Phụ nữ Hải Phòng với khởi nghiệp xanh
(HPĐT)- Hưởng ứng cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh" năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố phát động từ tháng 12-2023, nhiều hội viên phụ nữ tại các quận, huyện tích cực tham gia với những dự án, ý tưởng phát triển kinh tế xanh bền vững, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Những dự án thiết thực
Lọt vào vòng chung kết của cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo- Chuyển đổi số- Chuyển đổi xanh" năm 2024 do Hội LHPN thành phố phát động, Dự án “Đánh thức những cánh đồng bỏ hoang, cải tạo đất bạc màu, tạo nguồn lương thực hữu cơ” là ý tưởng được ấp ủ từ lâu của chị Nguyễn Thị Kim Yến, thôn Đào Yêu, xã Hồng Thái (huyện An Dương). Xuất phát từ thực trạng đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang ngày càng nhiều ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố trong khi nhu cầu về sản phẩm lúa gạo hữu cơ tăng cao, chị Yến quyết định rời công việc kế toán ổn định để cùng gia đình "đánh thức những cánh đồng bỏ hoang”. Theo đó, chị đầu tư hơn 800 triệu đồng mua thiết bị flycam và máy móc bắt tay vào việc đưa trở lại sản xuất lương thực hữu cơ. Sản phẩm chị trồng là các giống lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP. Khởi động từ cuối năm 2021, đến nay chị Yến phủ xanh được hơn 40 mẫu ruộng bỏ hoang tại xã Bắc Sơn (huyện An Dương) và 50 mẫu ở xã Chiến Thắng (huyện An Lão). Năng suất mỗi vụ đạt 2,5 tạ/sào, cho lợi nhuận hơn 500 nghìn đồng/sào. Lúc cao điểm, chị huy động hơn 10 lao động cùng máy móc thiết bị hiện đại để canh tác. “Tham gia cuộc thi tôi mong muốn lan tỏa ý tưởng của mình rộng rãi ra cộng đồng, cùng chung tay khai thác sử dụng đất sản xuất nông nghiệp thật hiệu quả, bảo vệ môi trường", chị Yến chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Phương Châm, ở thôn Xuân Úc, xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thuỵ) cũng mang đến vòng chung kết cuộc thi Dự án “Sản xuất mỹ phẩm từ thảo dược thiên nhiên” với việc sử dụng các nguyên liệu thảo dược thiên nhiên phong phú và đa dạng của Việt Nam để sản xuất mỹ phẩm, thay thế cho các nguyên liệu hóa học có hại cho môi trường. Các sản phẩm dầu gội, sữa tắm của công ty chị có thương hiệu Chavigreen đều được sản xuất từ các loại thảo dược quý của nước ta, như bồ kết, sả, gừng, chanh, lá trà xanh, mướp đắng… Sau đó được cô đặc bằng máy móc hiện đại giúp bảo đảm an toàn vệ sinh và nâng cao năng suất lao động. Hiện tại Chavigreen đã tiếp cận thị trường bán buôn, bán lẻ trong và ngoài nước, có 1 nhà phân phối tại Hà Nội và hơn 30 đại lý, cộng tác viên online trên toàn quốc. Chị Châm cho biết dự án khởi nghiệp tại chính quê hương góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, vì là doanh nghiệp khởi nghiệp nên còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Chị Châm mong muốn qua cuộc thi sẽ nhận được sự hỗ trợ về vốn, hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, công nghệ, hỗ trợ về truyền thông, xây dựng thương hiệu cũng như đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng khởi nghiệp.
Tại vòng chung kết cuộc thi có 8 dự án/ý tưởng khởi nghiệp có khả năng khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số… để hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi sự kinh doanh của phụ nữ thành phố, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Tiếp thêm sức mạnh
Cuộc thi trên phát động nhằm tôn vinh những sáng kiến xuất sắc trong việc cải thiện quy trình sản xuất; ý tưởng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ mới sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm thân thiện với môi trường... Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ nữ về kinh tế xanh. Cuộc thi thu hút sự tham gia của hơn 500 cán bộ, hội viên Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố.
Phó chủ tịch Hội LHPN huyện An Dương Trịnh Thị Bích Ngọc cho biết: Hưởng ứng cuộc thi, Hội LHPN huyện An Dương tích cực tuyên truyền, vận động, khích lệ, hỗ trợ hội viên, phụ nữ, các hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ có các ý tưởng, dự án khởi sự kinh doanh hoặc khởi nghiệp; có các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng tham gia cuộc thi. Đây là cơ hội để phụ nữ thành phố Cảng phát huy mạnh mẽ tài năng, sức sáng tạo của mình, vươn lên làm giàu. Các cấp Hội LHPN luôn đồng hành chị em trên suốt hành trình khởi nghiệp sáng tạo, khích lệ, động viên, truyền cảm hứng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, tìm kiếm các chuyên gia tư vấn.
Thời gian tới, để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả, Hội LHPN huyện tiếp tục bám sát chỉ đạo từ Hội LHPN thành phố, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của thành phố về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tuyên truyền vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế; hỗ trợ các điều kiện để các mô hình tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo đổi mới và phát triển trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, đăng ký sở hữu các sản phẩm đặc sản OCOP của địa phương… Qua đó để tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ thành phố vững bước khởi nghiệp, góp phần xây dựng thành phố xanh, văn minh, hiện đại.