Chủ động phòng, tránh bệnh cúm mùa

08:37 CH 08/02/2025

(HPĐT)- Từ đầu tháng 12 năm 2024 đến nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Trẻ em tiếp nhận người bệnh mắc cúm mùa, chủ yếu là ca bệnh cúm A, trong đó, có một số ca bệnh biến chứng nặng. Trong điều kiện thời tiết Đông Xuân thuận lợi cho các virus gây bệnh phát triển như hiện nay, đòi hỏi người dân cần chủ động phát hiện và phòng, tránh bệnh cúm mùa.

 

Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Trẻ em.

 

Gia tăng ca bệnh theo mùa 

Theo thống kê của Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp), từ 1- 12-2024 đến ngày 6-2- 2025, Khoa ghi nhận 127 ca bệnh chủ yếu là cúm A, một số ca cúm B. Theo TS.BS Ngô Anh Thế, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, ghi nhận ngày nhiều nhất, khoa có 20 ca bệnh và hiện nay số ca bệnh trung bình khoảng 10 ca/ngày. Triệu chứng chủ yếu của người bệnh là viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi kèm sốt, đau mỏi toàn thân; một số ca bệnh nặng có triệu chứng khó thở, đau tức ngực, ho đờm. Theo BSCK2 Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trẻ em), hiện nay, Khoa tiếp nhận lác đác số người bệnh, ít hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. “Thời tiết đặc trưng mùa Đông Xuân ở miền Bắc với khí hậu gió mùa, hanh khô, nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, nhất là virus cúm phát triển, gây bệnh cúm mùa”, BSCK2 Hoàng Sơn cho biết. 

Số ca bệnh cúm mùa hiện gia tăng song TS.BS Ngô Anh Thế và BSCK2 Hoàng Sơn đều khẳng định, tính tới thời điểm này, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc cúm mùa không tăng đột biến. Đồng thời, đây là bệnh thông thường theo mùa, lây nhiễm thông qua giọt bắn, với nhiều người mắc virus cúm A không điều trị bệnh cũng có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt mắc cúm mùa có nguy cơ biến chứng nguy hiểm, nhất là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh nền có thể bị suy hô hấp, viêm cơ tim, suy tạng thậm chí tử vong hoặc ở phụ nữ có thai, nhất là giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ khi mắc cúm có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Với các trường hợp này cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, thấy biểu hiện bất thường như khó thở, đau ngực, bất tỉnh cần đưa tới cơ sở y tế ngay. “Hiện nay chúng tôi điều trị bệnh cúm theo phác đồ của Bộ Y tế, sử dụng thuốc kháng virus. Nhưng chủ yếu căn cứ vào tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh để sử dụng thuốc hợp lý, tránh tình trạng dùng bừa bãi dẫn đến kháng thuốc”, BSCK2 Hoàng Sơn nhấn mạnh.

Chủ động phòng, tránh 

BSCK2 Đồng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (Sở Y tế) cho biết, đầu năm 2025, qua hệ thống giám sát dựa vào sự kiện đã ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản. Dữ liệu công bố ngày 31-1-2025 của Viện truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ trong tuần cuối của năm 2024 (từ 23 đến 29-12- 2024) đất nước này ghi nhận 317.000 trường hợp mắc. Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, trong năm 2024 Việt Nam ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong (số mắc giảm 17,9% so với năm 2023, số tử vong tăng 5 trường hợp). 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm mùa và các dịch bệnh truyền nhiễm khác có hiệu quả, không để bùng phát thành dịch lớn và tử vong trên địa bàn thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ động tham mưu Sở Y tế chỉ đạo một số nội dung. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát tại cộng đồng. Đồng thời, chủ động phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng để phát hiện tác nhân gây bệnh, phân tích, đánh giá nguy cơ và đề xuất, triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời; chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời; tăng cường truyền thông phòng bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ. Với Trung tâm Y tế các quận, huyện và thành phố Thủy Nguyên chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm khác như: cúm mùa, cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), COVID-19, bệnh tay chân miệng, sốt phát ban, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu…; đề nghị người dân thực hiện tốt thông điệp “2K” (khẩu trang, khử khuẩn), nhất là tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người; chủ động tiêm vaccine phòng, chống bệnh cúm mùa và vệ sinh tay chân sạch sẽ. 

Đối với các đơn vị điều trị, Sở Y tế chỉ đạo tổ chức tốt việc phân luồng khám bệnh, chuẩn bị đủ giường bệnh, các phương tiện điều trị, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó, lưu ý với các trường hợp có nguy cơ cao (người mắc bệnh nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...); dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị vật tư..., sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, hạn chế tối đa trường hợp tử vong. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ các đơn vị làm công tác dự phòng trong giám sát dịch bệnh. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập