Tổ chức đào tạo nghề lao động nông thôn: Cần phối hợp linh hoạt, liên kết chặt chẽ

09:44 SA 19/11/2024

(HPĐT)- Theo Kế hoạch số 143 của UBND thành phố, trong quý 3, quý 4 năm nay, khoảng 500 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp miễn phí. Ngoài ra, sau khi học nghề, ít nhất 85% số người học nghề được hỗ trợ có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, việc triển khai mở lớp đào tạo nghề dành cho lao động nông thôn ở các huyện chưa đồng đều, đòi hỏi sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền và động viên người lao động tham gia.

 

Lao động trên địa bàn huyện An Lão tham gia các lớp đào tạo kỹ năng chăm sóc hoa, cây cảnh.

 

Nơi dễ, chỗ khó 


Theo Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Lãng Hoàng Thị Thuý, tháng 9-2024, Phòng phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 3 lớp dạy nghề trồng hoa, cây cảnh. Mỗi lớp khoảng 35 học viên là lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ bị mất việc làm, người chấp hành xong án phạt tù, trở về cộng đồng… trên địa bàn huyện, có mong muốn được bồi dưỡng, trang bị thêm kỹ năng về trồng trọt, nâng cao năng suất cây trồng đăng ký tham gia. 


Tuy nhiên, ở một số địa phương khác, việc mở lớp đào tạo nghề đối với lao động nông thôn không dễ dàng. Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Dương Nguyễn Văn Đáng thông tin: Phòng đã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện xây dựng kế hoạch tuyển sinh, thông báo rộng rãi về việc mở lớp dạy nghề miễn phí dành cho lao động nông thôn từ cuối tháng 8-2024. Nhưng đến nay, Trung tâm báo cáo Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chưa mở được lớp do chưa có người đăng ký. Một trong những yếu tố khách quan tác động là trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, sẵn sàng “hút” lao động chưa qua đào tạo. 


Trong khi đó, nhiều lao động nông thôn có tâm lý “ăn xổi ở thì”, muốn đi làm sớm để có thu nhập ngay. Bà Bùi Thị Thúy, 52 tuổi, xã Đại Bản, huyện An Dương cho biết: bà từng là công nhân may tại Công ty TNHH P.I.T Vina, nhưng vì là lao động phổ thông, thời điểm cuối năm 2023, bà Thuý mất việc. Từ đó, đến nay, bà vẫn có nguyện vọng nộp hồ sơ ứng tuyển, làm việc trong các doanh nghiệp hoặc nhận công việc thời vụ để có thu nhập ngay, thay vì đăng ký học các lớp trồng hoa, cây cảnh hoặc dạy nghề may công nghiệp để có chứng chỉ nghề sơ cấp…

 

Linh hoạt trong phối hợp 


Hiện, công tác đào tạo nghề dành cho lao động nông thôn thu hút nhiều đơn vị, tổ chức tham gia, với cơ cấu ngành nghề khá phong phú. Giám đốc Trung tâm đào tạo phát triển kinh tế hợp tác xã và doanh nghiệp (Liên minh hợp tác xã thành phố) Phạm Sỹ Hiệp thông tin: cuối tháng 9-2024, Trung tâm phối hợp Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) mở 2 lớp đào tạo nghề hoa, cây cảnh dành cho 50 học viên của làng nghề Mông Thượng (xã Chiến Thắng, huyện An Lão). Để có kết quả này, Trung tâm thông tin cụ thể về lịch trình lớp học (số ngày học lý thuyết, thực hành tại lớp, thực hành trực tiếp tại cơ sở sản xuất), để học viên bố trí, sắp xếp thời gian tiếp cận kiến thức về: một số mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ trồng hoa cây cảnh trong nhà kính, nhà lưới, xử lý một số loại sâu bệnh thường gặp, tìm hiểu nhu cầu thị trường, quảng bá sản phẩm… Việc tổ chức lớp dạy nghề tập trung tại một địa phương, tạo thuận lợi cho người học đi lại, trao đổi kinh nghiệm. 


Còn tại huyện Cát Hải, sự đa dạng của các lớp đào tạo nghề cũng góp phần thu hút người học. Phòng Lao độngThương binh và Xã hội huyện phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 4 lớp dạy nghề dành cho lao động nông thôn (2 lớp kỹ thuật chế biến món ăn, 2 lớp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn). Dự kiến cuối tháng 11 này, có 1 lớp dạy kỹ thuật nuôi ong dành cho lao động xã Phù Long, Xuân Đám và 1 lớp dạy mô hình nuôi gà Liên Minh được khai giảng. Nhiều địa phương khác lại vận dụng linh hoạt cơ chế đặt hàng của UBND huyện để giải quyết “bài toán” thu hút người học. Tại huyện Thủy Nguyên cũng có đổi mới trong đào tạo nghề. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thủy Nguyên Nguyễn Thị Cẩm cho biết: thời gian qua, Trung tâm tổ chức được 2 lớp đào tạo nghề cho 70 lao động nông thôn, trong đó 1 lớp dạy nghề may công nghiệp và 1 lớp dạy nghề móc thủ công. Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Huyền, để “gỡ khó” cho hoạt động đào tạo nghề của lao động nông thôn, Sở tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề của thành phố dành cho lao động nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hình thức lan tỏa trên mạng xã hội. Mặt khác, Sở tiến hành kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện của các đơn vị, địa phương để báo cáo UBND thành phố, đồng thời theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn sau đào tạo. Từ đó, tham mưu UBND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, hỗ trợ lao động nông thôn sau đào tạo nghề tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập