Nỗ lực mở rộng không gian phát triển

10:09 SA 09/04/2025

(HPĐT)- Tuần qua, hai bến cảng số 5, 6 Khu bến cảng Lạch Huyện do Tập đoàn Hateco đầu tư được đưa vào hoạt động chính thức. Với tổng vốn đầu tư gần 9 nghìn tỷ đồng, hoàn toàn do nhà thầu trong nước thi công, hoạt động theo mô hình cảng xanh, cảng thông minh, Cảng Container Quốc tế Hateco Hải Phòng có diện tích gần 73 ha, bến chính dài 900 m và bến xà lan 300 m, công suất đạt 2,2 triệu TEU/năm, là cảng nước sâu lớn nhất, hiện đại nhất miền Bắc hiện nay. Cùng với đó, bến số 3 do Công ty CP Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Từ Lạch Huyện, tàu trọng tải lớn có thể đi và đến trực tiếp từ Hải Phòng tới các thị trường Mỹ, châu Âu, giảm bớt phải trung chuyển tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, từ đó góp phần giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt. 

Như vậy, với việc đưa vào hoạt động đồng loạt nhiều bến cảng lớn, quy mô hiện đại giúp Lạch Huyện không chỉ trở thành cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc, mà còn đưa Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại với hạt nhân là cảng biển cửa ngõ quốc tế. Qua đó thêm khẳng định năng lực của cảng biển Việt Nam trong chuỗi logistics quốc tế, góp phần thúc đẩy giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế cho miền Bắc cũng như cả nước; khẳng định Hải Phòng đang nỗ lực thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chủ đề năm 2025 đề ra là “mở rộng không gian kinh tế, đô thị” và đang đạt kết quả rõ rệt. 

Bên cạnh các bến cảng tại Lạch Huyện, trong 3 tháng đầu năm, thành phố tập trung thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông, kinh tế khác như khởi công xây dựng đường vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; tiếp tục triển khai tuyến đường cao tốc ven biển; tháo gỡ vướng mắc cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư… Thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai các nhiệm vụ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó chủ động dành nguồn ngân sách thành phố gần 11 nghìn tỷ đồng đóng góp kinh phí thực hiện đoạn tuyến qua Hải Phòng. Sự chủ động của thành phố được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, càng khẳng định nỗ lực, quyết tâm của thành phố nắm bắt cơ hội để Hải Phòng phát triển bứt phá hơn vì cả nước. 

Để mở rộng không gian kinh tế, tạo động lực phát triển mới, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, UBND thành phố lập nhiệm vụ Quy hoạch chung. Đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ Quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng đến năm 20245, báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố trước khi trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố cũng hoàn thiện hồ sơ trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư 4 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.276 ha, gồm: Vinh Quang (giai đoạn 1); Tràng Duệ 3; Nam Tràng Cát; Nomura - Hải Phòng (giai đoạn 2). Đây là cơ sở để thành phố tiếp tục đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thu hút đầu tư trong thời gian tới. 

Để giữ liền mạch tăng trưởng 2 con số và nâng cao hơn nữa trong những năm tới, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2025, trong đó tập trung mở rộng không gian kinh tế. UBND thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm những tháng tiếp theo là triển khai quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch trọng điểm, nhất là các dự án đầu tư về cảng biển, cảng hàng không, khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hạ tầng, thành phố mở rộng không gian kinh tế, phát huy lợi thế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập