Phải "nắm được chuôi"!

11:40 SA 13/06/2017

Trong năm 2017, đưa công tác quản lý khai thác cát, trên địa bàn thành phố dần đi vào nền nếp- mục tiêu được đưa ra tại hội nghị về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản cát được UBND thành phố tổ chức mới đây. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này không dễ dàng, khi công tác quản lý hoạt động khai thác cát còn nhiều “lổ hổng”.

Kỳ 1: Doanh nghiệp được “thả nổi” hoạt động

Trên địa bàn thành phố hiện có 19 DN được cấp 23 giấy phép khai thác cát làm vật liệu san lấp thông thường, còn hiệu lực, với trữ lượng cấp phép hơn 82 triệu m3. Hầu hết số giấy phép này được cấp phép trong giai đoạn từ 2007 đến nay, thời hạn từ 5 năm đến 29 năm. Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động khai thác cát chưa tương xứng nguồn giá trị lượng tài nguyên được khai thác, sử dụng.

Số thu chưa tương xứng

Thực hiện dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, UBND thành phố cấp giấy phép cho DN khai thác tại mỏ đất núi Tiên Hội và mỏ cát bãi Soi Mờ (huyện An Lão) để làm vật liệu san lấp. Tổng trữ lượng vật liệu san lấp sử dụng tại dự án này lên tới 23,2 triệu m3; trong đó hơn một nửa lớn thuộc về cát. Theo quy định, mức thu thuế tài nguyên đối với cát san lấp, mỗi m3 cát khai thác được, DN phải đóng khoảng 6000 đồng tiền thuế, gồm 4000 đồng thuế tài nguyên (theo thuế suất 10% đơn giá cát san lấp 40.000 đồng/m3) và 2.000 đồng phí bảo vệ môi trường. Chỉ tính riêng ở dự án này, số thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường mà DN phải nộp tới 133 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa từ cát. Tuy nhiên, trong cả giai đoạn 2010-2015, các DN khai thác cát trên địa bàn thành phố nộp ngân sách vỏn vẹn 12,4 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên, hơn 9,4 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường,... Năm 2016, dù thu từ hoạt động khai thác cát được đánh giá có chuyển biến tích cực so với trước, các DN khai thác cát cũng chỉ đóng góp hơn 16,8 tỷ dồng tiền thuế tài nguyên; hơn 13,4 tỷ đồng phí bảo về môi trường. So sánh với hàng loạt dự án lớn, nhỏ được triển khai xây dựng trên địa bàn Hải Phòng những năm gần đây, sử dụng hàng trăm triệu m3 cát làm vật liệu san lấp, cho thấy khoản thu rất lớn từ hoạt động khai thác cát không được nộp vào ngân sách.

Đánh giá trữ lượng: Doanh nghiệp báo sao biết vậy

Theo điều 77, Luật Khoáng sản 2010, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tiền cấp quyền khai thác được tính theo trữ lượng khoáng sản trong lòng đất. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát hiệu quả thấp. Nguyên do, hầu hết mỏ khoáng sản trên địa bàn thành phố chưa được thăm dò trữ lượng đầy đủ. Việc cấp giấy phép khai thác chủ yếu dựa trên các đề án thăm dò, khai thác của DN. Tình trạng này dẫn đến khó khăn trong quản lý, đối chiếu lượng khoáng sản khai thác với trữ lượng mỏ làm cơ sở cho kê khai thuế, ấn định thuế.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) Trần Văn Phương cho biết: trữ lượng khoáng sản cát lòng sông, ven biển trên địa bàn thành phố phân bố chủ yếu tại khu vực lòng sông Cấm, sông Văn Úc, Lạch Tray và các khu vực cửa sông, ven biển như Nam Đình Vũ, cửa Lạch Huyện, ven biển Đồ Sơn,… Nhưng hiện nay, thành phố chưa thăm dò tổng thể trữ lượng tài nguyên cát, nên chưa có số liệu địa chất, đánh giá trữ lượng đầy đủ. Việc cấp phép khai thác cát phần lớn dựa trên đề án thăm dò trữ lượng khai thác khoáng sản của DN. Theo đó, DN tự tổ chức thăm dò trữ lượng, trình cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng. Trên cơ sở đó, DN làm thủ tục cấp phép khai thác theo trữ lượng mà mình đã thăm dò.

Thiếu căn cứ giám sát sản lượng khai thác

Theo Luật Thuế tài nguyên, các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát có nghĩa vụ tự tính, tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu do đơn vị lập và báo cáo. Lợi dụng quy định này, nhiều đơn vị, tổ chức “khai man” để giảm khối lượng cát thực tế khai thác. Trong khi đó, ngành chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu giám sát. Lấy ví dụ, ngày 25-4-2011, dự án khai thác cát làm vật liệu san lấp do HTX Thương binh đoàn 2180 làm chủ đầu tư tại mỏ cát Soi Mờ (xã Bát Trang, huyện An Lão) được cấp giấy phép khai thác với trữ lượng cấp phép là hơn 614 triệu m3 với thời hạn 5 năm. Đến năm 2015, sau 4 năm được cấp phép, khi khai thác hầu hết diện tích được giao, DN mới nộp được hơn 708 triệu đồng tiền thuế tài nguyên, 681 triệu đồng phí môi trường. Có tình trạng này là do, ngành chức năng chưa nắm rõ khối lượng khai thác thực tế của đơn vị trên. Theo phản ánh của Chi cục Thuế huyện An Lão đơn vị giao nhiệm vụ quản lý thu của HTX Thương binh đoàn 2180, việc thu thuế tài nguyên của các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản vẫn theo cách DN tự kê khai sản lượng khai thác. DN khai bao nhiêu, đơn vị tính thuế bấy nhiêu, Chi cục Thuế không có căn cứ để giám sát sản lượng khai thác thực tế của DN. Do đó, có tình trạng đơn vị khai thác khoáng sản không trung thực trong việc báo cáo sản lượng khai thác.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Vũ Hữu Thành nhận xét: hiện có tình trạng đơn vị khai thác khoáng sản bán ra thị trường không phù hợp mục tiêu đầu tư có trong nội dung giấy phép khai thác được cấp, thực hiện khai thác vượt công suất, chưa thực hiện nghiêm việc khai thác theo hồ sơ thiết kế được thẩm định, phê duyệt.

Với cơ chế quản lý “dựa trên báo cáo của DN” từ việc đánh giá trữ lượng khoáng sản trước khi cấp phép đến sản lượng khai thác, câu chuyện thất thu thuế tài nguyên còn kéo dài, nếu không có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết: Mặc dù từ trung ương, đến địa phương có hội đồng định giá khoáng sản và thẩm định sản lượng DN khai thác, nhưng hội đồng này chủ yếu dựa trên báo cáo mà DN nộp. Hình thức quản lý như hiện nay không khác gì trao “phần chuôi” cho DN cầm, còn “phần lưỡi” dành cho nhà nước.

Kỳ 2: Hiệu lực, hiệu quả quản lý thấp

Những năm gần đây, UBND thành phố ban hành nhiều chỉ thị nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự hoạt động khai thác cát trên địa bàn. Nhiều giải pháp, biện pháp tăng cường quản lý được đưa ra. Nhưng thực tế việc triển khai vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Chính quyền địa phương chưa kiên quyết

Tại hội nghị về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản cát, do UBND thành phố tổ chức mới đây, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn cho biết: Qua kiểm tra cho thấy nhiều DN vi phạm quy định pháp luật về khai thác cát. Lỗi sai phổ biến là chưa có phao tiêu xác định ranh giới khai thác; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa có báo cáo tình hình khai thác định kỳ, khai thác vượt công suất, vượt giới hạn cho phép,…

