Tận dụng bùn nạo vét luồng lạch làm vật liệt san lấp: Xác định rõ nhu cầu, định hướng thực hiện
Để bảo đảm điều kiện hoạt động của hệ thống cảng biển Hải Phòng, việc nạo vét luồng lạch được thực hiện hằng năm với hàng triệu tấn chất nạo vét.
Trong ảnh: Tàu thực hiện nạo vét luồng Lạch Huyện. Ảnh: Duy Thính
(HPĐT)- Trong quá trình nạo vét luồng, lạch để phục vụ hoạt động vận tải đường biển, mỗi năm, trên địa bàn thành phố có hàng triệu m3 chất nạo vét với thành phần chính là cát, bùn, sét bị nhấn chìm ra biển. Trong khi đó, nhiều dư án thiếu vật liệu để san lấp làm mặt bằng. Làm thế nào để tận dụng chất nạo vét luồng lạch làm vật liệu san lấp, là vấn đề cần được quan tâm, có hướng giải quyết phù hợp.
Phần lớn chất nạo vét lại đổ ra biển
Luồng hàng hải Hải Phòng có 9 đoạn, gồm: Lach Huyện, kênh Hà Nam, Bạch Đằng, Sông Cấm, Vật Cách, Nam Triệu, Phà Rừng, Sông Giá, kênh Cái Tráp, với tổng chiều dài khoảng 92,4 km, trong đó có 4 đoạn luồng chính với tổng chiều dài 46 km gồm: Lạch Huyện, Hà Nam, Bạch Đăng, Sông Cấm. Với đặc điểm chiều dài lớn, lại nằm trong tuyến sông Cấm, sông Bạch Đằng, Lạch Huyện, nên tuyến luồng hàng hải chịu ảnh hưởng sa bồi với tốc độ nhanh, nhất là vào mùa mưa lũ. Để bảo đảm độ sâu luồng phục vu tàu ra vào cảng, việc nạo vét luồng phải thực hiện thường xuyên.
Theo số liệu từ Tổng Công ty đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc, công tác nạo vét tuyến luồng hàng hải Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện, Bạch Đằng, Sông Cấm) có khối lượng thi công hàng năm từ 2 đến 3 triệu m3 bùn, cát cần nạo vét. Trong tương lai, để độ sâu luồng đoạn Lạch Huyện được duy trì đến chuẩn tắc thiết kế (-14 m), khối lượng nạo vét duy tu khoảng 4 ÷ 5 triệu m3/năm. Bên canh đó, hằng năm, 45 cảng biển, cảng và luồng đường thủy nội địa phải duy tu, nạo vét khu vực mặt nước trước bến cảng. Chi cục phó phụ trách Chi cục biển và hải đảo Mai Đức Long cho biết, thời gian qua, phần lớn chất nạo vét của thành phố vẫn phải nhấn chìm ra biển. Việc tìm vị trí nhận chìm và tổ chức nhận chìm chất nạo vét phức tạp, chi phí lớn.
Theo TS Vũ Duy Vĩnh, nghiên cứu viên chính của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, thành phần chât nạo vét chủ yếu là cát nhiễm mặn và bùn, sét nhiễm mặn, có thể sử dụng làm vật liệu san lấp. Việc tận dụng chất nạo vét làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các dự án có địa hình trũng sâu, ven biển sẽ hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, dễ xử lý hơn so với việc nhấn chìm ra biển. Tương tự, TS Nguyễn Hữu Huân, Viện Hải dương học nhận xét: Phát triển cảng biển thì việc gia tăng lượng chất thải nạo vét luồng lạch cảng là điều hiển nhiên. Do vậy, cần có kế hoạch “ứng xử” một cách bài bản, chủ động, lâu dài với loại vật chất này. Cần nhìn nhận chúng như là một dạng tài nguyên để phục vụ xây dựng các công trình chống sạt lở ven biển, san lấp mặt bằng xây dựng các khu đô thị mới…
Xây dựng phương án thực hiện cụ thể
Tuy nhiên, hiện việc tận dụng vật liệu nạo vét luồng lạch còn bị hạn chế do chưa có tiêu chuẩn, định mức, sử dụng cát biển trong công trình dân dụng và giao thông, chưa có hướng dẫn công nghệ xử lý cát nhiễm mặn. Trong khi, loại vật liệu này có những yếu tố đặc thù, có khả năng tiết ra muối có thể gây ảnh hưởng đến môi trường chung quanh; tăng quá trình xâm thực làm hư hại công trình. Gần đây, một số địa phương tận dụng vật liệu nạo vét để san lấp mặt bằng. Như năm 2019, tỉnh Bình Định và Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất tận dụng nguồn vật chất, bùn thải nạo vét ở luồng vào cảng Quy Nhơn (khoảng 300.000 m³) để phục vụ san lấp cho dự án du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại. Năm 2022, dự án Tổ hợp cảng biển và Khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) sử dụng chất nạo vét để san lấp mặt bằng.
Theo Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, trách nhiệm quản lý quá trình thực hiện các dự án nạo vét khơi thông luồng có tận thu cat nhiễm mặn thuộc thẩm quyền chính của Bộ Giao thông- Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố. Đối với quá trình tiêu thụ, sử dụng cát nhiễm mặn tận thu từ quá trình nạo vét khơi thông thông luồng theo chủ trương xã hội hóa do doanh nghiệp thực hiện, phải bảo đảm theo các quy định hiện hành và do tỉnh, thành phố cân đối cung cầu.
Được biết, tại Hải Phòng xuất hiện tình trạng thiếu hụt vật liệu san lấp ở một số dự án lớn. Với dự báo thành phố sẽ có thêm nhiều dự án khu công nghiệp, khu đô thị lấn biển được thực hiện, mức độ thiếu hụt vật liệu san lấp là hiện hữu. Nên chăng, thành phố cần xem xét giải pháp tận dụng vật liệu nạo vét luồng cho hoạt động san lấp mặt bằng. Để bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường, xây dựng, các ngành liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng phối hợp xem xét, đánh giá thành phần vật liệu ở từng dự án nạo vét luồng có đủ điều kiện để sử dụng làm vật liệu san lấp. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND thành phố đề xuất hướng xử lý, sử dụng phù hợp. Song, việc sử dụng chất nạo vét làm vật liệu san lấp không thể làm tràn lan. Nên ưu tiên thực hiện tại những dự án có mặt bằng trũng thấp, dự án lấn biển. Khi có sự định hướng, tổ chức thực hiện cụ thể, sớm tháo gỡ những vướng mắc trong việc tận dụng vật liệu nào vét luồng, vừa tiết kiệm chi phí nhận chìm, vừa sử dụng hiêu quả cao nguồn tài nguyên./.