Trung tâm trợ giúp pháp lý: Đưa pháp luật đến người dân
Trợ giúp viên pháp lý trợ giúp pháp luật, tư vấn đối với hội viên phụ nữ quận Ngô Quyền.
(HPĐT)- Để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) chủ động đa dạng các hình thức trợ giúp pháp lý miễn phí đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố, luôn luôn là cầu nối đưa chính sách pháp luật đến với người dân.
“Điểm tựa” cho người yếu thế
Sáng 5-11, tại Thành Hội người mù thành phố, không khí sôi nổi, nhộn nhịp hơn thường lệ. Các hội viên được trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố (TTTGPL) tuyên truyền về luật dành cho người khuyết tật, tận tâm tư vấn cụ thể từng trường hợp, hoàn cảnh với đa dạng các câu hỏi của hội viên.
Ông Bùi Quang Tâm, Chủ tịch hội người mù thành phố bày tỏ: Hội người mù thành phố và TTTGPL thành phố có gần 10 năm phối hợp trong công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền pháp luật đến các hội viên. Trước đây, nhiều hội viên trong hội nhận thức pháp luật hạn chế, thêm tâm lý mặc cảm nên thường e dè trong cuộc sống. Đến nay, hàng trăm hội viên chưa được hưởng chế độ dành cho người khuyết tật với nhiều lý do khác nhau. Với những trường hợp cụ thể, chúng tôi chuyển đơn đề nghị sang TTTGPL thành phố, để được kịp thời tư vấn, hướng dẫn, bảo vệ được quyền lợi của nhiều hội viên.
Còn đối với ông Nguyễn Văn Hưu, ở phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền), dù ngoài 80 tuổi, nhưng do việc gia đình không thống nhất, cực chẳng đã, ông phải khởi kiện vụ án tranh chấp di sản thừa kế đất đai tại phường Đồng Hải 1 (quận Hải An) và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện An Hải cấp năm 2003. Tuổi cao, sức khỏe hạn chế, lại không am hiểu về pháp luật, ông tìm đến TTTGPL thành phố đề nghị tư vấn làm đơn khởi kiện và cử người đại diện. Đây là vụ việc tương đối phức tạp khi bố, mẹ của ông Hưu lần lượt qua đời vào các năm 1966, 1974, không để lại di chúc, trong khi 2 cụ có 10 người con, nên việc di sản thừa kế liên quan đến nhiều người, nhiều hàng thừa kế. Các trợ giúp viên pháp lý vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm với những lý lẽ thuyết phục, chứng cứ chính xác. Căn cứ hồ sơ vụ việc, Hội đồng xét xử của TAND quận Hải An chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hưu, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan thửa đất tranh chấp được cấp trước đó, ông Hưu được quản lý, sử dụng diện tích hơn 500 m2 và đồng quản lý diện tích nhà thờ rộng hơn 400 m2 khác tại phường Đông Hải 1. Vụ việc kết thúc, những cái bắt tay thật chặt thể hiện sự cảm ơn sâu sắc của ông gửi đến các trợ giúp viên pháp lý.
Có thể nói, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, trợ giúp pháp lý đang dần trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của người dân. Tuy nhiên, đối với những người yếu thế, có hoàn cảnh nghèo, khó khăn, việc được trợ giúp miễn phí lại càng có ý nghĩa hơn. Không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, hoạt động này cũng góp phần giải quyết vướng mắc, tranh chấp các vụ việc tại cơ sở, giảm tải việc đi lại của người dân, góp phần giảm bớt đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Từ đầu năm đến nay, TTTGPL thành phố thực hiện được 442 vụ việc, trong đó có 244 việc tư vấn, 198 vụ việc tham gia tố tụng. Tổng số người được trợ giúp pháp lý là 442, trong đó đối tượng người có công với cách mạng là 54 người, 58 trẻ em, 55 người chưa thành niên, 49 người khuyết tật, 19 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo…
Phát huy vai trò “cầu nối pháp luật”
Mặc dù 2 năm qua (2020- 2021), bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song, TTTGPL thành phố linh hoạt các biện pháp để khắc phục, như soạn thảo và phát hành, in ấn hàng nghìn tờ gấp pháp luật, phối hợp trợ giúp pháp lý tại Báo Hải Phòng, qua Đài Phát thanh và truyền hình Hải Phòng. Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, khi dịch bệnh được kiểm soát, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11), TTTGPL phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động trực tiếp tại cơ sở, như tại Hội phụ nữ quận Ngô Quyền, Hội phụ nữ quận Lê Chân, Hội người mù thành phố, Hội người cao tuổi, các địa bàn xã tại huyện Cát Hải, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy…
Phó giám đốc phụ trách TTTGPL thành phố Nguyễn Văn Tú Ngọc cho biết: Thực tế, nhiều trợ giúp viên pháp lý không quản ngại ngày đêm, thời tiết, thậm chí vượt hàng trăm cây số đến các tỉnh, thành phố để gặp gỡ, tiếp xúc từng gia đình bị cáo, xác minh nhân thân, hoàn cảnh của người được trợ giúp. Đặc biệt, trong tháng cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11, TTTGPL đẩy mạnh tuyên truyền lưu động tới gần 20 cơ sở với hàng trăm lượt người tham dự. Với quyết tâm “thêm một người hiểu biết pháp luật là một niềm vui”, thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này và tăng cường trợ giúp pháp lý ở cơ sở nhằm giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận tốt với dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Dẫu còn nhiều khó khăn, kinh phí được cấp cho hoạt động còn eo hẹp, nhưng sự tin cậy và kỳ vọng của người dân là động lực để những người làm trợ giúp pháp lý miễn phí phát huy tinh thần, trách nhiệm, tiếp tục là “cầu nối”, “điểm tựa” pháp lý, góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của thành phố./.