Tăng cường đối thoại, tìm tiếng nói chung

10:52 SA 02/10/2020

Bảo đảm quyền lợi lao động nhỡ, mất việc làm

 

 

Các cấp công đoàn tăng cường đối thoại tại cơ sở, góp phần giải quyết chế độ cho người lao động tại Công ty TNHH may Việt Hàn (huyện Kiến Thụy).

 

(HPĐT)- 9 tháng năm 2020, gần 160 nghìn người lao động trên địa bàn thành phố bị tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương… do tác động của dịch COVID-19. Trước những diễn biến phức tạp trong vấn đề tiền lương, việc làm, cán bộ công đoàn cơ sở chủ động đối thoại người sử dụng lao động và người lao động nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể.

 

Nguy cơ phát sinh mâu thuẫn cao


 Thiếu đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tại Công ty TNHH may Việt Hàn (huyện Kiến Thụy) vào tháng 9-2020, số lượng lao động tham gia sản xuất giảm 1/3 so với trước. Chủ tịch Công đoàn công ty Đỗ Thị Tuyết cho biết: “Công ty chuyên sản xuất mặt hàng áo khoác xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. Khi đối tác hủy, ngừng đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải giảm hơn 300 lao động, đồng thời giảm ngày làm việc, tăng ngày nghỉ đối với gần 600 lao động. Mất việc, chưa tìm được việc làm mới, một số lao động có những ý kiến thắc mắc về tiền lương, trợ cấp thôi việc, yêu cầu Ban giám đốc xem xét, giải quyết”.

 

Việc làm của người lao động tại doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Hải Phòng được bảo đảm hơn, nhưng thu nhập giảm từ 30-50% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch. Theo Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng Đinh Thị Thúy Hà, cán bộ công đoàn thực hiện rà soát tại 245 doanh nghiệp, chỉ có 2 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 1 doanh nghiệp thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động lao động. Tuy nhiên, gần 20 nghìn lao động bị giảm sâu thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội, giảm giờ làm... Người lao động thuê trọ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cuộc sống, khó vay vốn ngân hàng nên có nguy cơ mắc bẫy tín dụng đen, lãi suất cao.

 

9 tháng năm 2020, Liên đoàn Lao động thành phố tiếp nhận 3 đơn kiến nghị của doanh nghiệp (Công ty TNHH may Yes Vina, Công ty CP đúc Tân Long, Công ty CP sản xuất và thương mại Việt Thành Hưng) và 12 đơn kiến nghị của người lao động liên quan đến việc làm, tiền lương. “Những kiến nghị của công nhân chung quanh vấn đề này khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn về việc bảo đảm, quyền lợi của người lao động nhỡ, mất việc làm; ngăn ngừa nguy cơ xảy ra đình công, khiếu nại kéo dài, gây căng thẳng trong quan hệ lao động”, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hoàng Đình Long trăn trở.

 

Tăng cường đối thoại, thương lượng tại cơ sở


Kinh nghiệm thực tiễn rút ra sau những vụ ngừng việc tập thể xảy ra gần đây cho thấy, thúc đẩy đối thoại, nhất là tăng cường thương lượng sớm giữa người sử dụng lao động và người lao động tại cơ sở, đơn vị là giải pháp ưu tiên hàng đầu để hạn chế cũng như giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh. Chị Đồng Thị Phượng, Chủ tịch Công đoàn Công TNHH Giày Aurora (xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên) chia sẻ: “Từ đầu năm 2020, công ty cắt giảm nhân công 2 đợt với khoảng 1.600 người, tổ chức sắp xếp, bổ sung nhân sự vào dây chuyền sản xuất. Trong mỗi đợt cắt giảm lao động, Ban chấp hành Công đoàn tham mưu Ban giám đốc tổ chức họp toàn thể công nhân, làm rõ các chế độ thanh toán tiền lương, chế độ BHXH cho người lao động và lấy ý kiến người lao động. 99,5% số người lao động thống nhất phương án với chủ sử dụng loa động về bố trí thời gian làm việc, tiền lương, chế độ BHXH. Những chế độ của nữ lao động mang thai được giải quyết thỏa đáng, kịp thời, nhờ vậy, thời gian không xảy ra các vụ tập trung đông người, đình công tại nơi sản xuất”.

 

Tương tự, tại Công ty TNHH Regina Miracle Internatinonal Việt Nam-doanh nghiệp cắt giảm gần 2 nghìn lao động trong năm 2020, cán bộ công đoàn cơ sở cũng có những cách làm sáng tạo phù hợp trong việc thỏa thuận, thương lượng với người lao động. Chủ tịch Công đoàn công ty Vũ Đình Phi cho biết: “Trong 9 tháng năm 2020, công ty duy trì đối thoại định kỳ 3 tháng /lần, tiếp nhận 154 kiến nghị của người lao động, tổ chức gần 50 buổi tọa đàm giải đáp thắc mắc, của người lao động. 455 cán bộ thuộc các tổ công đoàn có trách nhiệm hướng dẫn người thực hiện chế độ nghỉ phép, chế độ phúc lợi; thỏa thuận với người lao động về hưởng lương ngừng việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Bộ luật Lao động, tránh những bức xúc, căng thẳng trong quan hệ lao động, gây ảnh hưởng đến quy trình sản xuất và tinh thần của người lao động”.

 

Bên cạnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tham mưu lãnh đạo doanh nghiệp trong việc giải quyết chính sách phúc lợi cho người lao động, các cấp công đoàn phối hợp đơn vị liên quan giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 7 nghìn người; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 9 nghìn lao động. Thời gian tới, Liên đoàn Lao động thành phố tiếp tục chủ động phối hợp doanh nghiệp tổ chức đối thoại giữa công đoàn và các cơ quan chức năng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo lại đối với người lao động mất việc… bảo đảm quyền lợi người lao động, hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp lao động tập thể phát sinh.