Giám sát thực thi về bảo vệ môi trường: Phòng ngừa, giảm thiểu vi phạm

05:01 CH 15/09/2024

 

Sở Tài nguyên- Môi trường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng. Ảnh: TRUNG KIÊN

 

(HPĐT)- 5 năm trở lại đây, trên địa bàn thành phố không xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường diện rộng. Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự phản ánh thực tế ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

 

Kiểm tra ra sai phạm

Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử phạt Công ty CP đầu tư bất động sản Minh Phương với số tiền 1,1 tỷ đồng vì hệ thống xử lý nước thải của công ty không bảo đảm theo quy định. Đầu năm 2024, UBND thành phố tiếp tục xử phạt doanh nghiệp này 752 triệu đồng với các hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung quan trắc nước thải công nghiệp định kỳ và hành vi xả nước thải với nồng độ chất thải (Coliform, BOD5, COD, Amoni, TSS) vượt quy chuẩn cho phép. Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Đỗ Thị Hương cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cơ bản có bước chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Hầu hết doanh nghiệp đều đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải, tăng cường trồng cây xanh, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn và chủ động quản lý chất thải. Tuy nhiên, một số chủ doanh nghiệp chưa thực sự ưu tiên phát triển bền vững, việc đầu tư các công trình xử lý chất thải như hệ thống xử lý nước thải, khí thải còn mang tính hình thức, dẫn đến hiệu quả xử lý không tốt; cập nhật không kịp thời những quy định về pháp luật bảo vệ môi trường, chưa thực sự quan tâm đến quản lý chất thải rắn dẫn đến vi phạm về bố trí khu vực, thiết bị lưu giữ, chuyển giao chất thải chưa chặt chẽ trong biên bản bàn giao, chứng từ xử lý chất thải nguy hại ...., dẫn đến nhiều lần bị xử phạt, điển hình như doanh nghiệp nêu trên.

Từ năm 2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 32 tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, với số tiền 1,88 tỷ đồng và yêu cầu các tổ chức vi phạm khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra theo quy định; tham mưu UBND thành phố ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 tổ chức, với số tiền 2,1 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện 211 vụ việc; kết thúc 195 vụ; trong đó xử phạt vi phạm hành chính 178 vụ việc, với tổng số tiền phạt 4,7 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, việc kiểm tra, kiểm soát công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ; đồng thời tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức doanh nghiệp.

 

Đa dạng hình thức giám sát thực hiện

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Thuấn, việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp có hoạt động xả thải được Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá tổng hợp từ nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh báo cáo hằng năm của các địa phương, doanh nghiệp, Sở chú trọng kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là vai trò giám sát, phối hợp của người dân và các cơ quan quản lý địa phương đối với doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường vận hành hiệu quả thông tin đường dây nóng, ngay khi nhận được thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân, Sở khẩn trương xử lý, phản hồi, tạo sự yên tâm, tin tưởng của người dân.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định hồ sơ môi trường, rà soát các quy định nhằm điều chỉnh danh mục các dự án khuyến khích và không khuyến khích đầu tư để chủ động sàng lọc dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Sở tăng cường thu hút đầu tư cho sản xuất công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó Sở kịp thời điều tra, xử lý và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường, nhất là các trường hợp được thanh tra, kiểm tra nhưng không không khắc phục theo kết luận thanh tra, kiểm tra. Sở nghiên cứu quy định ứng dụng, sử dụng hệ thống camera an ninh phạt nguội các hành vi vi phạm môi trường, đổ trộm rác thải. Sự chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát thực hiện là biện pháp để doanh nghiệp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; giảm dần số lượng và mức độ vi phạm..

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập