Bảo đảm di cư an toàn, phòng, chống mua, bán người: Tăng cường phối hợp liên ngành
(HPĐT)- Trước diễn biến phức tạp của tội phạm mua, bán người trên địa bàn thành phố và cả nước, từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố tích cực phối hợp triển khai nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, hỗ trợ kịp thời đối với phụ nữ di cư, hồi hương, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Hội viên, phụ nữ tham quan trưng bày tranh vẽ truyền thông về phòng, chống mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn.
Truyền thông nâng cao nhận thức Theo Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP), trong quý 1-2024, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng cả nước phát hiện, khởi tố mới 20 vụ với 40 đối tượng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tại Hải Phòng, từ ngày 15- 12-2023 đến 9-8-2024, lực lượng chức năng phát hiện 2 vụ mua bán người, với 2 nạn nhân bị mua bán, trong đó, 1 nạn nhân người Hải Phòng và 1 nạn nhân tỉnh Lào Cai. Tiếp nhận những thông tin trên tại cuộc truyền thông về “Kiến thức di cư an toàn” do Hội LHPN thành phố phối hợp Văn phòng Dịch vụ một điểm đến (OSSO) tổ chức cuối tháng 9-2024, bà Phạm Thị Thanh Xuân, hội viên Hội Phụ nữ phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) bày tỏ lo ngại và mong muốn, các cấp Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức truyền thông, trang bị kiến thức, kỹ năng về di cư an toàn, phòng, chống mua bán người đến phụ nữ, trẻ em bởi nhu cầu di cư của người dân trên địa bàn ngày càng tăng, chủ yếu là du học, xuất khẩu lao động hoặc kết hôn với người nước ngoài.
Theo giảng viên Khoa Cảnh sát hình sự (Học viện Cảnh sát nhân dân) Nguyễn Văn Oanh, việc thiếu kiến thức, yếu kỹ năng di cư an toàn là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ, trẻ emnạn nhân chính của tội phạm mua bán người - dễ bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng bằng nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi, nhất là trong bối cảnh công nghệ số, mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay. Vì vậy, truyền thông tập trung làm rõ khái niệm di cư, phân biệt di cư trong nước với di cư quốc tế; hậu quả và cách nhận biết di cư bất hợp pháp… giúp mỗi phụ nữ trở thành tuyên truyền viên về di cư an toàn trong gia đình và cộng đồng.
Từ năm 2019 đến nay, Hội LHPN thành phố phối hợp Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Hội LHPN Việt Nam tổ chức 3 hội thảo, 6 lớp tập huấn và 15 cuộc truyền thông về di cư an toàn, phòng, chống mua bán người đến hơn 5.000 người trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. 9 tháng năm 2024, Hội tổ chức truyền thông đến hơn 400 hội viên, phụ nữ, 500 thanh niên, học sinh và nhân dân tại các xã: Lưu Kiếm và Ngũ Lão (huyện Thủy Nguyên). Hội LHPN thành phố phối hợp tổ chức cuộc thi vẽ tranh truyền thông về phòng, chống mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn thu hút 160 bài dự thi của thanh niên, học sinh huyện Thủy Nguyên. Đoạt giải nhất cuộc thi, em Bùi Tuệ Linh, học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt bày tỏ, thông qua tác phẩm giúp nhiều người biết đến thủ đoạn mua bán người trên nền tảng trực tuyến, từ đó, nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và người thân khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân mua bán người.
Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương
Cùng với đẩy mạnh truyền thông về di cư an toàn, các cấp Hội Phụ nữ thành phố quan tâm công tác tư vấn, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình; giáo dục định hướng phụ nữ chuẩn bị kết hôn có yếu tố nước ngoài. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội phối hợp Trung tâm Chính sách nhân quyền Liên hiệp quốc Hàn Quốc (Kocun) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tại Việt Nam tư vấn trực tiếp và trực tuyến 409 lượt đối với 124 phụ nữ di cư hồi hương về tâm lý, pháp lý, việc làm, giáo dục, gia đình. Trong tháng 8-2024, Hội phối hợp Văn phòng OSSO tư vấn 76 lượt cho 25 phụ nữ có nhu cầu hỗ trợ sức khỏe, thủ tục pháp lý, tìm việc làm…
Nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của Hội Phụ nữ và các tổ chức quốc tế, nhiều phụ nữ di cư hồi hương sớm ổn định cuộc sống. Chẳng hạn như chị Trịnh T.H., ở xã Hợp Thành (huyện Thủy Nguyên) vừa được Văn phòng Kocun và cơ quan chức năng thành phố hỗ trợ thủ tục gia hạn tạm trú tại Việt Nam cho con gái để cháu tiếp tục học bậc THCS tại địa phương. Chị H. cho biết, năm 2011, chị kết hôn và sinh con với chồng Hàn Quốc. Sau đó, chị ly hôn chồng và gửi con về Việt Nam để ông bà ngoại nuôi nhưng không mang theo giấy tờ của con.
Hiện, phụ nữ di cư hồi hương có nhu cầu trợ giúp ngày càng tăng nhưng công tác hỗ trợ gặp khó do nhiều chị em kết hôn qua môi giới, di cư bất hợp pháp hoặc là nạn nhân bị mua bán, lao động cưỡng bức, khi trở về không có giấy tờ tùy thân. Nhiều chị em bị tâm lý, sức khỏe bất ổn, tuổi cao nên khó tìm việc làm… Phó chủ tịch Hội LHPN thành phố Phạm Thị Thúy Hải cho biết, Hội tiếp tục hỗ trợ phụ nữ hồi hương học nghề, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ phát triển phụ nữ. Hội Phụ nữ thành phố mong muốn có sự chung tay phối hợp liên ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế để tháo gỡ vướng mắc trong công tác hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương.