Chủ động kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Sử dụng quỹ an toàn, hiệu quả
(HPĐT)- Theo dữ liệu phân tích của Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT), 6 tháng năm 2024, số chi khám, chữa bệnh BHYT của Hải Phòng là 1.373 tỷ đồng (gồm cả số chi trả của người bệnh), tăng 236 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Có nhiều yếu tố gây gia tăng chi phí được chỉ ra và cần có biện pháp kiểm soát để bảo đảm quỹ BHYT được sử dụng an toàn, hiệu quả.
Nguy cơ vượt dự toán chi
Tại cuộc giám sát của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội (BHXH) về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Hải Phòng ngày 15-7 vừa qua, đoàn giám sát đưa ra cảnh báo về số chi quỹ BHYT của Hải Phòng tăng cao so với cả nước. Cụ thể, gia tăng về số chi BHYT của cả nước chỉ chiếm 15,44% thì Hải Phòng là 20,84%. Theo phân tích, tất cả chỉ số của 6 tháng năm 2024 đều gia tăng so với cùng kỳ năm 2023. Không những thế, Hải Phòng có tỷ lệ vào điều trị nội trú 16,9%, trong khi cả nước chỉ có 10,07%, bình quân ngày giường điều trị nội trú 6,4 ngày, trong khi cả nước chỉ có 5,82 ngày. Một số cơ sở KCB có chi phí tăng cao trong 6 tháng năm 2024 như: Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp tăng 63,4 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa Quốc tế tăng 35 tỷ đồng; Bệnh viện Quốc tế sản nhi tăng 18 tỷ đồng; Bệnh viện Kiến An tăng 11,6 tỷ đồng. Về nguyên nhân gây gia tăng chi phí KCB BHYT, theo Giám đốc BHXH Hải Phòng Bùi Minh Đức là do 6 tháng qua, trên địa bàn thành phố có gần 1,158 triệu người KCB BHYT, tăng hơn 61.600 lượt so với cùng kỳ (chiếm tỷ lệ 5,62%). Số người KCB tăng kéo theo các chi phí tăng đáng kể. Ngoài ra, việc thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh, điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng tác động không nhỏ đến chi quỹ BHYT; tình trạng chỉ định rộng rãi các dịch vụ kỹ thuật cũng là nguyên nhân khiến số chi tăng.
Không chỉ gia tăng các chỉ số về chi phí KCB, tình trạng kê thêm giường bệnh rất phổ biến. Hiện, trên địa bàn thành phố có 28 cơ sở KCB có kê thêm giường bệnh, cụ thể: Trung tâm y tế quận Đồ Sơn được phê duyệt 60 giường nhưng hiện đang kê 130 giường; Bệnh viện Quốc tế sản nhi được phê duyệt 495 giường nhưng hiện kê 866 giường; Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp được phê duyệt 1.400 giường nhưng hiện kê 2.288 giường… vượt nhiều so với kế hoạch. Trong khi đó, tại Nghị định 96 của Chính phủ quy định một số điều của Luật KCB cho phép các cơ sở KCB được phép thay đổi dưới 10% nhưng tối đa không quá 30 giường bệnh. Nếu thay đổi hơn 10%, hơn 30 giường bệnh thì cơ sở KCB phải thay đổi giấy phép hoạt động. Hiện qua thống kê, một số bệnh viện trên địa bàn thành phố kê thêm nhiều giường bệnh nhưng không thay đổi giấy phép hoạt động. Theo văn bản mới nhất của BHXH Việt Nam, đầu tháng 7-2024, nếu cơ sở KCB không thay đổi giấy phép hoạt động khi kê thêm giường thì sẽ không được chấp nhận thanh toán tiền giường.

6 tháng năm 2024, số chi khám, chữa bệnh BHYT của Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng tăng 35 tỷ đồng.
Cảnh báo chi phí tăng cao bất thường
Năm 2024, BHXH Hải Phòng ký hợp đồng KCB BHYT với 56 cơ sở y tế, trong đó, có 32 cơ sở y tế công lập và 24 cơ sở y tế ngoài công lập. Để kiểm soát, quản lý chi phí KCB BHYT, BHXH Hải Phòng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT được kết nối với tất cả các cơ sở y tế. Trong công tác giám định, BHXH Hải Phòng sử dụng các phương pháp gồm: giám định chi phí KCB BHYT trên dữ liệu, giám định trên hồ sơ tài liệu và giám định hồ sơ thanh toán trực tiếp. Phó Phòng Giám định BHYT Phạm Mạnh Thường cho biết, cơ quan BHXH thành lập 2 tổ kiểm soát chi phí KCB BHYT, có nhiệm vụ thường xuyên phân tích dữ liệu chi phí KCB BHYT toàn thành phố, của từng cơ sở KCB, xác định các chỉ số bất thường về chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, số ngày điều trị nội trú, các trường hợp KCB nhiều lần… từ đó đưa ra cảnh báo đối với các cơ sở KCB BHYT, đồng thời phối hợp Sở Y tế kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu cơ sở KCB rà soát, điều chỉnh các chi phí KCB không đúng quy định. Bên cạnh đó, BHXH Hải Phòng chủ động giám định theo các chuyên đề, qua đó, giảm trừ thanh toán đối với những chi phí KCB BHYT không đúng quy định như: áp sai giá dịch vụ kỹ thuật, giá thuốc, giá vật tư y tế; thống kê không đúng chi phí đã sử dụng cho người bệnh; chỉ định vào điều trị nội trú chưa thực sự cần thiết… 6 tháng năm 2024, BHXH Hải Phòng thu hồi về quỹ BHYT số tiền hơn 720 triệu đồng mà cơ sở KCB đề nghị thanh toán sai quy định.
Thời gian tới, BHXH Hải Phòng phối hợp Sở Y tế thường xuyên rà soát, cảnh báo trong trường hợp có chi phí KCB gia tăng bất thường khi so sánh với các bệnh viện cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa trong khu vực hoặc trên phạm vi toàn quốc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đồng thời, cơ quan BHXH kiên quyết từ chối thanh, quyết toán những chi phí không hợp lý, bảo vệ quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT; đôn đốc cơ sở KCB trích, chuyển dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định kịp thời – Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh nhấn mạnh.