Xử lý các doanh nghiêp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm: Phối hợp rà soát, “gỡ vướng” để khởi kiện

06:51 CH 14/01/2024

(HPĐT)- Tính đến hết năm 2023, số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) toàn thành phố là hơn 560 tỷ đồng. Số nợ mặc dù giảm nhưng có khá nhiều doanh nghiệp nợ dài, số nợ lớn, khó đòi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Hiện khởi kiện là biện pháp mạnh nhất để xử lý các doanh nghiệp này, nhưng việc này gặp nhiều khó khăn.

 

Khó thu thập hồ sơ, xác định tội danh

 

Theo Phó giám đốc BHXH thành phố Đinh Thị Lan Hương, thời gian qua, BHXH thành phố nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đôn đốc thu nợ bảo hiểm như: tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, đề nghị đơn vị ký cam kết thực hiện lộ trình trả nợ, tiến hành thanh tra, kiểm tra… Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, song cũng còn nhiều hạn chế. Một số đơn vị, doanh nghiệp sau khi nhận quyết định xử phạt không thực hiện nộp số tiền chậm đóng bảo hiểm cũng như số tiền bị xử phạt hành chính theo quy định. Cơ quan BHXH phải tiến hành các bước xác minh tài khoản tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp để thực hiện cưỡng chế, nhưng phần lớn đều đi vào “ngõ cụt”, bởi số dư của doanh nghiệp rất nhỏ hoặc không có số dư. Phương án cuối cùng mà cơ quan BHXH kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH là khởi kiện, nhưng cũng không mấy khả quan.

 

Tại Hải Phòng, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng chưa tiến hành khởi tố được vụ việc nào đối với hành vi chây ỳ, trốn đóng BHXH. Nguyên nhân được xác định do gặp những vướng mắc, khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan. Đại diện Phòng Thanh tra Kiểm tra (BHXH Hải Phòng) cho biết: Quá trình thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như, báo cáo tài chính của đơn vị chưa sát đúng với thực trạng hoạt động của đơn vị; đơn vị không phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu... Vì vậy, cơ quan BHXH không có đủ cơ sở chính xác về hành vi vi phạm để chuyển cơ quan công an. Không những thế, để phục vụ công tác điều tra cần rất nhiều giấy tờ liên quan như: hợp đồng lao động bản chính, bảng lương, phụ cấp tất cả nhân viên của đơn vị, thu nhập tăng thêm làm cơ sở đóng BHXH, BHYT, BHTN… Trong khi những yêu cầu này nằm ngoài thẩm quyền của cơ quan BHXH. Không những thế, hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Nhiều đơn vị lấy lý do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

 

Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động (Liên đoàn Lao động thành phố) Nguyễn Quốc Khánh thông tin: Việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Luật Tố tụng dân sự. Song 4 luật này đang quy định chưa thống nhất, thậm chí mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện. Có luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có luật nêu rõ là công đoàn cơ sở; có luật bắt buộc người lao động phải ủy quyền, có luật thì yêu cầu chung. Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra tòa nhưng đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc.

 

Quyết liệt vào cuộc

 

Bước sang năm 2024, BHXH Việt Nam ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2024 tại 10 địa phương. Tại Hải Phòng, BHXH Việt Nam sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra 8 đơn vị, doanh nghiệp.

 

Đại diện Vụ Thanh tra Kiểm tra (BHXH Việt Nam) cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý các đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHXH Việt Nam chủ động rà soát, tìm đơn vị có dấu hiệu vi phạm và đề nghị BHXH các địa phương chủ động triển khai công tác kiểm tra, lập biên bản xác minh, củng cố hồ sơ ban đầu để chuyển cơ quan công an. Bên cạnh đó, về phía cơ quan công an cần hướng dẫn BHXH địa phương về hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định. Để có thể thu thập được các thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra, khởi tố, BHXH địa phương cần phối hợp lực lượng chức năng nắm bắt tình hình “sức khoẻ” doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, đưa ra nhận định, đánh giá chính xác về hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Trong các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng như: Công an, tòa án, viện kiểm sát, tổ chức công đoàn nhằm mục đích báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này.

 

Hiện nay, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH được giao cho cả Công đoàn và cơ quan BHXH. BHXH thành phố phối hợp Công an thành phố trong việc thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 216 của Bộ Luật hình sự năm 2017. Mặt khác, BHXH thành phố nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng, như đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thu ngay khi đơn vị có dấu hiệu chậm đóng; công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời thường xuyên nắm thông tin hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp, giải pháp kịp thời đối với các doanh nghiệp mới phát sinh nợ BHXH, BHTN không để nợ kéo dài hoặc nợ với số tiền lớn - Phó giám đốc BHXH thành phố Đinh Thị Lan Hương nêu rõ.