Phát huy vai trò các trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ: Cần tăng cường nguồn lực đầu tư

04:21 CH 06/04/2025

(HPĐT)- Từ đầu năm 2024 đến nay, các trạm, điểm sơ, cấp cứu Chữ thập đỏ hỗ trợ sơ, cấp cứu tại chỗ hơn 700 ca, vận chuyển gần 100 ca lên tuyến trên. Hoạt động hiệu quả của các trạm, điểm sơ, cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ thành phố góp phần đáng kể làm giảm bớt thương vong, giúp người bị nạn được cấp cứu ngay trong “thời điểm vàng”. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì, lan tỏa hoạt động sơ, cấp cứu dựa vào cộng đồng cần sự đầu tư kinh phí, vật tư đối với các trạm, điểm này.

 

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ thành phố trao đổi về thực hiện hoạt động sơ, cấp cứu tại Trạm Y tế xã Quang Trung (huyện An Lão).

 

Ứng cứu kịp thời 

Khoảng 6 giờ sáng, ngày 15-2, chị Nguyễn Thị Minh Thư (phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng) tham gia giao thông, xảy ra va chạm với xe máy lưu thông cùng chiều, khiến chị choáng ngất, chảy máu ngoài da. Nhận được tin báo của người dân, đội ngũ tình nguyện viên trực tại Điểm sơ, cấp cứu Quán Toan nhanh chóng có mặt, hỗ trợ người bị nạn băng bó vết thương và chuyển người bị nạn đến Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp để làm các xét nghiệm chuyên sâu. Trung bình mỗi tháng, điểm sơ, cấp cứu Quán Toan thực hiện khoảng 150 ca sơ cứu tại chỗ, giúp người bị nạn trong sinh hoạt, tai nạn giao thông... 

Bác sĩ CK1 Vũ Văn Hiên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Quang Trung, huyện An Lão thông tin, vị trí của Trạm y tế khá gần quốc lộ 10 nên khi bố trí điểm sơ, cấp cứu Chữ thập đỏ tại đây khá thuận lợi vì trạm sẵn nhân lực. Mặt khác, các bác sĩ, y sĩ thuận lợi có mặt, sớm tiếp cận người bị nạn. 3 tháng qua, trạm hỗ trợ sơ, cấp cứu 6 trường hợp, trong đó, 3 trường hợp bị tai nạn giao thông. Qua đó, giúp người bị nạn, tránh được nguy cơ tử vong hoặc giảm được mức độ nghiêm trọng trước khi chuyển tới các cơ sở y tế. 

Hiện, toàn thành phố có 22 trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ. Các trạm điểm sơ, cấp cứu này được hình thành linh hoạt trên cơ sở tận dụng địa điểm Trạm y tế xã, phường hoặc kết hợp chức năng của một số phòng khám đa khoa (Phòng khám đa khoa Bình Dân, Phòng khám bệnh- cấp cứu nhân đạo Chữ thập đỏ Quán Toan, Phòng khám đa khoa Đức Duy). Thông thường, các trạm, điểm sơ cấp cứu được bố trí gần các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, khu dân cư và có từ 4-6 nhân lực, sẵn sàng tiếp nhận thông tin sơ cấp cứu kịp thời các vụ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Các trạm, điểm sơ, cấp cứu Chữ thập đỏ đều được trang thiết bị, dụng cụ để phục vụ cho sơ cấp cứu như: cáng, nẹp, băng gạc y tế, túi cứu thương… Theo thống kê năm 2024, các trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ đã sơ, cấp cứu gần 700 ca, trong đó, 597 ca sơ, cấp cứu tại chỗ và 78 ca vận chuyển lên tuyến trên. Riêng quý 1 năm nay, các trạm, điểm sơ, cấp cứu Chữ thập đỏ thực hiện 52 ca sơ, cấp cứu tại chỗ, 12 ca vận chuyển lên tuyến trên.

Tăng cường nguồn lực, đầu tư kinh phí 

Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng các trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ còn hạn chế về mặt bằng, địa điểm, cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế; mạng lưới trạm, điểm sơ cấp cứu chưa rộng khắp…Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Hải An Vũ Thị Minh Hương thông tin: Quận Hội khảo sát và nhận thấy việc thiết lập điểm sơ, cấp cứu tại tuyến đường 356 ra Cảng Đình Vũ là cần thiết vì đây là "điểm đen" tai nạn giao thông. Tuy nhiên, dọc tuyến đường là đất thuộc quản lý của doanh nghiệp, các trạm y tế lân cận có khoảng cách khá xa nên Quận Hội chưa tìm được địa điểm hợp lý để bố trí điểm sơ, cấp cứu. 

Còn Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Đồng (quận An Dương) Vũ Thị Huấn cho biết: Điểm sơ cấp cứu An Đồng được thành lập, duy trì hoạt động 14 năm qua, trung bình mỗi năm sơ, cấp cứu từ 30-50 trường hợp gặp nạn trên đường. Trước đây, điểm có gần 20 tình nguyện viên ứng trực thường xuyên, nhưng nay chỉ có 6 người, nhưng không có thù lao hay kinh phí đi lại đối với tình nguyện viên, vật tư y tế như: bông, băng, nẹp… chủ yếu dựa vào vận động xã hội hóa nên khó bền vững. Do đó, tôi đề xuất Thành Hội hỗ trợ kinh phí thường niên để Điểm sơ, cấp phường An Đồng nguồn lực vật tư y tế dồi dào, thường xuyên hơn. 

Hiện, Hội Chữ thập đỏ duy trì hệ thống hơn 1.200 cán bộ, hội viên và tình nguyện viên Chữ thập đỏ được đào tạo thuần thục các kỹ năng về sơ cấp cứu, tải thương, được bố trí ứng trực tại các trạm, điểm sơ cấp cứu, các trường đại học và cộng đồng. Thành Hội tăng cường tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho tình nguyện viên các trạm sơ, cấp cứu theo hướng chuyên nghiệp, linh hoạt, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sơ, cấp cứu. Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Bùi Mạnh Phúc: Để phát huy hiệu quả hoạt động sơ, cấp cứu trên địa bàn thành phố nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, Hội Chữ thập đỏ thành phố tiếp tục bổ sung nguồn lực trang, thiết bị y tế tại các trạm, chốt sơ, cấp cứu để tình nguyện viên tích cực thực hành; tổ chức hội thi sơ, cấp cứu định kỳ để đánh giá, bổ sung kỹ năng của tình nguyện viên. Đồng thời, Hội tích cực triển khai các lớp tập huấn sơ cấp cứu đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, trường học... để bổ sung lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ trạm, sơ cấp cứu từ cộng đồng”. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập