Phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết: Chung tay giữ vệ sinh môi trường

08:34 CH 11/08/2024

 

Nhân viên Trung tâm y tế huyện An Dương phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy để ngăn chặn sự bùng phát dịch sốt xuất huyết.

 

(HPĐT)- Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh tại thành phố Hải Phòng với sự gia tăng đột biến số ca bệnh. Tính đến đầu tháng 8, số ca bệnh đã vượt qua 8000 ca, cao hơn nhiều lần cùng kỳ năm trước mặc dù chưa vào đỉnh dịch. Hiện, biện pháp phòng bệnh chủ yếu, hiệu quả nhất vẫn là cộng đồng cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường chung quanh khu vực sinh sống.

Theo số liệu cập nhật tình hình dịch bệnh hằng ngày của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (Sở Y tế), tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến ngày 5-8 trên toàn thành phố là hơn 8.000 ca. Đã có 14/15 quận, huyện ghi nhận có ổ dịch SXH. Các quận, huyện có số ổ dịch đang hoạt động cao là: Lê Chân, Hải An, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Kiến An, An Dương. Riêng quận Lê Chân là địa bàn có số ca bệnh nhiều nhất thành phố với hơn 4.000 ca. Người bệnh tại đây đủ mọi lứa tuổi đang nằm điều trị tại nhiều cơ sở y tế trong thành phố.

Gia đình chị Nguyễn Thanh Hương, ở phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) có con nhỏ mới 3 tuổi, nên khi dịch SXH bùng phát, chị khá lo lắng đến sức khỏe của con. Buổi chiều khi đón con ở trường về, chị thường cho cháu chơi trong nhà đóng kín các cửa, bật điều hòa. Anh chị đã mua thuốc chống muỗi đốt để trong nhà và trang bị các dụng cụ, hóa chất diệt muỗi, côn trùng xịt chung quanh nơi ở. Mọi người trong gia đình cũng tích cực thay phiên nhau dọn dẹp sân vườn thoáng đãng hơn để tránh việc tạo môi trường cho muỗi sản sinh. “Hàng xóm đã có người bị bệnh, bên cạnh đó chung quanh nhà có nhiều cây cối, cống rãnh nước tù đọng, tạo môi trường cho muỗi sinh sản nên tôi rất lo lắng về khả năng bản thân và người nhà sẽ bị mắc bệnh” - chị Hương băn khoăn.

Còn chị Nguyễn Thị Minh Hường, ở phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), lần đầu tiên mắc bệnh SXH đã trải qua các cơn sốt cao chưa từng thấy, toàn thân nhức mỏi và khó thở. Nguồn gây bệnh chị không biết chính xác nhưng khu vực chợ Đôn Niệm, nơi chị đang sinh sống là một điểm nóng dịch bệnh của quận Lê Chân. Chị cho biết, tại chợ Đôn Niệm, nhiều tiểu thương bán thực phẩm vẫn có thói quen tích nước trong các xô chậu lâu ngày. Có chum vại để quên, nước bên trong đã chuyển màu đen xuất hiện nhiều lăng quăng, bọ gậy nở ra muỗi truyền bệnh SXH.

Ths.bs Vũ Thị Yến Minh, Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Phòng (CDC Hải Phòng) cho biết: SXH do muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) cắn người nhiễm bệnh, truyền virus Dengue sang những người khác và có thể gây tử vong. Thời tiết đang vào đợt nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi phát triển của véc tơ truyền bệnh SXH trong cộng đồng. Đến nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì thế, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Là địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, nhiều khu nhà trọ, huyện An Dương cũng ghi nhận thêm nhiều ca SXH mới. Giám đốc Trung tâm y tế huyện An Dương, BSCK2 Phạm An Hiện cho biết: Thực tế, hoạt động phun hóa chất diệt muỗi tại một số địa phương gặp nhiều khó khăn do người dân đi làm vắng nhà hoặc từ chối phun do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, việc tồn tại một số khu đất hoang không người ở, kèm theo điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH Dengue phát triển. Mặt khác, một số chính quyền địa phương chưa kịp thời vào cuộc, bỏ qua thời điểm vàng để phòng bệnh hiệu quả dẫn tới việc để số ca mắc tăng mạnh.

 Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, ngày 6-8, UBND thành phố đã họp các lãnh đạo ban ngành chuyên môn, huy động các nguồn lực kịp thời ứng phó hiệu quả với dịch SXH Dengue nhằm giảm thiểu các trường hợp mắc, biến chứng, tử vong. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.

 Theo BSCKII Đồng Trung Kiên, Phó giám đốc phụ trách CDC Hải Phòng, ý thức của người dân rất quan trọng trong việc giảm thiểu dịch bệnh lan truyền. Tại Hải Phòng chưa có ca tử vong về bệnh SXH nên mọi người thường chủ quan, lơ là trong việc này. Vẫn còn một bộ phận người dân chưa chủ động kiểm tra, phát hiện và diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt chung quanh nhà, các chum vại không được xúc rửa, dẫn đến muỗi đẻ trứng và phát triển. Để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân, các địa phương, cơ quan chức năng phải tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân nắm hiểu thông tin về dịch bệnh và thực hiện phòng chống. Với những giải pháp đồng bộ từ chuyên môn đến tuyên truyền, ý thức của người dân trong phòng dịch bệnh sẽ được nâng lên. Từ đó, bệnh SXH sẽ được khống chế và giảm thiểu số ca mắc trong cộng đồng.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập