Chủ động đào tạo nhân lực đáp ứng chuyển đổi xanh
(HPĐT)- Tại cuộc hội thảo “Thành phố Hải Phòng tiên phong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững” vừa diễn ra, lãnh đạo thành phố khẳng định mục tiêu phát triển Hải Phòng không chỉ trở thành địa phương vững mạnh về kinh tế mà còn có môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho người dân... Để Hải Phòng thực sự trở thành một cực tăng trưởng xanh của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đòi hỏi không chỉ chính sách đầu tư hạ tầng, thu hút FDI, mà quan trọng là phải có nguồn “nhân lực xanh” đủ về số lượng, mạnh về chất lượng và phù hợp với những đòi hỏi mới của thời đại.
Dự báo năm 2025, Hải Phòng cần khoảng 300.000 lao động để lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và đang được mở rộng; trong đó khoảng 130.000 là lao động kỹ thuật và quản lý- nhóm nhân lực đóng vai trò chủ đạo trong việc ứng dụng công nghệ xanh, quản lý quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, kiểm soát phát thải và thực hiện các chuẩn mực môi trường quốc tế. Yêu cầu này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo, với đà phát triển mới của thành phố. Chính chất lượng của nguồn nhân lực sẽ là yếu tố mang tính quyết định, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và nâng cao năng lực phát triển bền vững cho các địa phương, đặc biệt với Hải Phòng.
Nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi xanh (CĐX), ngành Giáo dục - Đào tạo đang tích cực phối hợp chặt chẽ các sở, ngành, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đổi mới nội dung, phương pháp và mô hình giáo dục, góp phần hình thành đội ngũ nhân lực xanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố. Trong đó, ngành tập trung tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức vai trò của CĐX, kinh tế xanh, phát triển bền vững trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên, dạy nghề và đại học qua việc tích hợp linh hoạt trong giảng dạy, hoạt động ngoại khóa và truyền thông nội bộ. Ngành cũng tích cực đổi mới công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh phổ thông, giúp học sinh lựa chọn ngành học phù hợp năng lực, sở thích, nhu cầu thực tiễn, ưu tiên định hướng vào các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, ngành kinh tế xanh, công nghệ cao và các lĩnh vực có tiềm năng phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường triển khai mô hình giáo dục STEAM/STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học và Nghệ thuật) nhằm phát triển tư duy logic, kỹ năng sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh; tích hợp hiệu quả các chủ đề về CĐX, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo để hình thành tư duy bền vững cho học sinh từ sớm. Ngành cũng khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi Khoa học kỹ thuật với trọng tâm là sáng kiến chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”, góp phần đào tạo công dân xanh cho tương lai; điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo, trình độ và nội dung tại các cơ sở giáo dục nghề, đại học, góp phần hình thành tư duy xanh và nâng cao năng lực thích ứng cho học sinh, sinh viên. Ngành cũng tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp xanh nhằm phối hợp trong đào tạo, thực hành, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; tích cực hợp tác, hội nhập quốc tế nhằm thu hút mô hình giáo dục tiên tiến, nhất là các lĩnh vực liên quan đến CĐX, kinh tế xanh, phát triển bền vững và chuyển giao công nghệ...
Bằng việc chủ động phân tích, đánh giá tiềm năng, xu hướng thị trường lao động để xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, sớm xây dựng chiến lược, lộ trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện phù hợp, ngành Giáo dục - Đào tạo đang nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nhằm nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mới, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển thành phố nhanh và bền vững.