Tuyên truyền pháp luật tới người lao động: Đa dạng hình thức, thiết thực nội dung

12:12 CH 13/10/2024

(HPĐT)- Nội dung ngắn gọn, thiết thực, hình thức đa dạng, kết hợp nhiều hoạt động… là cách tổ chức các cuộc tuyên truyền pháp luật tới cán bộ công đoàn, công nhân, lao động hiện nay mà các cấp công đoàn đang thực hiện. Nhiệm kỳ 2023-2028, các cấp công đoàn phấn đấu hằng năm có từ 80% trở lên số đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động.

 

Người lao động hào hứng tham gia phần thi "Rung chuông vàng" tìm hiểu kiến thức về pháp luật giao thông do Liên đoàn Lao động huyện Tiên Lãng tổ chức.

 

Đổi mới tuyên truyền Sáng 29-9, Hội trường Trung tâm Chính trị huyện Tiên Lãng có hơn 300 người tham gia “Ngày hội văn hóa giao thông trong công nhân, viên chức, lao động thành phố năm 2024” do Liên đoàn Lao động huyện Tiên Lãng tổ chức. Sau phần tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông là cuộc thi “Rung chuông vàng”, với sự tham gia của gần 100 đoàn viên, trả lời 20 câu hỏi về pháp luật an toàn giao thông. Trước đó, Công đoàn ngành Công Thương cũng tổ chức tuyên truyền tới cán bộ, đoàn viên công đoàn về an toàn vệ sinh lao động qua cuộc thi “Tìm hiểu công tác an toàn vệ sinh lao động”. Cuộc thi tổ chức qua 2 vòng thi loại trực tiếp, có 20 câu hỏi, với sự tham gia của 73 cán bộ, đoàn viên làm công tác an toàn vệ sinh lao động.

Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Nguyễn Công Hòa cho biết, tuy tuyên truyền pháp luật lao động thông qua các cuộc thi trực tiếp mất nhiều thời gian, công sức, phải chuẩn bị chu đáo nhiều khâu, qua nhiều ngày, nhưng bù lại, nội dung sinh động, các đoàn viên hào hứng tham gia, kiến thức, kỹ năng thu nhận được sẽ nhớ lâu, áp dụng được vào lĩnh vực đang làm việc, công tác, nhất là giúp triển khai công tác tuyên truyền pháp luật đến công đoàn cơ sở, các tổ, xưởng sản xuất tốt hơn. Còn tại Công đoàn Khu kinh tế, năm 2023, công đoàn khu và các công đoàn cơ sở tổ chức 165 cuộc tuyên truyền tập trung cho hơn 41 nghìn người lao động. Nội dung tuyên truyền tập trung về pháp luật lao động, phòng chống ma túy, tội phạm, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy…

 

6 tháng đầu năm 2024, LĐLĐ thành phố, công đoàn ngành, LĐLĐ quận, huyện tổ chức 38 cuộc tuyên truyền về pháp luật lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình… tới hơn 5.000 người tham dự.

 

Phối hợp nội dung “nhiều trong một”

Thực tế công nhân, lao động rất cần tuyên truyền pháp luật để nâng cao hiểu biết. Bởi đặc thù đi làm trung bình 8-10 tiếng/ngày tại doanh nghiệp nên ít công nhân chủ động tìm hiểu pháp luật. Hơn nữa, tổ chức tuyên truyền pháp luật tập trung có sự tương tác giữa báo cáo viên và người lao động với các nội dung ngắn gọn, trọng tâm cũng giúp người lao động dễ tiếp thu, thực hành hơn. Để tổ chức tuyên truyền trong đoàn viên, lao động tại công đoàn cơ sở hay công đoàn cấp trên cơ sở không dễ do phụ thuộc vào lịch làm việc của các doanh nghiệp, đơn vị. Do đó, các cuộc tuyên truyền hoặc phải tổ chức vào ngày nghỉ, hoặc phối hợp doanh nghiệp tranh thủ ca làm việc. Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Tiên Lãng Nguyễn Thị Hương, khi tổ chức cuộc tuyên truyền đông người, các đơn vị cố gắng kết hợp một số nội dung thiết thực với người lao động. Như cuộc ngày hội văn hóa giao thông vừa tổ chức tại huyện, bên cạnh chương trình tuyên truyền, thi Rung chuông vàng còn kết hợp trao quà tặng nạn nhân bị tai nạn giao thông, trao hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn”… Còn các chương trình tuyên truyền pháp luật của Công đoàn ngành Công Thương thường kết hợp chương trình tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn, thay dầu xe máy miễn phí cho đoàn viên, công nhân lao động… Ngoài tổ chức tuyên truyền pháp luật tại các doanh nghiệp, còn một bộ phận công nhân nhà trọ cần được các cấp công đoàn quan tâm hơn, chủ động đưa pháp luật đến với công nhân. Điều này khó thực hiện do hầu hết phải tổ chức vào buổi tối khi công nhân tan ca làm việc, các khu trọ cũng thường chật hẹp, không có không gian dành cho nhiều người. Khắc phục khó khăn đó, Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động LĐLĐ thành phố, một số công đoàn ngành, quận, huyện cũng tổ chức được một số cuộc tuyên truyền tư vấn pháp luật nhóm nhỏ tại các khu trọ như Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động tổ chức ở một số khu trọ thuộc quận Dương Kinh và huyện An Dương. LĐLĐ Thủy Nguyên tổ chức tuyên truyền cho hơn 50 thanh niên công nhân lao động nhà trọ xã Kiền Bái về pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống ma túy.

Theo Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Lê Thị Thanh Thủy, công tác tuyên truyền pháp luật trong các cấp công đoàn gần đây có đổi mới nhưng cần sáng tạo, bứt phá hơn để hấp dẫn người lao động, xóa bỏ ấn tượng tuyên truyền khô khan, một chiều. Điều này cần sự nỗ lực của các cấp công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn thực sự cố gắng trong trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn, năng lực bản thân.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập