Qua các vụ cháy nhà ở gây hậu quả nghiêm trọng: Cảnh báo thiếu lối thoát hiểm, kỹ năng thoát nạn
Công an phường Dư Hàng (quận Lê Chân) hướng dẫn người dân kỹ năng sử dụng bình chữa cháy.
(HPĐT)- Phân tích những vụ cháy nhà ở gây hậu quả nghiêm trọng tại Hải Phòng và Hà Nội những ngày vừa qua cho thấy, lối thoát nạn không bảo đảm, người dân còn thiếu kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Thực trạng này đòi hỏi làm tốt công tác kiểm tra, khắc phục thiếu sót và hướng dẫn người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu hộ cứu nạn (CHCN).
“Chuồng cọp” hạn chế cơ hội thoát hiểm
Đến nay, người đi qua phố Văn Cao, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) vẫn xót xa khi nhớ lại vụ cháy tại nhà số 144 vào khoảng 14 giờ ngày 12-5 vừa qua khiến 3 nạn nhân tử vong, 1 người bị thương. Khi xảy ra cháy, do căn nhà thiết kế kiểu nhà ống, chỉ có một cửa ra vào tại tầng 1, ban công tầng 2 và 3 lại bị bịt bởi biển quảng cáo khổ lớn, khiến việc thoát hiểm khó khăn hơn. Còn vụ cháy xảy ra tại Hà Nội sáng 13-5 làm 4 người tử vong cũng có tình trạng tương tự. Căn nhà có diện tích khoảng 40 m2, cao 3 tầng, 1 tum. Khi lửa cháy lớn từ tầng 1, người dân chung quanh không thể tiếp cận cứu nạn nhân. Nguyên do vụ cháy bước đầu xác định do chập điện. Tuy nhiên việc ban công các tầng bị bọc bởi hàng rào sắt để trống trộm vô tình gây cản trở lối thoát hiểm, khiến thương vong tăng cao hơn.
Theo khảo sát của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an thành phố) hiện nay trên địa bàn thành phố, nhiều ngôi nhà kiến trúc nhà ống tại các khu dân cư và căn hộ chung cư, nhà tập thể có ban công, tum, sân thượng được quây kín bằng song sắt để chống trộm. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến vụ cháy lan nhanh, gây thiệt hại về người và tài sản là do người dân thiếu kỹ năng xử lý sự cố cháy nổ ban đầu và thoát hiểm, cứu giúp người bị nạn.
Theo thống kê của Bộ Công an, qua 4 tháng năm 2023, cả nước xảy ra hơn 520 vụ cháy, làm chết 23 người và bị thương 23 người, thiệt hại về tài sản khoảng 50 tỷ đồng, trong đó có khoảng 200 vụ cháy nhà dân. Điều này một lần nữa cho thấy chính quyền và người dân không được phép chủ quan với công tác PCCC, nhất là với dạng nhà ống, nhà tập thể lắp đặt lồng sắt rào ban công tum.
Cần sự phối hợp 3 bên
Phó chủ tịch UBND phường Đằng Giang Trần Phương bày tỏ: Hiện nay, nhiều gia đình xây dựng dạng nhà ống thường làm “chuồng cọp”, lắp đặt rào sắt tại ban công các tầng để chống trộm. Do đó, khi xảy ra sự cố cháy nổ, người trong nhà và lực lượng chức năng sẽ gặp khó khăn hơn trong chữa cháy, thoát hiểm và cứu nạn. Thời gian tới, UBND phường tiếp tục tăng cường kiểm tra, tuyên truyền tới các hộ dân, hộ kinh doanh về việc bảo đảm công tác an toàn PCCC, hạn chế tối đa các sự việc đau lòng như trên.
Phó đội trưởng Đội công tác phòng cháy (Phòng cảnh sát PCCC và CNCH) Phạm Thị Hà Giang thông tin: Hằng năm có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do người dân sơ suất trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, sử dụng điện không an toàn… Để bảo đảm PCCC trong các hộ gia đình, người dân cần chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn cháy nổ trong gia đình; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi sử dụng; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa ít nhất 0,5m… Thực tế cho thấy, trong các vụ cháy, người bị nạn còn thiếu kỹ năng thoát nạn, tử vong do ngạt khói khí độc từ đám cháy gây ra không phải thiệt mạng do bỏng lửa. Do đó, khi phát hiện xảy cháy trong hộ gia đình, nhất là các hộ xây kiểu nhà ống có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy thật bình tĩnh, mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn. Các hộ dân không nên lắp lồng sắt, lưới sắt ở ban công nhà nhiều tầng. Trường hợp lắp thì phải có cửa thoát hiểm, khóa, chìa để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi xảy ra cháy, có như vậy mới hạn chế tối đa thiệt hại.
Từ góc độ người dân, anh Nguyễn Thanh Tùng, đường Lạch Tray, phường Lạch Tray (quận Ngô Quyền) chia sẻ, nhà anh cũng là kết cấu nhà ống. Ban công tầng 2 và 3, sân thượng trên tầng 4 đều làm “chuồng cọp” để chống trộm. Rút kinh nghiệm từ các vụ cháy vừa qua, đầu tháng 5 vừa qua, anh sửa “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm bằng cửa sắt để sử dụng khi khẩn cấp. Anh cũng cùng người thân tìm hiểu thêm các kỹ năng thoát hiểm bởi đây là yếu tố quyết định nếu gặp sự cố cháy, nổ tại gia đình.
Thời điểm này đang là cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, thiết bị làm mát như máy điều hòa không khí tăng mạnh, kéo theo công suất điện tăng cao. Do vậy, các gia đình cần kiểm tra, bảo dưỡng kịp thời các thiết bị điện, ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cháy nổ trong nhà. Công tác tuyên truyền PCCC, kỹ năng thoát hiểm cần được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tới người dân. Mỗi hộ dân, mỗi người chủ động, nâng cao nhận thức về yêu cầu PCCC, trang bị kỹ năng thoát nạn khi gặp sự cố, nhất là những gia đình có nhà ống cần khắc phục ngay việc có duy nhất 1 lối thoát hiểm là cửa ra vào tại tầng 1 hiện nay./.