Bảo đảm an toàn lao động mọi lúc, mọi nơi

10:49 SA 11/04/2025

(HPĐT)- Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), năm 2024, toàn quốc xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.472 người bị nạn, trong đó 675 vụ TNLĐ làm chết 727 người, tăng 13 vụ, 28 người so với năm 2023. Thiệt hại về vật chất do TNLĐ như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường gia đình người chết và những người bị thương... tới hơn 42.565 tỷ đồng (tăng hơn 26.200 tỷ đồng so với năm 2023); thiệt hại về tài sản hơn 492 tỷ đồng (giảm khoảng 230 tỷ đồng). Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là 154.759 ngày (tăng khoảng 5.000 ngày so với năm 2023). Đây là những con số đáng “giật mình”, cho thấy tình hình TNLĐ diễn biến phức tạp, nguyên nhân do cả khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan do nhiều người lao động, người sử dụng lao động chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ khi làm việc.

Tại Hải Phòng, năm 2024 xảy ra 23 vụ TNLĐ làm 23 người chết, trong đó 13 vụ tai nạn giao thông được xác định hưởng chế độ TNLĐ, tăng 10 vụ và 10 người so với năm 2023. Hải Phòng cũng là 1 trong 9 địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trên cả nước, cùng thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh… Đại diện Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho rằng, đây là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, sử dụng số lượng lao động lớn, tình hình giao thông phức tạp. Theo xu hướng phát triển, các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng thêm các khu công nghiệp mới, số lượng lao động sẽ không ngừng tăng lên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động kéo theo TNLĐ gia tăng nếu không phòng ngừa hiệu quả. 

Vì thế, việc bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống TNLĐ phải thực hiện hằng giờ, hằng ngày trong từng cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị. Năm nay, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động có chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. UBND thành phố, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố sớm ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng. Theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động cao điểm về tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện an toàn lao động; thành lập, kiện toàn mạng lưới an toàn vệ sinh viên nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, người sử dụng lao động; phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, hệ thống công đoàn phối hợp chính quyền đồng cấp, các doanh nghiệp tổ chức đối thoại, giải đáp chính sách, vướng mắc trong công tác an toàn vệ sinh lao động nhằm thúc đẩy việc thực hiện pháp luật an toàn, vệ sinh lao động đi vào nền nếp, hiệu quả. Tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, các hội thi tìm hiểu pháp luật, thi sáng kiến về an toàn, vệ sinh lao động, cũng như các hoạt động thăm hỏi và tặng quà nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Tại lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân 2025 (tổ chức vào cuối tháng 4), cũng sẽ có các hoạt động khen thưởng, biểu dương các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, không để xảy ra TNLĐ. 

Bảo đảm an toàn lao động, hạn chế thấp nhất TNLĐ xảy ra là yêu cầu cấp thiết, cần thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh sự chỉ đạo của thành phố, sự tham gia tích cực của tổ chức công đoàn, cần nhất là sự nghiêm túc của mọi doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và người lao động trong thực hiện an toàn lao động, để trước hết bảo vệ an toàn cho bản thân, ngăn ngừa thiệt hại về người, về của cho mỗi gia đình, doanh nghiệp, đơn vị và xã hội.
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập