Tiếp tục lan tỏa biểu tượng Hải Phòng

11:09 SA 02/06/2024

 

Biểu tượng thành phố Hải Phòng.

 

(HPĐT)- Tại Hội nghị Thành ủy chiều 15-5, Thành ủy thống nhất chủ trương chọn biểu tượng của Hải Phòng (mẫu NTM 787 bản gốc). Nhân dịp này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TRẦN THỊ HOÀNG MAI trả lời phỏng vấn của Báo Hải Phòng về quá trình xét chọn mẫu biểu tượng của thành phố Hải Phòng…

 

Thành phố Hải Phòng rực rỡ màu phượng đỏ. Ảnh: TIẾN ANH
 

- Qua 5 lần tổ chức thi sáng tác trước đây, thành phố chưa lựa chọn được mẫu biểu tượng của thành phố Hải Phòng. Đồng chí cho biết lý do tại sao?

- Tháng 8-1992, thành phố bắt đầu tổ chức phát động cuộc thi sáng tác biểu tượng Hải Phòng lần thứ nhất. Trải qua 4 lần tổ chức nữa (tháng 7-1999, tháng 6- 2000, tháng 5-2007; tháng 8- 2014) song thành phố chưa lựa chọn được biểu tượng đáp ứng các tiêu chí. Cả 5 lần tổ chức thi sáng tác, Hải Phòng thành lập Hội đồng Giám khảo là những họa sĩ, kiến trúc sư của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Kiến trúc Việt Nam. Thậm chí, Hải Phòng đặt hàng 30 họa sĩ do Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu. Theo đánh giá của Ban Tổ chức lần thi thứ 5, qua 4 lần thi sáng tác mẫu biểu tượng thành phố, số tác phẩm có tính sáng tạo không nhiều, phần nhiều thiếu chiều sâu, không thể hiện bản sắc con người, vùng đất Hải Phòng qua từng tác phẩm. Các mẫu sáng tác biểu tượng dự thi chỉ cách điệu hình ảnh Hoa Phượng, chưa xác định được thành phố Hải Phòng xuất phát là địa danh gắn với lịch sử có vị thế về kinh tế của miền Bắc, ý tưởng sáng tác thiếu hình tượng biểu đạt cốt cách, bản sắc truyền thống thành phố Cảng biển và kết hợp hài hòa hình tượng Hoa Phượng Đỏ. Khi các mẫu sáng tác được Hội đồng Giám khảo tuyển chọn, báo cáo Ban Tổ chức cuộc thi để triển lãm trưng cầu, xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân bằng phiếu thăm dò. Cuộc thi lần thứ 5 được thành phố phát động sâu rộng. Ban Tổ chức nhận được 239 mẫu tham gia, có 3 mẫu vào chung cuộc. Sau khi chỉnh sửa, 3 mẫu được đưa ra lấy ý kiến nhân dân cũng chỉ đạt 40% đồng ý. Qua vài lần chỉnh sửa, mẫu vào đến vòng cuối, đưa ra lấy ý kiến công chúng đã đạt tỷ lệ 92% người ủng hộ. Tưởng chừng mẫu này sẽ đoạt giải Nhất, nhưng sau đó, Ban Tổ chức phát hiện tác giả của tác phẩm đoạt giải Nhất là thành viên trong Hội đồng giám khảo và giải thưởng không thể trao vì vi phạm quy chế cuộc thi.

 

Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thông tin về biểu tượng Hải Phòng. Ảnh: ĐỖ HIỀN

 

- Lần thứ 6, với quyết tâm cao nhằm tìm ra biểu tượng thành phố, cuộc thi được tổ chức như thế nào, thưa đồng chí?

- Rút kinh nghiệm từ những lần trước, tại cuộc thi lần thứ 6, Ban Tổ chức ban hành kế hoạch, chương trình kỹ lưỡng. Tháng 3-2022, thành phố phát động cuộc thi ở 3 trung tâm mỹ thuật lớn của cả nước (tại Hải Phòng vào tháng 3-2022, tại Hà Nội vào tháng 4-2022 và tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6-2022), với giá trị giải thưởng lên tới 500 triệu đồng cho giải nhất, cao nhất hiện nay. Lần này, Ban Tổ chức mời nhiều chuyên gia hàng đầu cả nước tham gia Hội đồng nghệ thuật cuộc thi, như: Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Ngô Tuấn Phong, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng các họa sĩ thành danh trong lĩnh vực thiết kế đồ họa khác. Ban Tổ chức xây dựng phim ngắn nói về mảnh đất, con người Hải Phòng xuyên suốt chiều dài lịch sử phát trên hệ thống để những người dự thi sáng tác xem và hiểu thêm về mảnh đất, con người Hải Phòng.

Với sự phát động rộng rãi, bài bản, Ban Tổ chức nhận được gần 1000 mẫu của các họa sĩ trong nước và quốc tế gửi về dự thi. Đến tháng 1-2023, 10 mẫu được Hội đồng nghệ thuật cuộc thi chọn vào vòng chung kết và trưng bày tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh thành phố để xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân trong vòng 1 tháng. Tháng 6-2023, qua tổng hợp ý kiến nhân dân và góp ý bổ sung, chỉnh sửa của Hội đồng nghệ thuật cuộc thi, 5 mẫu được chọn vào vòng sau và tiếp tục xin ý kiến nhân dân. Lần xin ý kiến này bằng phiếu gửi đến 39 tổ chức, như: Các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố, Câu lạc bộ Bạch Đằng, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hải Phòng, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng, Hội Nhà báo Hải Phòng, Hội Kiến trúc sư Hải Phòng, các Ủy viên đảng ủy trực thuộc Thành ủy, Ban liên lạc tướng lĩnh đã nghỉ hưu trên địa bàn thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể khác… Kết quả, mẫu NTM 787 đạt tỷ lệ lựa chọn cao nhất 55%. Tháng 1-2024, thành phố đề nghị tác giả bổ sung 2 phiên bản khác, tiếp tục xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân theo hình thức bình chọn trực tuyến. Phần lớn phiếu chọn phiên bản gốc. Ngày 15-5, Thành ủy chính thức chọn mẫu NTM 787 bản gốc là biểu tượng thành phố…

- Bên cạnh các ý kiến đồng tình, còn những băn khoăn về biểu tượng của thành phố “ôm đồm” quá nhiều chi tiết. Là Phó trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

 - Với bất kỳ thành phố nào, việc lựa chọn biểu tượng cũng vô cùng quan trọng bởi đây là hồn cốt văn hóa, là “gương mặt đại diện” để chúng ta giao lưu với cả nước và bạn bè quốc tế. Qua 6 lần tổ chức thi, kéo dài trong 32 năm cho thấy thành phố rất thận trọng, cầu thị, mong muốn lựa chọn được biểu tượng tốt nhất. Đến lần thứ 6, với sự tổ chức công phu, bài bản, nghiêm túc, thành phố đã chính thức chọn được biểu tượng. Trong suốt hành trình ấy, thành phố luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp bởi điều đó thể hiện sự quan tâm, tình yêu của nhân dân với thành phố.

Đáng mừng là qua số phiếu, lượt bình chọn và ý kiến góp ý trực tiếp cho thấy, phần lớn người dân đồng tình với sự lựa chọn của Ban Tổ chức cuộc thi và thành phố. Bên cạnh đó, còn có băn khoăn về việc tại sao không chọn một đặc trưng hay một công trình văn hóa tiêu biểu và đưa ra ý kiến đề xuất thành phố cần suy tính xây dựng một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ của Hải Phòng ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới, chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm thành lập nước (1945-2045), 90 năm Hải Phòng giải phóng (1955-2045). Khi có công trình này thì có thể từ đây thiết kế logo mới của Hải Phòng như một số thành phố trên thế giới đã làm.

Như vậy, với sự nhất trí cao, thành phố chúng ta đã có biểu tượng của Hải Phòng. Ban Tổ chức mong muốn biểu tượng được tất cả tầng lớp nhân dân, người yêu Hải Phòng trên cả nước và bà con Việt kiều ở nước ngoài tiếp tục lan tỏa biểu tượng Hải Phòng đến với bạn bè trong nước và trên thế giới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập