Quyền Anh nữ lựa chọn nhân sự cho các “sân chơi”
Võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (trái) giành chiến thắng thuyết phục trước võ sĩ người Australia tại giải Victory 8 diễn ra tại Việt Nam. Ảnh: VOV
(HPĐT)- SEA Games 31 năm 2022 được tổ chức trên sân nhà, quyền Anh nữ (boxing) Việt Nam giành 3 HCV, nhưng tại SEA Games 32 ở Campuchia vào tháng 5 tới, thành tích này khó lặp lại. Những thay đổi trong điều lệ giải buộc ban huấn luyện phải cân nhắc kỹ nhân sự.
Điều lệ thiếu ổn định
Tính ổn định luôn là điều “xa xỉ” tại các kỳ SEA Games. Điều đó dẫn đến các đội tuyển luôn phải đợi quy định chính thức để lựa chọn VĐV. Với quyền Anh nữ, sau khi áp dụng điều lệ nhân sự theo hướng “mở” tại SEA Games 31, đến kỳ SEA Games 32, cơ hội thi đấu của các tuyển thủ lại bị “đóng” và rất hạn chế. Nếu SEA Games 31 có 6 hạng cân dành cho nữ, các đoàn được cử tối đa 6 VĐV tham dự thì đến SEA Games 32 chỉ còn 5 hạng cân, mỗi đội tuyển chỉ được cử tối đa 3 võ sĩ tham dự. Điều này khiến HLV ở đội tuyển Quyền Anh nữ Việt Nam không chỉ khó chọn VĐV tham dự hạng cân, mà còn khó lặp lại thành tích giành 3 HCV như ở SEA Games 31.
Theo nhìn nhận của HLV trưởng Nguyễn Như Cường, việc có được VĐV tham dự lọt vào chung kết ở 3 hạng cân ở SEA Games 32 hầu như khó xảy ra. Nếu đội tuyển Quyền Anh nữ giành được 1 HCV ở SEA Games 32, đã là thành công. Cũng theo ông Cường, ban tổ chức hạn chế VĐV tham dự các nội dung thi đấu ở hầu hết môn võ và vật, chứ không chỉ riêng quyền Anh nữ. Đây không là việc mới tại sân chơi SEA Games nên các HLV phải chấp nhận bởi cách tính có lợi của chủ nhà đăng cai và sự thiếu ổn định trong điều lệ tổ chức thi đấu các môn ở SEA Games.
Lựa chọn mục tiêu
Năm 2023 là năm bản lề Olympic Paris 2024 và năm diễn ra Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 19. Cũng như các đội tuyển thể thao Olympic khác, đội tuyển Quyền Anh nữ phải tập trung 3 nhiệm vụ lớn ở SEA Games 32, ASIAD 19 và các vòng loại tranh vé tham dự Olympic 2024. Do vậy, Quyền Anh nữ Việt Nam buộc phải tính toán lực lượng đua tranh ở các sân chơi. Trong đó, ban huấn luyện đội tuyển sẽ phải chọn lựa nữ võ sĩ nào (khoảng 1-2 võ sĩ) cho mục tiêu có thể tranh chấp HCV ở sân chơi SEA Games 32.
Vào thời điểm này, “điểm danh” các võ sĩ nữ Việt Nam có thể đảm nhận nhiệm vụ giành HCV ở SEA Games 32, giành huy chương ở ASIAD 19 và giành vé trực tiếp dự Olympic năm 2024, chỉ có nhà vô địch châu Á năm 2022 hạng 51 kg Nguyễn Thị Tâm khả dĩ nhất. Tuy nhiên, ở SEA Games 32, hạng cân 51 kg Quyền Anh nữ bị loại nên Nguyễn Thị Tâm không có cơ hội tham dự. Nếu đưa Nguyễn Thị Tâm dự SEA Games 32, ban huấn luyện buộc phải “đôn” cô lên thi đấu ở hạng 54 kg. Nâng hạng cân ở thể thao không hề đơn giản, đòi hỏi điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập luyện để có thể thích nghi trước các đối thủ vốn quen thi đấu ở hạng cân này. Ngoài ra, hạng 54 kg nữ cũng đang có nhà vô địch Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 và HCB SEA Games 31 Võ Thị Kim Ánh, việc chọn lựa ai cũng phải cân nhắc kỹ.
Từ nay đến SEA Games 32 chỉ còn hơn 2 tháng, võ sĩ Nguyễn Thị Tâm phải thực hiện nhiệm vụ thi đấu vòng loại tranh vé dự Olympic năm 2024. Cuối tháng 3 này, Giải vô địch Quyền Anh thế giới tổ chức tại Ấn Độ, đội tuyển Quyền Anh Việt Nam dự kiến tham dự giải. Nếu không gặp trục trặc về thủ tục, Tâm lĩnh ấn tiên phong. Tại giải, hạng thi đấu của nữ 50 kg. Nếu dự giải thế giới sau đó dự SEA Games 32, Tâm chỉ có 1 tháng để nâng hạng 54 kg. Đẳng cấp của Nguyễn Thị Tâm được khẳng định, nếu tham dự SEA Games 32 hạng 54 kg, cô vẫn đủ khả năng để tranh chấp HCV. Nhưng tính tương lai lâu dài ở đấu trường lớn ASIAD 19 và vòng loại tranh vé dự Olympic 2024, buộc ban huấn luyện và nhà quản lý phải cân nhắc, tính toán, chọn lựa phù hợp.
Ba sân chơi lớn là con số nhiều đối với võ sĩ. Và Quyền Anh cũng là môn thể thao mang tính chu kỳ nên không dễ để VĐV lên đỉnh vinh quang. Thời gian gần đây, thể thao Việt Nam hướng mục tiêu tới đấu trường lớn Olympic và ASIAD, nhưng SEA Games vẫn khá quan trọng nên trước sân chơi khó bỏ qua này, quyền Anh Việt Nam cần lựa chọn nhân sự bảo đảm phù hợp mục tiêu đề ra./.