Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống lao (24-3): Cam kết đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao
(HPĐT)- Với chủ đề phòng, chống lao năm 2025 “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”, Ban Chỉ đạo Chương trình phòng, chống lao thành phố nhấn mạnh ý nghĩa của việc phát hiện và điều trị kịp thời, khỏi hoàn toàn các trường hợp mắc bệnh lao, giúp ngăn chặn nguồn lây lan tại cộng đồng.

Hàng chục nghìn trường hợp được khám sàng lọc
Nhằm tăng cường công tác phát hiện, quản lý điều trị người bệnh lao trong cộng đồng, tiến tới mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2035, từ đầu tháng 3 đến nay, Bệnh viện Phổi Hải Phòng phối hợp Trung tâm Y tế huyện Tiên Lãng và các đơn vị liên quan thực hiện khám sàng lọc lao và một số bệnh không lây nhiễm trên địa bàn huyện, tập trung ở các xã: Đại Thắng, Quang Phục, Cấp Tiến, Kiến Thiết… Hàng chục nghìn người dân từ 50 tuổi trở lên, người tiếp xúc hộ gia đình hoặc tiếp xúc cộng đồng với người bệnh lao, người có triệu chứng hô hấp (ho, khó thở, tức ngực, mệt mỏi…), nhóm trường hợp có nguy cơ cao (mắc bệnh mạn tính, cán bộ y tế, người suy dinh dưỡng…) được các bác sĩ có chuyên môn cao khám sàng lọc lao và các bệnh mạn tính không lây. Cụ thể, người dân đến khám được cung cấp phiếu khám bệnh và tầm soát các triệu chứng của bệnh lao thông qua ứng dụng ACIS; chụp Xquang phổi kỹ thuật số cho kết quả ngay, sàng lọc ung thư phổi sớm, đo chức năng thông khí phổi, sàng lọc huyết áp, tiểu đường cho những người có nguy cơ cao, xét nghiệm tình trạng nhiễm lao cho người tiếp xúc với bệnh nhân lao... Ông Dương Văn Viễn, 67 tuổi, ở xã Kiến Thiết (Tiên Lãng) cho biết: “Tôi hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm nay và thường xuyên ho, tức ngực, nhất là khi thời tiết thay đổi. Tham gia chương trình khám sàng lọc, tôi được các bác sĩ khám bệnh, phát hiện mắc bệnh lao và hướng dẫn lên bệnh viện chuyên khoa để điều trị”.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình phòng, chống lao thành phố, với dân số hơn 2 triệu người, dịch tễ bệnh lao của Hải Phòng ở mức trung bình so với cả nước. Hằng năm, toàn thành phố phát hiện khoảng 1.600 người bệnh lao các thể, đạt hơn 90% so với mức kế hoạch, điều trị thành công 85-90% số người bệnh lao được thu nhận. Với vai trò là đơn vị đầu mối của Chương trình chống lao thành phố, Bệnh viện Phổi Hải Phòng luôn phối hợp chặt chẽ các cơ sở y tế trên địa bàn trong việc phát hiện, quản lý, điều trị người bệnh lao. Cụ thể, bệnh viện phối hợp triển khai hiệu quả cao chiến lược phòng, chống lao của thành phố, bảo đảm chất lượng các hoạt động xét nghiệm, phát hiện, quản lý điều trị người bệnh lao, lao kháng thuốc, lao trẻ em, lao tiềm ẩn, người nhiễm HIV mắc lao. Đồng thời, tăng cường khám sàng lọc, chỉ định xét nghiệm GeneXpert cho người nghi lao đến khám để phát hiện người bệnh mắc lao kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc; thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm tỷ lệ người bệnh bỏ trị…
Củng cố mạnh mẽ mạng lưới chống lao
Năm 2025, Ban Chỉ đạo Chương trình chống lao thành phố phấn đấu số người bệnh lao các thể đăng ký điều trị là 1.685 người, tỷ lệ bỏ trị dưới 5% số người đăng ký; điều trị thành công người bệnh lao mới có vi khuẩn học hơn 90% số ca thu nhận, thu dung 80 người bệnh lao kháng thuốc; tỷ lệ điều trị thành công người bệnh lao kháng thuốc đạt hơn 70% tổng số người mắc. Chương trình cũng sử dụng các nguồn kinh phí, phối hợp các tổ chức triển khai hoạt động sàng lọc lao và các bệnh hô hấp cho người dân nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời các thể lao hoạt động và lao tiềm ẩn tiến tới thanh toán bệnh lao trong cộng đồng.
Để thực hiện các mục tiêu trên, theo BSCK2 Trần Quốc Trinh, Phó giám đốc Sở Y tế, Chương trình chống lao thành phố cần triển khai các hoạt động trọng tâm, như: duy trì triển khai bảo đảm chất lượng các hoạt động xét nghiệm, phát hiện, quản lý điều trị người bệnh lao, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn…; tăng cường sàng lọc, phát hiện người bệnh lao, lao kháng thuốc, lao trẻ em, tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm tỷ lệ bỏ trị; bảo đảm việc cập nhật dữ liệu ca bệnh trên hệ thống Vitimes đầy đủ và kịp thời, thống kê báo cáo quý đúng thời gian quy định. Đồng thời, phối hợp các cơ sở y tế cả công lập và tư nhân tăng cường công tác phát hiện, chuyển gửi người nghi lao, áp dụng kỹ thuật chẩn đoán lao bằng GeneXpert để tăng cường phát hiện người bệnh lao, lao kháng thuốc. Tiếp tục triển khai hoạt động giám sát thường quy, giám sát hỗ trợ của tuyến tỉnh tới quận, huyện và từ quận, huyện xuống xã, phường góp phần duy trì và củng cố mạng lưới chống lao. Mặt khác, tập trung hỗ trợ các đơn vị trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao hàng 1 bằng nguồn BHYT để bảo đảm có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, đáp ứng các điều kiện về thanh quyết toán với cơ quan BHXH theo quy định, tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát nhiễm khuẩn lao tại tất cả cơ sở chống lao.
Nhằm hướng tới các mục tiêu của chương trình chống lao quốc gia là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, hệ thống phòng, chống lao thành phố tiếp tục tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của cộng đồng về tình hình bệnh lao, lao/HIV và lao kháng đa thuốc; tăng cường cam kết và đầu tư nguồn lực của các cấp chính quyền cho công tác phòng, chống lao. Cùng với đó, xã hội hóa công tác chống lao; hoạt động giáo dục truyền thông cần thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường các nội dung và hình thức truyền thông để người dân hiểu đúng về lao, giảm kỳ thị và tự kỳ thị, nâng cao nhận thức và ý thức trong việc điều trị; phối hợp chương trình phòng, chống HIV/AIDS thực hiện hơn 90% số người mắc lao được xét nghiệm HIV và 90% số người nhiễm HIV được khám sàng lọc lao; triển khai tích cực hơn việc phát hiện bệnh lao trong những người mắc bệnh phổi mạn tính; cung cấp đầy đủ thuốc, hoá chất, dụng cụ..., bảo đảm tốt công tác phát hiện, quản lý và điều trị, công tác báo cáo thống kê kịp thời, chính xác, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được cấp.