Quyết sách đúng, dân ấm no

05:17 CH 22/11/2017

Hơn 140 ha vùng nuôi thuỷ sản tập trung ở xã Tây Hưng từ lâu có tiếng là vùng đất “gian khó” của huyện Tiên Lãng, chủ yếu đồng chiêm trũng ngập úng xen lẫn lau sậy ngút ngàn. Vậy mà chỉ hơn mười năm trở lại đây, người dân nơi đây biến chính những bất lợi đó thành cơ hội thay đổi cuộc sống, thành những trang trại trù phú. Nói về những thành công trong phát triển kinh tế địa phương, người dân nơi đây đồng thuận khẳng định: Đó là nhờ các cấp ủy Đảng ban hành những nghị quyết sát, đúng, trúng, lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, đồng thời các đảng viên gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện, động viên mọi người làm theo Bà con vui vẻ gọi: Đảng quyết sách đúng, dân ấm no.

Nhờ quyết sách đúng của Đảng, nhiều vùng quê “thay da đổi thịt” từng ngày. Trong ảnh: Diện mạo làng quê trù phú ở xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng).

Ảnh: Lê Dũng

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Về vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở xã Tây Hưng (huyện Tiên Lãng) buổi sớm ngày đầu đông, ai cũng chộn rộn trước quang cảnh cũng như không khí lao động sản xuất hăng say chuẩn bị vụ thu hoạch cuối năm. Trên bờ, chuối, bưởi, cam, táo… xếp thành hàng, cây nào cây nấy lúc lỉu quả. Dưới nước, từng đàn cá rô phi, trắm, chép… nổi lên đớp mồi đen ngòm một vùng rộng lớn. Ít ai mường tượng, vùng đất trù phú này trước kia là “cấm địa” với bạt ngàn lau lác với cơ man rắn độc, muỗi…

Bí thư Đảng uỷ xã Tây Hưng Nguyễn Bá Bột kể lại, năm 2002, trước tình hình đời sống bà con khó khăn, trong khi nhiều vùng bãi bồi, ven biển có tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản lại bị bỏ hoang hoặc phát triển tự phát, manh mún, Huyện uỷ Tiên Lãng ra nghị quyết chuyển một số vùng ruộng chiêm trũng, nhiễm phèn, mặn sang nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có cánh đồng Đuôi Lô rộng hơn 140 ha ở xã Tây Hưng. Thực hiện nghị quyết của Huyện uỷ, Đảng uỷ và chính quyền xã chủ trương giao đất cho hơn 200 hộ xây dựng, triển khai mô hình kinh tế mới.

Tuy nhiên, nhiều người, trong đó có cả một số đảng viên, không mặn mà, thậm chí phản đối. Trước tình hình này, để tạo sự đồng thuận trong nội bộ cũng như ghi nhận những ý kiến đóng góp để chủ trương đi vào thực tế, Ban Thường vụ Đảng uỷ xã triệu tập cuộc họp mở rộng. Tại cuộc họp, trước bầu không khí khá căng thẳng, Phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Miện đứng dậy: “Chủ trương mới là đúng đắn, vì dân, có gì khuất tất, tôi xin nhận trách nhiệm. Chậm triển khai ngày nào, chúng ta có lỗi với dân ngày ấy!”. Hành động dũng cảm của ông Miện khiến mọi người có mặt tại cuộc họp phút chốc lặng đi. Sau đó, thay vì phản đối hay nghi ngờ này nọ, tất cả ủng hộ và đưa ra ý kiến đóng góp để chủ trương nhanh chóng được triển khai đem lại đời sống ấm no cho người dân.

Người dân xã Tây Hưng (huyện Tiên Lãng) làm giàu trên vùng đất chiêm trũng khi xưa.

