Nhà văn của chiến dịch Điện Biên Phủ

06:44 CH 04/05/2024

Nhà văn Mai Vui (ngoài cùng bên phải) khi đó là Chính trị viên Đại đội 811, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 nhận cờ Thi đua Quyết chiến - Quyết thắng do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tại Mường Phăng ngày 13-9-1954.

 

(HPĐT)- Với gần mười tác phẩm gồm ký sự, tiểu thuyết, bài báo về trận Điện Biên Phủ năm 1954, có thể nói Mai Vui là nhà văn có nhiều tác phẩm nhất về chiến dịch lịch sử này.

 

Nhà văn Mai Vui (1926- 2013) tên khai sinh là Đỗ Hùng Quang, vào bộ đội từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946, sau đó có mặt tại nhiều chiến trường ở Bắc bộ. Ông lấy tên vợ (Mai Thị Vui) làm bút danh. Từ phóng viên báo Quân khu Ba năm 1959, ông trở thành thư ký tòa soạn rồi Tổng Biên tập; năm 1979 được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1990, ông về hưu với quân hàm đại tá và gia nhập Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng. Với "hành trình chữ nghĩa" như vậy, ít ai nghĩ tận năm 20 tuổi, ông mới chỉ biết đọc biết viết! Ở tự truyện "Quãng đời niên thiếu" (NXB Lao động, 1958), ông nói nếu không có cách mạng và vào bộ đội, ông còn có nguy cơ mù chữ trở lại! Với ông, môi trường ấy còn là trường học, từ đó ông Vui "luyện chữ" và trở thành nhà báo, nhà văn.

Các tác phẩm xuất sắc nhất của Mai Vui đều về đề tài người lính như ông tâm sự "Tôi viết, đã viết, đang viết và sẽ viết tới ngày cuối cùng của cuộc đời tôi về anh Bộ đội Cụ Hồ vô cùng yêu quý". Một trong những minh chứng về tâm huyết ấy của nhà văn Mai Vui là các ký sự trong tuyển tập "Anh bộ đội Cụ Hồ" (NXB Hải Phòng, 2000).

"Đường vào Tây Bắc" dài hơn 190 trang, chiếm phần lớn số trang trong tập "Anh bộ đội Cụ Hồ". Ký sự bắt đầu bằng lời tựa: "Kính tặng cán bộ và chiến sĩ Đại đội 635- Đại đoàn 316". Mai Vui vốn là Chính trị viên đại đội 635, năm 1958 ông khơi lại ký ức và viết "Đường vào Tây Bắc", năm 1961 sửa lại; năm 1982 được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra mắt bạn đọc và ghi là tiểu thuyết. Mặc dù thế, nhà văn Lê Lựu, từng ở báo Quân khu Ba với ông Mai Vui vẫn gọi là ký sự; chính ông cũng vậy, ông đã đưa tác phẩm này vào một tuyển tập ký sự. Nhà văn Lê Lựu nói: "Ký sự "Đường vào Tây Bắc" miêu tả một đại đội bộ binh tiến vào Tây Bắc, cùng với pháo binh, công binh, hậu cần ào ạt mà lặng lẽ tiến vào nơi sẽ bùng nổ một "Điện Biên chấn động địa cầu". Ngòi bút của Mai Vui tỏ ra thông thuộc, vững vàng và tự tin, vừa tạo dựng được không khí vũ bão của đoàn quân, đồng thời khắc họa những tính cách riêng của từng nhân vật, khắc sâu vào ấn tượng người đọc". (Tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 11-1983).

Trong tập "Anh bộ đội Cụ Hồ", nhà văn Mai Vui đưa vào ký sự về trận đánh đồi A1 và C1. Trong đó, ký sự "Đánh chiếm đồi A1" được ông thực hiện theo lời kể của Thiếu tướng Lê Quảng Ba, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316. Qua từng trang viết, những trận đánh giằng co giữa ta và địch để đánh chiếm đồi A1, giây phút người chỉ huy cân não tính toán phương án tác chiến… được tái hiện sinh động.

Trong các tác phẩm về trận Điện Biên Phủ, tiểu thuyết "Người chiến sĩ Điện Biên năm ấy" (NXB Quân đội nhân dân, 2004) được ông viết nhanh nhất, xong ngày 31-10-2003, kịp xuất bản đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông kể, đã viết như người lính với trận đánh cuối cùng và từng nghĩ viết xong có khi kiệt sức và "đi" bởi đã 77 tuổi. Nhưng xong những dòng cuối cùng thì thấy mình khỏe ra, người nhẹ nhõm như vừa hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Tận dụng khả năng hư cấu của tiểu thuyết, những gì chưa nói được ở các ký sự trước, giờ ông dành cho tiểu thuyết này. Qua những trang tiểu thuyết, hình ảnh về những người chiến sĩ Điện Biên năm ấy hiện lên gần gũi, sinh động với nhiều chi tiết đời thường đầy cảm động. Đó là cuộc sống của một số cán bộ, chiến sĩ nam giữa tiểu đoàn dân công nữ trong "Sống giữa tiểu đoàn dân công gái". Đấy là Hà lấy phải anh chồng không thực hiện nổi chức năng đàn ông; là Tạc, đã có vợ con ở quê mà còn để ý đến Hà; là Thà, luôn âm ỉ nỗi đau về người vợ ở quê ngoại tình nên không thiện cảm với phụ nữ, nhưng sống giữa Tiểu đoàn dân công gái mới hiểu họ có nhiều đức tính tốt đẹp, dũng cảm phục vụ chiến đấu, sẵn sàng nhận bất cứ khó khăn, hiểm nguy nào. Ở phần 2 "Hồi ức của Đại đội trưởng Mạnh Thà" nói về phút yên tĩnh trước trận đánh- phút dành cho nơi sâu thẳm của số phận và tâm hồn: Chuyện làm lẽ của Cậy, chuyện gặp người yêu giữa chiến dịch của Mây, chuyện nhớ vợ của Lò Văn Thiềng, chuyện buồn não lòng của đời sống vợ chồng Hà, phút Thà cầm tay Hà và cả việc Tạc đột nhiên bỏ trốn.

Nhà văn Mai Vui là thương binh hạng 2/4 từ trận Điện Biên Phủ. Đề tài Điện Biên Phủ chiếm khối lượng lớn trong sáng tác của ông, ngoài các tác phẩm kể trên, còn có "Kể chuyện Điện Biên", "Đại đội trưởng của tôi", "Chuyện nhỏ ở Điện Biên", "Chú bé Điện Biên Phủ"... Theo lời kể của nhà văn Lê Lựu, mấy năm cuối đời, ông ốm nặng phải nằm Viện 108. Khi nghe đồng đội bảo: "Mai kia lên thăm Điện Biên nhé!", mắt nhà văn Mai Vui vụt sáng, nhưng rồi buồn bã nói: "Yếu rồi, không đi được nữa. Nhưng mà nhớ lắm! Nhớ lắm!". Với những ký ức sâu đậm về chiến dịch Điện Biên Phủ, các tác phẩm về đề tài này được ông viết như rút ruột, rút gan để khi nhắc tới, không ai có thể phủ nhận, ông chính là nhà văn của chiến dịch Điện Biên Phủ./.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập