Việc đóng cửa bãi rác tạm ở ngoại thành: Sớm thay thế phù hợp
(HPĐT)- Tới năm 2025, thành phố đóng cửa 85 bãi rác tạm (22 điểm tại huyện Kiến Thụy; 25 điểm ở huyện An Lão; 11 điểm ở huyện Thủy Nguyên; 3 điểm ở huyện Cát Hải; 19 điểm ở huyện Vĩnh Bảo và 5 điểm tại huyện Tiên Lãng). Từ năm 2028-2030, thành phố tiếp tục đóng cửa 52 bãi rác còn lại (huyện Vĩnh Bảo 30 điểm; huyện Tiên Lãng 21 điểm và huyện Bạch Long Vĩ 1 điểm). Tuy nhiên, để đóng cửa các bãi rác tạm, cần có giải pháp thay thế hoặc phương án thu gom, vận chuyển phù hợp.
Địa phương mong ngóng
Hiện nay, các bãi rác tạm đều quá tải, nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện hữu. Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Đỗ Thị Hương cho biết, khu vực ngoại thành phát sinh 148,9 nghìn tấn rác thải sinh hoạt/năm. Số rác này được xử lý chôn lấp tại 137 bãi rác tạm, thuộc địa bàn 78 xã. Việc xử lý rác thải tại bãi rác tạm đều không bảo đảm quy định. Hầu hết bãi rác tạm được hình thành tự phát, không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đúng quy định; không có hệ thống thu gom nước rỉ rác; không có vải địa ngăn sự rò rỉ nước chất thải. Từ năm 2016, Sở Tài nguyên-Môi trường hướng dẫn quy trình xử lý rác thải rắn tại bãi rác tạm. Theo đó, các bãi rác được chia thành các ô nhỏ và được sử dụng lần lượt. Rác phải được san gạt, chôn lấp bằng đất, cát, phun vôi bột và hóa chất khử khuẩn. Nhưng hầu như chưa có bãi rác tạm nào bảo đảm yêu cầu này.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện An Lão Nguyễn Quốc Thịnh, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn khoảng 140 tấn/ngày. Lượng rác thải được thu gom hằng ngày đạt 98%. Tham gia thu gom, có các tổ, đội; các công ty: TNHH MTV Môi trường Thành Vinh; TNHH Môi trường Kiến Thụy; TNHH Dịch vụ Môi trường Hải Phòng; TNHH vệ sinh và xây lắp Việt Hùng. Rác thải được xử lý nhiều hình thức, ủ phân vi sinh, đốt rác. Tuy nhiên, phần lớn được chôn lấp. 19 bãi rác tạm trên địa bàn các xã, thị trấn không hợp vệ sinh do tồn tại từ lâu, không được xây dựng đồng bộ ngay khi hình thành, rác thải sau khi thu gom mới chỉ được đổ đống lộ thiên hoặc chôn lấp nhưng không bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật và vệ sinh môi trường nên nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Đáng nói, các bãi rác tạm trên địa bàn đều quá tải. Bên cạnh đó, với hình thức xử lý hiện nay, mặc dù được phân loại tại gia đình nhưng đến khi thu gom, xử lý vẫn phải thực hiện tập kết, chôn lấp chung tại các bãi rác tạm.
Tương tự, huyện Vĩnh Bảo còn tới 49 bãi rác tạm và 1 lò đốt rác tại thị trấn Vĩnh Bảo, lượng khí thải đang vượt ngưỡng, trong khi duy tu có nhiều khó khăn. Hơn nữa, các bãi rác tạm hầu hết đã đầy. Nguồn kinh phí cấp cho việc xử lý rác thấp; nguồn thu của các hộ dân không cao nên chưa đủ bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Việc xử lý rác vẫn là một trong những vấn đề nan giải của huyện. Do đó, việc đóng cửa bãi rác tạm là mong muốn của địa phương, nhưng xử lý như thế nào đang là bài toán phức tạp không chỉ của huyện Vĩnh Bảo.
Sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm
Năm 2024, huyện An Lão có đề nghị, trên địa bàn huyện có 3 sông lớn chảy qua, trong đó sông Đa Độ (đi qua 13 xã, thị trấn) và hệ thống kênh thủy lợi thuộc sông Đa Độ là nguồn cung cấp nước ngọt phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp của thành phố. Việc quy hoạch vị trí xây dựng khu xử lý rác thải tập trung của huyện không thể thực hiện. Huyện đề nghị UBND thành phố, các sở, ngành quan tâm, tạo điều kiện, năm 2024, UBND huyện An Lão được vận chuyển rác thải sinh hoạt về xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung của thành phố theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố. Cụ thể, huyện đề xuất đối với 8 xã, thị trấn gồm: Chiến Thắng; An Thọ; An Thái; Mỹ Đức; Thái Sơn; Trường Sơn; An Tiến và Trường Thành, khối lượng rác dự kiến về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh 31 tấn/ ngày; dự kiến đưa về xử lý tại Khu xử lý rác Tràng Cát (hỗ trợ xử lý rác hữu cơ) 17 tấn/ngày. UBND huyện và các xã, thị trấn chịu trách nhiệm bố trí kinh phí thu gom và một phần cho công tác vận chuyển. Địa phương đề nghị UBND thành phố hỗ trợ một phần kinh phí vận chuyển. UBND huyện cam kết rác được phân loại và bố trí các điểm tập kết rác bảo đảm thuận tiện cho công tác vận chuyển về khu xử lý tập trung. Thời gian vận chuyển rác 1 lần/ngày; vận chuyển chủ yếu qua 2 cung đường chính tỉnh lộ 354 và 357.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Thuấn, để giải bài toán ô nhiễm rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải nông thôn, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện rác. Dự án sử dụng các loại rác thải để đốt và phát điện. Nhưng một số vấn đề đang đặt ra là hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình, kỹ thuật thực hiện cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường; quy trình khắc phục, bảo vệ môi trường và nguồn kinh phí xử lý rác. Hiện dự án đốt rác phát điện được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, từ nay đến khi có dự án điện rác, cũng như việc đóng cửa các bãi rác tạm, các địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ hơn vấn đề thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm rác được thu gom, xử lý đúng quy định. Sở Tài nguyên-Môi trường hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp xử lý tại các bãi rác tạm đúng quy trình; hạn chế nguy cơ xảy ra những sự cố môi trường từ bãi rác tạm.