Những hành vi vi phạm đó được các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều năm nay, nhưng chưa được xử lý kiên quyết. Từ năm 2011, khu mỏ phía tây Lạch Huyện (xã Phù Long, Cát Hải) được cấp phép cho Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Hải Nam, thời hạn 7 năm. Theo quy định, sau khi được cấp phép, DN phải thực hiện các thủ tục như thuê đất, ký quỹ phục hồi môi trường, giao nộp thiết kế mỏ, bổ nhiệm và thông báo giám đốc điều hành mỏ, đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ và ngày bắt đầu hoạt động khai thác. Song DN tiến hành khai thác mà “phớt lờ” thực hiện những thủ tục trên; đồng thời không thực hiện kê khai thuế, phí khai thác tài nguyên, không thả phao tiêu xác định mốc giới. Số DN vi phạm kiểu khai thác trước hoàn thiện thủ tục sau như Công ty Hải Nam không ít. Vừa qua, Sở Tài nguyên-Môi trường kiểm tra, xác lập danh sách 13/19 DN được cấp phép khai thác cát có hành vi vi phạm, chậm thực hiện các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, ngành chức năng chưa kiên quyết xử lý các sai phạm, dẫn đến kéo dài.

Theo quy định của Luật Khoáng sản, chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về khoáng sản tại địa phương, gồm thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản; ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép. Nhưng hiện có thực tế, chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, để DN khai thác khi chưa đủ thủ tục. Như trường hợp Công ty Hải Nam, năm 2012, sau khi phát hiện sai phạm của đơn vị này, UBND huyện Cát Hải nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế khai thác tài nguyên và phí bảo vệ môi trường; ra văn bản tạm dừng hoạt động khai thác. Tuy nhiên, sau khi DN có văn bản cam kết thực hiện các thủ tục theo quy định, huyện lại tiếp tục cho DN này khai thác. Sự thiếu kiên quyết tạo cơ sở cho DN dây dưa thực hiện quy định khai thác khoáng sản. Đến năm 2014, DN này mới làm thêm thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện còn nhiều thủ tục khác vẫn chưa thực hiện xong.

Ngành chức năng chậm phát hiện, xử lý vi phạm

Theo Luật Khoáng sản,nếu sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép được cấp có hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa xây dựng cơ bản mỏ, giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi. Nhưng nhiều DN được cấp phép khai thác mỏ khoáng sản 4-5 năm chưa đi vào hoạt động, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, song chưa bị xử lý, thu hồi.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 19 DN được cấp 23 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực. Nhưng hiện mới có 9 DN xây dựng cơ bản mỏ đi vào khai thác, số còn lại chưa thông báo ngày khai thác. Công ty CP Thương mại và xuất nhập khẩu vật tư giao thông được UBND thành phố cấp giấy phép khai thác cát tại khu vực Nam Đình Vũ (quận Hải An) từ tháng 1-2011. Đến nay, sau hơn 6 năm, DN chưa thực hiện các nghĩa vụ tài chính, cũng không triển khai các thủ tục liên quan đưa mỏ vào hoạt động. Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh cho biết: trên địa bàn quận có 5 DN được cấp phép khai thác cát từ 3- 4 năm nay, nhưng hiện cả 5 DN này đều chưa đi vào hoạt động.

Không chỉ chậm đi vào hoạt động, nhiều DN chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Theo quy định, ngay sau khi được cấp phép, DN phải thực hiện ngay các nghĩa vụ tài chính có liên quan, trước hết là nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố, hiện mới có 9 DN được cấp phép khai thác cát nộp thuế. Số DN còn lại lấy lý do chưa hoạt động, nên chưa nộp ngân sách.

Việc để DN “ôm mỏ”, chậm đi vào hoạt động, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không bị xử lý kịp thời, có trách nhiệm của Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT). Sở TNMT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ của DN, thẩm định, trình UBND thành phố xét cấp giấy phép khai thác cát cho DN. Sở có trách nhiệm căn cứ giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép khai thác cát, hướng dẫn DN thực hiện các trình tự, thủ tục thuê đất để khai thác cát theo quy định. Thực tế cho thấy, Sở TNMT chưa thực hiện việc rà soát, kiểm tra DN sau khi được cấp phép; trên cơ sở đó, hướng dẫn, yêu cầu DN khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ tài chính. Đối với những DN vi phạm, trường hợp không khắc phục sẽ đề xuất UBND thành phố thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, thời gian qua mới có 1 DN là Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu vật tư giao thông bị thu hồi giấy phép.

Thiếu sự phối hợp giữa lực lượng chức năng, địa phương

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hiệu quả quản lý khai thác cát thấp là sự phối hợp quản lý giữa các ngành, chính quyền các cấp chưa đồng bộ, thiếu kịp thời. Theo Quyết định 2939/QĐ-UBND của UBND thành phố, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) chủ trì phối hợp lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thực hiện quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, xử lý theo thẩm quyền các chủ phương tiện khai thác không phép, trái phép. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa BĐBP với chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa đạt hiệu quả cao. Phó chỉ huy trưởng BĐBP Hải Phòng Nguyễn Minh Quang cho biết: Công tác kiểm tra, giám sát quá trình khai thác cát của DN được cấp phép còn lỏng lẻo. Một số DN được cấp giấy phép khai thác, mặc dù chưa đủ điều kiện theo quy định đã tiến hành khai thác cát trên địa bàn thành phố; khai thác vượt công suất, trữ lượng, phạm vi ranh giới được cấp phép. Để làm tốt việc kiểm soát hoạt động khai thác cát trên biển, BĐBP cần có thông tin về DN khai thác cát như ranh giới cấp phép khai thác, công suất, sản lượng được cấp phép,..làm căn cứ đối chiếu, so sánh thực tế khai thác của DN, góp phần xử lý, ngăn chặn kịp thời sai phạm. Tuy nhiên, BĐBP chưa được cung cấp thông tin này.

Trong khi đó, chính quyền địa phương không có phương tiện phục vụ việc kiểm tra, giám sát. Muốn kiểm tra phải có sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông thủy, thanh tra giao thông thủy, cảng vụ,…Điều này ảnh hưởng không nhỏ việc phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát.

Với tình trạng thiếu chặt chẽ, tích cực trong phối hợp quản lý, việc lập lại trật tự trong hoạt động khai thác cát trên địa bàn thành phố không dễ dàng. Đây là hạn chế thành phố, các cấp, ngành cần có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát, bảo đảm minh bạch

Trước những bất cập, hạn chế trong quản lý hoạt động khai thác cát, thành phố có những giải pháp quyết liệt để “nắm được chuôi” trong quản lý khai thác cát, hạn chế thất thu ngân sách.

Tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm ở mức cao nhất

Phát biểu tại hội nghị về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn nhấn mạnh: Nghị định 33 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5-2017, quy định thẩm quyền xử phạt rất rộng, từ các thanh tra chuyên ngành của ngành TN-MT, đến cấp xã, huyện, chiến sĩ thuộc lực lượng công an, BĐBP…đều có thể thực hiện xử phạt. Đây là cơ sở để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Thực hiện chủ trương của thành phố, vừa qua, Sở Tài nguyên-Môi trường tập trung rà soát, thu hồi các mỏ khoáng sản chậm đưa vào khai thác. Giám đốc Sở TNMT Phạm Quốc Ka cho biết: Ngay sau kỳ họp thứ hai HĐND thành phố khóa 15, Sở kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động khoáng sản của 14 DN. Qua kiểm tra thực tế, vừa qua, sở báo cáo UBND thành phố xử lý 9 DN vi phạm; đề nghị thu hồi 5 giấy phép khai thác khoáng sản của 5 DN. Động thái này thể hiện sự kiên quyết của thành phố trong chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Lực lượng chức năng bắt quả tang tàu hút cát trái phép trên sông Cấm, đoạn thuộc địa bàn xã Đại Bản (huyện An Dương) ngày 24-5.

Ảnh: Minh Tuấn

Tiếp đó, trong tháng 6-2017, Sở TNMT chủ trì phối hợp các ngành liên quan; đặc biệt là Công an thành phố, tổ chức kiểm tra DN có dấu hiệu vi phạm. Đối với những DN cố tình vi phạm, không có biện pháp khắc phục kịp thời, sẽ bị đề nghị, đề xuất UBND thành phố thu hồi giấy phép.

Kiểm soát sản lượng khai thác thực tế

Để khắc phục tình trạng DN khai sản lượng khai thác được bao nhiêu, cơ quan thu thuế biết bấy nhiêu, Sở TNMT yêu cầu các DN lắp camera giám sát, máy định vị vệ tinh trên xà lan hút và vận chuyển cát để kiểm soát phương tiện.

Trưởng Phòng Khoáng sản (Sở TNMT) Trần Hùng Tiến cho biết: Từ đầu năm 2017, Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành. Một nội dung mới của nghị định là quy định trách nhiệm của DN về việc đo đạc phần thể tích khoáng sản khai thác để ngăn chặn tình trạng khai sai sản lượng thực tế. Quy định mới này được kỳ vọng khắc phục tình trạng DN khai thác nhiều nhưng kê khai nộp thuế ít trong thời gian qua. Theo Điều 41, 42 Nghị định 158, DN phải có biên bản nghiệm thu khối lượng từng khâu công nghệ khai thác gồm chuẩn bị đất đá, xúc bốc, vận tải, theo dõi thống kê khối lượng khoáng sản nguyên khai, phiếu xuất kho vật liệu nổ công nghiệp. DN phải lập sổ sách, chứng từ tài liệu về tài chính làm căn cứ xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế gồm: hoá đơn mua vào, phiếu xuất kho nguyên, nhiên liệu cung cấp cho các khâu công nghệ khai thác; hoá đơn bán hàng, phiếu xuất khoáng sản nguyên khai vận chuyển ra ngoài khu vực khai thác; hợp đồng mua bán khoáng sản nguyên khai hoặc khoáng sản đã qua xử lý, biên bản nghiệm thu khối lượng, bản thanh lý hợp đồng mua bán khoáng sản. Đặc biệt, DN phải có trách nhiệm đo đạc phần thể tích khoáng sản đã khai thác, để đối chiếu việc kê khai sản lượng khoáng sản đã khai thác. Việc triển khai tích cực Nghị định 158 là giải pháp quan trọng ngăn chặn tình trạng gian lận sản lượng khai thác cát thực tế.

Phát huy vai trò giám sát của người dân

Để có đủ nguồn lực giám sát, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát nói riêng, bên cạnh sự đầu tư lực lượng, trang thiết bị của các cấp, ngành, không thể thiếu sự hỗ trợ của người dân tại địa phương có khoáng sản. Muốn thực sự phát huy vai trò người dân, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền địa phương với nhân dân; công khai, minh bạch thông tin DN khai thác khoáng sản. Chính quyền có trách nhiệm thông báo công khai kết quả kiểm tra xử lý DN vi phạm; công bố thông tin liên quan từ giấy phép khai thác, sản lượng khai thác, đóng góp ngân sách, tác động đến môi trường và xã hội tới người dân.

Song song đó, các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường phối hợp hoạt động kiểm tra, giám sát. Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hải Phòng Nguyễn Minh Quang cho rằng: để bảo đảm công tác phối hợp quản lý khai thác khoáng sản giữa các cơ quan chức năng với các ngành, chính quyền địa phương chặt chẽ, đồng bộ, cơ quan cấp phép phải có trách nhiệm chia sẻ thông tin cho các cơ quan khác trong đó có Công an, Bộ đội Biên phòng. Thành phố hỗ trợ kinh phí công tác tuần tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động liên quan khai thác cát, vận chuyển cát,… của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố,…

Với các giải pháp trên cùng việc thực hiện nghiêm các quy định là cơ sở để thời gian tới, cơ quan quản lý “nắm đằng chuôi” trong hoạt động khai thác cát trên địa bàn. Từ đó, đưa công tác quản lý vào nền nếp, tăng số thu từ hoạt động khai thác cát, chống thất thoát ngân sách nhà nước.

Nguyên Mai