Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP gắn truy xuất nguồn gốc: Phối hợp hỗ trợ nông dân thực hiện

02:26 CH 26/04/2023

 

 

Mô hình trồng cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mỹ Đức (huyện An Lão). 

 

(HPĐT)- Việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc là chìa khóa để "mở cửa" cho nông sản vào siêu thị, trung tâm thương mại và hướng đến xuất khẩu, nâng cao lợi nhuận của người sản xuất. Nhưng thực tế, để áp dụng quy trình sản xuất này, nông dân còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

 

Diện tích sản xuất còn hạn chế

Tại HTX na An Sơn (huyện Thủy Nguyên), người trồng na phấn khởi bước vào vụ sản xuất mới. Giám đốc HTX Nguyễn Văn Khuê cho biết, sản phẩm na bở An Sơn giờ chính thức có chỗ đứng trên thị trường khi được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap gắn với truy xuất nguồn gốc. Mỗi quả na sau khi thu hoạch đều được dán tem truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm chủ yếu xuất bán cho các siêu thị và cửa hàng nông sản an toàn, giá bán từ 70-90 nghìn đồng/kg. Một sào trồng na, nông dân có lãi hơn 20 triệu đồng.

 

Trong giai đoạn 2020-2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng phối hợp xây dựng hơn 47 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn tại hơn 30 cơ sở sản xuất, có chứng nhận VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc cho 77 sản phẩm nông nghiệp tại Hải Phòng. Trong đó, có 18 mô hình trồng trọt với quy mô 128,2 ha; 10 mô hình nuôi trồng thủy sản với quy mô hơn 12 ha, 19 mô hình chăn nuôi với quy mô 58.000 con gia súc, gia cầm... Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, với việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc, giá bán đối với nhóm rau ăn lá tăng 3.000 đồng/kg so với sản phẩm thông thường, gạo chất lượng tăng 10.000 đồng/kg, thịt gà tăng 3.000 đồng/kg, thủy sản tăng 5.000 đồng/kg...

 

Theo Trưởng Phòng Trồng trọt Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng Bùi Cảnh Đức, sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc đem lại nhiều thuận lợi cho cả người sản xuất và tiêu dùng nhưng diện tích ứng dụng phương thức này tại Hải Phòng còn rất hạn chế (chỉ chiếm 3-5% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp). Nguyên nhân do nhiều nông dân còn hạn chế về kinh phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Khả năng liên kết, hợp tác sản xuất với doanh nghiệp, HTX cũng gặp khó khăn vì quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún nên khó hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiệu quả. Nhiều nông dân thấy rõ tầm quan trọng của sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc, nhưng không có điều kiện đầu tư, chủ yếu trông chờ chính sách hỗ trợ của thành phố, huyện... nhưng thủ tục tiếp cận còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, khả năng hiểu biết và áp dụng tiến bộ kỹ thuật của nông dân còn yếu, thiếu đầu mối thông tin về chương trình để bà con tiếp cận...

 

Hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Mục tiêu của nông nghiệp Hải Phòng là nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất nông sản sạch, các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Để thực hiện mục tiêu này, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho biết, Sở tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng sản xuất an toàn trên quy mô lớn; liên kết tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo thương hiệu sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Cùng với đó, Sở tham mưu thành phố, phối hợp với các sở, ngành chức năng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để nông dân tiếp cận cơ chế, chính sách theo các Nghị quyết 15 và 19 của HĐND thành phố về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp thủy sản, rau củ quả...; tiếp tục khuyến khích khích các doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chế biến, thương mại xuất khẩu nông sản...

 

Với sự phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP gắn với truy xuất nguồn gốc tiến tới sẽ là yêu cầu bắt buộc để nông sản có thể nâng cao giá trị, xây dựng được thương hiệu hàng hóa, mở rộng cơ hội lưu thông trên thị trường. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm tốt công tác dự báo về thị trường tiêu thụ nông sản để có định hướng, kế hoạch phát triển phù hợp. Muốn vậy, cần quan tâm chuyển giao khoa học, công nghệ; cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với người sản xuất nông nghiệp. Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cần tranh thủ các dự án hỗ trợ người sản xuất ứng dụng tiêu chuẩn này, đồng thời tổ chức đội ngũ khuyến nông cơ sở sát cánh cùng bà con trong việc triển khai.

 

Các địa phương có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cần nêu cao vai trò của chính quyền địa phương cấp xã trong việc tổ chức sản xuất, thực thi hợp đồng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Chỉ đạo các tổ khuyến nông cộng đồng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tích cực tuyên truyền để nông dân thay đổi thói quen canh tác cũ, tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có truy xuất nguồn gốc; nhất là hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản phẩm bảo đảm yêu cầu chất lượng, dễ dàng tiêu thụ./.