Ảnh: Trung Kiên

Nhận được sự đồng thuận của các đảng viên, Đảng uỷ xã tiếp tục mở cuộc họp quân dân chính và nhiều cuộc họp riêng với những hộ còn “lăn tăn”, phản đối. Tại những cuộc họp này, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của dân, lãnh đạo Đảng uỷ, chính quyền xã Tây Hưng phân tích và chỉ ra những lợi ích do chủ trương mới đem lại. Với những hộ nhất quyết “thà chết chứ không ra bãi lau lác đầy rắn, rết”, lãnh đạo, cán bộ xã đến tận nhà thuyết phục, đưa cho xem những bài báo viết về tấm gương sản xuất giỏi, về những vùng nuôi thuỷ sản trù phú trong và ngoài thành phố. “Mưa dầm thấm đất”, nhất là khi thấy hơn 60 trên tổng số 86 đảng viên thuộc Đảng bộ xã Tây Hưng có tên trong danh sách, hơn 140 hộ còn lại đều đồng ý nhận đất xây dựng trang trại, gia trại .

“Đảng viên đi trước...”

Tìm tới trang trại của ông Vũ Thanh Hừng, tấm gương lao động sản xuất giỏi có tiếng ở Tây Hưng, nghe ông Hừng kể lại những thăng trầm của cuộc đời. Ông Hừng nhập ngũ năm 1974, từng tham gia chiến đấu tại các chiến trường Đông Nam Bộ, Cam-pu-chia, Lào, kết nạp Đảng năm 1978. Năm 1983, ông ra quân hưởng chế độ bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Năm 1986, khi xã Chấn Hưng tách ra thành 2 xã Tây Hưng và Đông Hưng, ông tham gia Đảng uỷ xã Tây Hưng khoá đầu.

Tháng 11-2002, khu vực đồng chiêm trũng xen lẫn rừng sậy, lau lác ngút ngàn với đầy đỉa, muỗi, rết, rắn độc… vốn vắng vẻ, bỗng rộn ràng vì cảnh cắm tiêu, phân và chia lô. Một số nơi cải tạo cấy lúa, còn phần lớn làm trang trại, gia trại. Gia đình ông Hừng được phân 10.000 m2 “đầu thừa, đuôi thẹo” theo chủ trương đảng viên nhận chỗ xấu, nhường bà con đất đẹp của Đảng ủy xã. Dựng tạm chiếc lều giữa mênh mông đất trời. Điện không. Đèn dầu chỉ dám thắp từ 18 đến 22 giờ. Ông Hừng quần quật tự làm và thuê thêm người đào ao, be bờ, lập vườn. Sáng, gà chưa kịp gáy, ông xách mai, vác cuốc ra vườn. Tối, nhiều khi chẳng nhìn rõ bàn tay trước mặt, ông mới chịu về nghỉ. Có hôm trời lạnh dưới 7 độ C, vì tham công tiếc việc, ông uống vội bát nước mắm và dùng cao sao vàng xoa chân tay cho ấm rồi quay cuồng với bùn đất. Qua hơn 15 năm phấn đấu và chiến đấu, giờ đây ông Hừng có cơ ngơi kha khá với hơn 120 gốc bưởi đào mỗi năm cho thu hàng tấn quả với giá bán gấp 3 lần bưởi thường (hơn 30 nghìn đồng/kg), gần 3 tấn cá, hàng nghìn con gà, ngan, trên dưới 5 tấn thịt lợn hơi… Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 200 triệu đồng.

Là người ra khu vực nuôi trồng thuỷ sản lập nghiệp sớm nhất (từ 29 năm trước), nhận thấy nuôi vài trăm vịt đẻ chỉ đủ ăn, từ khi có chủ trương của thành phố, huyện và xã, ông Hoàng Văn Mè quyết định đầu tư xây dựng, mở rộng trang trại tổng hợp. Hiện, trên diện tích hơn 1 ha nuôi vịt đẻ, gà, lợn, cá… mỗi năm đem lại cho gia đình ông Mè khoản thu nhập 300-400 triệu đồng. Có tiền trong tay, ông cựu trưởng thôn Hợp Hưng mang tiếng “gàn” ngày nào ứng hơn 300 triệu đồng làm đường bê-tông rộng thênh thang từ làng ra khu trang trại.

