Triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng nông thôn: “Chìa khóa” để giảm nghèo

10:31 CH 06/12/2024

(HPĐT)- Năm 2024, UBND thành phố bố trí kinh phí gần 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo nghề dành cho lao động nông thôn và thực hiện các chính sách đào tạo khác trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm mức giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn.

 

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lãng phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức hướng dẫn nghề trồng trọt cho lao động trên địa bàn.
 

Có kiến thức để sinh kế bền vững 

Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2024, trên địa bàn thành phố có hơn 900 người thuộc hộ cận nghèo, gần 2.400 người thuộc hộ nghèo ở nông thôn không có kiến thức về sản xuất, kỹ năng lao động... Tỷ lệ lao động nông thôn không có kỹ năng nghề cơ bản còn cao. Không ít hộ sở hữu diện tích đất khá rộng, nhưng không có kiến thức, kỹ năng canh tác nên khó cải thiện kinh tế hộ. Anh Nguyễn Văn Kha, 49 tuổi, ở thôn Chùa Dưới, xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) cho biết: công việc chài lưới thu nhập bấp bênh nên anh muốn chuyển đổi nghề. Gia đình có gần 1 nghìn m2 đất không canh tác, anh dự định trồng cây thanh long, nhưng chưa có kiến thức, kỹ năng chăm sóc cây trồng. Anh Kha mong được tham gia các lớp đào tạo nghề về trồng trọt, nâng cao năng suất. 

Phần lớn lao động nông thôn vẫn trăn trở nỗi lo sinh kế, vì có thu nhập ổn định mới mong thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Gần, 39 tuổi, ở thôn 8, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) cho biết: chị mới tốt nghiệp THCS, chưa có kỹ năng nghề thành thạo nên chị làm thời vụ ở các công trường xây dựng, thu nhập không ổn định. Chị mong muốn được học nghề may để có thể nhận gia công sản phẩm làm tại nhà, có thu nhập ổn định hơn, mong thoát nghèo bền vững. 

Trên cơ sở khảo sát, nhu cầu nguyện vọng của lao động nông thôn, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội) Nguyễn Thị Ngân cho biết: Phòng đề xuất lãnh đạo Sở tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức, phân bổ kinh phí mở lớp đào tạo nghề đối với các trường hợp lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách… Các lớp đào tạo nghề phù hợp đặc thù phát triển kinh tế, sản xuất của địa phương. Đơn cử, lao động tại huyện Tiên Lãng sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp, trồng rau hữu cơ, kỹ thuật trồng khoai tây… Tại huyện Cát Hải, các lớp dạy nghề chế biến món ăn dành cho lao động nông thôn được khai giảng; còn tại huyện Thủy Nguyên, các lớp đào tạo nghề may thủ công, móc công nghiệp…, được tổ chức với quy mô khoảng 35 người/lớp.

Tăng hỗ trợ trong và sau đào tạo 

Trong giai đoạn 2018-2022, gần 13.700 lao động nông thôn trên địa bàn thành phố được hỗ trợ đào tạo nghề. Nhưng năm 2023, chỉ có 315 người ở khu vực này tham gia học nghề, trong đó, 117 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 37%. Do đó, để thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề cần có cách làm phù hợp hơn. Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tiên Lãng Bùi Thị Thu thông tin, Trung tâm phối hợp UBND các xã để tuyển sinh hơn 100 học viên tham gia 3 lớp đào tạo nghề trồng khoai tây, bầu, bí… tại các xã Tiên Cường, xã Đoàn Lập. Để thu hút được lao động tại địa phương tham gia, Trung tâm tăng cường phối hợp UBND các xã, các tổ chức đoàn thể tại địa phương để tuyên truyền về chính sách ưu đãi khi học nghề của thành phố, nâng cao nhận thức, động viên, khích lệ ý chí làm giàu trên đồng đất quê hương. Đồng thời, việc lựa chọn địa điểm, ngành nghề đào tạo cũng được Trung tâm cân nhắc, lựa chọn bảo đảm sự phù hợp. 

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên Uông Minh Long, UBND huyện giao nhiệm vụ và phân bổ kinh phí đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo chính sách khác theo cơ chế đặt hàng đào tạo. Mặt khác, UBND huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chủ trì thực hiện kiểm tra, lưu trữ danh sách lao động nông thôn và đào tạo chính sách khác đăng ký hỗ trợ học nghề và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình kịp thời bảo đảm chính sách hỗ trợ đúng người, đúng diện thụ hưởng, thiết thực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. 

Với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, theo Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, năm 2024, UBND thành phố phê duyệt kinh phí hỗ trợ gần 1,4 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và một số chi phí khác đối với gần 500 lao động nông thôn. UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương hỗ trợ để sau khi học nghề có từ 85% số người lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Đồng thời, thời gian tới, các sở, ngành liên quan chủ động tham mưu UBND thành phố trong thực hiện các phương pháp mới trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ… Nhất là xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn, góp phần nâng cao đời sống của người dân ở khu vực nông thôn. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập