh lính trẻ lần đầu được trải nghiệm gói bánh tét hào hứng lắm, nhất là được giao lưu cùng với các nữ thanh niên chi đoàn địa phương. Quân dân cùng ca hát, pha trò, tiếng cười ngập tràn khắp đơn vị, xua đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
3. Tết đến, dù khó khăn đến mấy, mỗi gia đình người dân biên giới đều có một nồi thịt kho tàu, một nồi khổ qua nhồi thịt hầm, vài đòn bánh tét cùng mâm ngũ quả cúng tổ tiên, ông bà. Theo quan niệm dân gian, món khổ qua hầm mang ước muốn mọi khổ cực, khó khăn của năm cũ sẽ qua đi, chào đón một năm mới gặp nhiều may mắn. Còn mâm ngũ quả, thay vì đầy đủ “ngũ hành” như phương Bắc, người miền Tây chưng năm loại quả, thể hiện ước nguyện của mình trước thềm năm mới. “Cầu, sung, vừa, đủ, xài”, có nghĩa là: Quả mãng cầu (quả na miền Bắc), quả dừa, quả đu đủ, quả xoài và quả sung.
Hoa cũng vậy. Thứ nhất hoa mai, thứ nhì vạn thọ. Ngoài sắc vàng cam mang nhiều năng lượng tích cực, chữ “vạn thọ” được mọi người ưa thích bởi nó mang ý nghĩa trường tồn, vĩnh cửu. Ngoài hai loài hoa chủ đạo này, mùa Xuân trong những gia đình người miền Tây nói chung, người dân biên giới nói riêng còn chưng hoa mào gà, hoa hướng dương, hoa đồng tiền, hoa cát tường, hoa giấy… để cầu mong những điều may mắn như tên và màu sắc của các loài hoa. Nhiều gia đình còn chưng những chậu hoa lúa với ý nghĩa mong một năm được mùa, trúng giá, no ấm, đủ đầy hoặc những chậu cây bắp (cây ngô) để những điều mình cầu mong sẽ trở thành hiện thực: “Chắc ăn như bắp”.
4. Đêm giao thừa, Chỉ huy Đồn đi chúc Tết toàn thể cán bộ chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên các trạm, chốt và các hộ dân dọc biên giới. Anh em cán bộ chiến sĩ làm việc cùng nhau hằng ngày nhưng trong thời khắc giao thừa, cái bắt tay thật chặt, một lời chúc nhiệt thành giữa trời đêm biên giới sao mà rưng rưng niềm xúc động. Quên đi những mệt nhọc, lo âu, quên đi những muộn phiền, áp lực công việc trong tình hình mới, giữa những người lính Biên phòng chỉ còn nghĩa anh em, tình đồng chí. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ đều công tác xa nhà, nhiều người vợ con ngoài Bắc, nhiều năm liền ăn Tết xa gia đình, nhưng vì nhiệm vụ, mọi người đang sát cánh bên nhau, đoàn kết, yêu thương trong cùng một mái “nhà” Đồn Biên phòng và “quê hương” biên giới.
Ba ngày Tết, anh em trong đồn có dịp cắt cử nhau đi đến từng nhà thăm hỏi và chúc mừng bà con. Suốt dải biên giới miền Tây là đồng bằng nhưng đường sá đi lại khó khăn, đời sống người dân còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Những món ăn truyền thống thờ cúng tổ tiên được dọn xuống, thêm đĩa dưa củ kiệu, một vài con khô cá lóc, cá trê, cá trèn, khô rắn… để dành từ mùa nước nổi được đưa lên cho cánh đàn ông và anh em Biên phòng nhâm nhi vài ly rượu đế. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng cũng đủ hứng để cùng nhau cất lên những câu ca cổ mùi mẫn, đậm tình.
“Mùa xuân này là đã hai Xuân. Hai đứa hai nơi nhưng lòng ta không giới tuyến. Xa cách đôi ta cho ở nơi đây triệu người xa gặp lại.… Giữa buổi hành quân dừng chân anh viết vội. Thương em nhiều qua lá thư xuân..”. Tôi là người lính miền Bắc nhưng đón nhiều cái Tết ở phương Nam và từng thuộc nằm lòng câu ca ấy. Với tôi nó chứa đựng biết bao nhiêu kỷ niệm và tình yêu thương với vùng đất này./.