Nhạc sĩ Trần Hoàn với tình yêu và nỗi nhớ Hải Phòng
(HPĐT)- Nhạc sĩ Trần Hoàn (1928-2003) tên khai sinh là Nguyễn Tăng Hích. Quê ông, làng Cầu Nhi ở Quảng Trị. Nói đến Trần Hoàn, ta luôn nghĩ tới các bài hát nổi tiếng nhưng cùng với ca khúc, ông còn để lại cuốn hồi ký “Những kỷ niệm khó quên về Hải Phòng”.
Nhớ Phạm Xá là câu chuyện được ông đưa vào đầu hồi ký. Trước ngày được giải phóng, Hải Phòng thuộc “Khu vực 300 ngày” để thực dân Pháp tập trung chờ vào Nam. Tàu hỏa, ô tô từ hai phía đều dừng ở Phạm Xá để hành khách đổi tàu xe đi tiếp. Đấy là cơ hội để hai bên thu hút sự quan tâm của dân chúng. Cùng với tuyên truyền chủ trương, chính sách, ông đề nghị cử Đoàn văn công Trung ương biểu diễn trong lúc hai bên bàn giao để thu hút đồng bào vùng 300 ngày. Các buổi biểu diễn thành công đến mức lính thực dân Pháp cũng hóng nghe, quên cả việc chúng phải làm! Cái đêm vào thành phố, đó là đêm 12 sáng ngày 13-5-1955, ai cũng náo nức tới mức 3 giờ sáng đã gọi nhau dậy, chờ 5 giờ lên xe ô tô. Đường phố vắng lặng, tất cả như đang ngủ say, nhưng khi tiếng loa vừa vang lên: “Đồng bào thân mến!” tức thì các nhà mở toang cửa reo mừng chào đón.
Sau giải phóng Hải Phòng, ông Trần Hoàn được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin. Một số nơi được như ngày nay có công sức của ông. Cố nhà thơ Nguyễn Viết Lãm nói: Người nghệ sĩ hàn vi ấy, chỉ hơn mười năm ở Hải Phòng đã để lại cho thành phố bao nhiêu dấu ấn. Mỗi lần đi qua trước Nhà Bảo tàng, Nhà Triển lãm thành phố, hoặc dạo trên lối đi vòng quanh Nhà hát Nhân dân, chúng ta lại nhớ Trần Hoàn.
Về chuyện Bảo tàng, đoàn cán bộ của Bộ Văn hoá cho rằng không thể khánh thành vào ngày 6-1-1960 vì thời gian quá gấp; tranh cãi gay gắt tới mức “Cuộc họp tan. Lòng tự ái đã không giúp cho hai bên bình tĩnh để bàn thêm.”. Cuối cùng, do nỗ lực của ông Trần Hoàn và anh em ở Sở Văn hoá Thông tin, Bảo tàng đã khai mạc đúng dự định.
Ông có lối kể chuyện mộc mạc mà hấp dẫn, thú vị bởi cách kể dí dỏm. Việc thành lập Đoàn Ca múa rất khó khăn, vì từ đàn sáo, diễn viên đến tiết mục đều “không biết lấy đâu ra”, nên ông phát động toàn Sở Văn hóa mở chiến dịch “câu” người từ Hà Nội về. Ông cũng là người có công lớn nhất trong việc thành lập Chi hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng đầu những năm 1960. Ở "Nhớ về Chi hội của tôi" ông kể “câu” được nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, Chánh Văn phòng Hội Nhà văn về Hải Phòng. Ông tinh đời trong việc hiểu sở trường, sở đoản của từng người. Biết nhà văn Nguyên Hồng không quen và rất ngại những việc hành chính sự vụ, nhưng ông quyết thuyết phục ông Nguyên Hồng làm Chi hội trưởng vì được nhà văn này đồng ý sẽ có ý nghĩa lớn về đối ngoại và việc bồi dưỡng người viết trẻ. Ông nói với nhà văn Nguyên Hồng: Sao cho Hải Phòng tiếp tục có những Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi… còn các hoạt động khác anh em chúng tôi lo.

Năm 1967, ông Trần Hoàn chia tay Hải Phòng, nhận nhiệm vụ vào chiến trường Trị Thiên- Huế. Ông kể: Ngày đêm tôi không sao quên được Hải Phòng, mà tôi xem là quê hương thứ hai của tôi. Ngày nào ông cũng mở đài nghe tin tức Hà Nội và nhất là Hải Phòng, một đêm được nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát ca khúc “Hải Phòng - Thành phố Hoa phượng đỏ” của Lương Vĩnh, thơ Hải Như, ông gọi ngay anh em trong cơ quan giữa rừng già xúm lại bên bếp lửa để nghe bài hát. Trần Khánh, người Hải Phòng, giọng nam cao nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, có lẽ cảm xúc sâu sắc với quê hương, đã hát rất thực và xúc động.
Ở phần thứ hai của hồi ký, ông cho in 12 bài hát về Hải Phòng, trong đó "Kể chuyện người Cộng sản", "Mời anh chị về thăm Hải Phòng" là những ca khúc rất phổ biến lúc bấy giờ. Đó chỉ là phần nhỏ trong sự nghiệp âm nhạc của ông, chỉ là bước chuyển để sau này ông tới thời kỳ thăng hoa với các ca khúc, nhưng ông không thể quên vì đấy là tình yêu và nỗi nhớ của ông với Hải Phòng.
Trần Hoàn nói: “Tuy quê ở Quảng Trị, nhưng Hải Phòng, nơi tôi và nhà tôi vào tiếp quản năm 1955, nơi bốn con tôi chào đời, đã đi vào đời tôi như quê hương thứ hai, một quê hương thật sự, mà mỗi khi nhắc đến, khiến lòng tôi rung lên những xúc động khôn nguôi”.
Đọc "Những kỷ niệm khó quên về Hải Phòng" cảm nhận rõ điều đó. Phải thực yêu, thực gắn bó mới ghi nhớ tận đáy lòng các sự kiện và con người nơi mình từng sống và mới viết được như thế. Đọc hồi ký của ông còn thú vị với những chi tiết, cách khắc họa nhân vật và giọng kể đầy cá tính, khiến người đọc hoàn toàn có quyền nghĩ nếu không là nhạc sĩ, ông chắc chắn sẽ trở thành nhà văn, thành người viết truyện.