Được khích lệ bởi những tấm gương “đảng viên đi trước, làng nước làm theo”, như ông Hừng, anh Nguyễn Bá Hùng, sinh năm 1974, cùng vợ con “khăn gói quả mướp” ra lập nghiệp ở vùng trang trại tập trung. Xác định gắn bó với cuộc sống và công việc mới, anh liên tục cải tạo, mở rộng khu trang trại của gia đình mình. Nhờ vậy, từ 2.000 m2 được phân ban đầu, đến nay trang trại của anh mở rộng gấp 10 lần với hơn 5.000 gà lai cùng gần 20 tấn cá trôi, trắm, chép, rô phi... sắp đến kỳ thu hoạch. Hiện trang trại có 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng và đem lại khoản thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm cho gia đình.

Vì lợi ích người dân

Ngày đầu triển khai, tại vùng dự án hơn 140 ha, các hộ nuôi tôm công nghiệp trong môi trường nước lợ, “bê nguyên” mô hình ở xã Nam Cường, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) vào áp dụng trong điều kiện địa phương. Do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều hộ nuôi thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ thuật, tôm thả lứa nào, chết lứa ấy. “Mất mùa liên tiếp, năm 2005, thêm 3 cơn bão đổ bộ, tôm chết đằng tôm, cá bỏ đi đằng cá, khoảng 1/4 số hộ “treo” đầm hoặc bỏ vào làng, bán lại đất với giá rẻ như cho. Trong đó, hộ nhà ông Chín (ở thôn Xuân Hưng), bán 6 sào đầm với giá 400 nghìn đồng, số tiền vừa đủ tổ chức bữa liên hoan “đoạn tuyệt” với nghiệp ao đầm”, ông Vũ Thanh Hừng kể lại.

Trước tình hình khó khăn, Đảng bộ và chính quyền xã Tây Hưng chủ động đề xuất với huyện, thành phố cho phép chuyển dịch cơ cấu một lần nữa. Ngày 10-5-2005, thành phố có quyết định chuyển đổi hơn 140 ha từ nuôi tôm công nghiệp sang phát triển trang trại tổng hợp. Rút kinh nghiệm lần trước, với quan điểm vì lợi ích người dân, lần này Đảng uỷ, chính quyền xã Tây Hưng chú trọng công tác tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, định hướng cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, xã tích cực làm việc với huyện, thành phố, các cơ quan chức năng, một số ngân hàng… nhằm hỗ trợ bà con tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Thành công đến như lẽ tất yếu khi chính sách, chủ trương cũng như cách triển khai đúng đắn, thêm sự đồng thuận, chung lòng từ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ xã đến người dân.

Thành công của khu trang trại tập trung tạo đà cho hơn 300 ha trang trại, gia trại tổng hợp khác “cất cánh”, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đến Tây Hưng ngày nay, ai cũng say mê trước cảnh đường làng, ngõ xóm rộng rãi, những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày nhiều hơn. Vui mừng trước cảnh “thay da đổi thịt” của vùng quê nghèo, càng thấm thía lời Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Bá Bột nói lúc chia tay: “Phải xuất phát từ con người, kiến thức, kinh nghiệm, chăm chỉ và táo bạo. Tuy nhiên, dù giỏi giang, nhiều kinh nghiệm, chăm chỉ và táo bạo đến mấy, cũng “vứt” nếu thiếu cơ chế, chính sách kịp thời, đúng đắn. Cơ chế, chính sách phải mở đường và tháo gỡ những ràng buộc bất hợp lý. Việc triển khai chính sách cũng quan trọng không kém, đòi hỏi những người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phải làm sao cho bà con thấy được lợi ích của chính sách mới, qua đó tạo sự đồng thuận, cùng chung sức, chung lòng thì mới thành công”.

Nhóm phóng viên xã hội