Khúc hoan ca trong ngày hội non sông

05:00 CH 25/04/2024

Công nhân Cảng Hải Phòng phấn khởi đón chào ngày hội thống nhất non sông. Ảnh: Vũ Dũng

 

(HPĐT)- Từng tham gia chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những cựu chiến binh (CCB) từng "vào sinh, ra tử" một thời lại trào dâng niềm xúc động. Họ như sống lại thời khắc hào hùng của lịch sử dân tộc cách đây 49 năm về trước.

 

Vẹn nguyên niềm hân hoan ngày giải phóng

Tự hào về những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời khi được trực tiếp tham gia chiến đấu trong những ngày tháng Tư lịch sử, CCB Trần Văn Nhân, sinh năm 1955 chia sẻ: "Tôi quê ở tỉnh Nam Định, nhưng sinh ra trên thành phố Cảng, từng làm công nhân Công ty xây lắp, thuộc Cục Quy hoạch và xây dựng thành phố Hải Phòng. Tháng 12- 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi ấy tôi tròn 16 tuổi, xung phong lên đường nhập ngũ". Trải qua 3 tháng huấn luyện tại Trung đoàn 5, Sư đoàn 350, Quân khu Ba, đóng quân tại Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh), ông được điều động bổ sung vào đơn vị xe tăng của Trung đoàn 202, Bộ Tư lệnh TăngThiết giáp. "Mùa hè đỏ lửa" năm 1972, chiến sĩ xe tăng Trần Văn Nhân cùng đồng đội tham gia giải phóng nhiều địa phương trong cuộc tổng tiến công xuân- hè, sau đó chiến đấu dũng cảm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Giữa năm 1973, đơn vị ông sáp nhập với Trung đoàn 203. Tháng 5-1974, Quân đoàn 2 được thành lập, Trung đoàn xe tăng 203 được phát triển thành lữ đoàn, chiến đấu trong đội hình Quân đoàn.

Cuối năm 1971, chàng trai 23 tuổi Nguyễn Đình Bắc, sinh năm 1954, quê ở huyện An Lão, lên đường nhập ngũ, cũng huấn luyện tại Trung đoàn 5, Sư đoàn 350 ở Yên Tử. Sau đó, cùng với hàng trăm tân binh người Hải Phòng biên chế về các đơn vị quân đội trên cả nước. Ông Bắc được bổ sung về đơn vị xe tăng, tham gia chiến đấu trên các chiến trường, trong đó có Quảng Trị. Họ trở thành anh em dưới "mái nhà chung" là Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2.

Họp mặt bên chén trà thơm, hai CCB mái tóc điểm màu sương gió bồi hồi nhớ lại: Tháng 2-1975, nhận lệnh tiến về giải phóng miền Nam, Lữ đoàn 203 chia làm 2 cánh quân: Cánh thứ nhất gồm Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 đánh thẳng vào Đà Nẵng; cánh thứ hai là Tiểu đoàn 3 vượt đèo Hải Vân giải phóng Quảng Trị và Huế. Đơn vị của các ông Nhân, Bắc (Tiểu đoàn 1) nhận nhiệm vụ tham gia đánh chặn không cho địch rút khỏi Huế, rồi đánh thẳng ra Đà Nẵng. Ngày 29-3, cánh quân này nổ súng tấn công, giải phóng Đà Nẵng ngay trong ngày. Sau đó 1 tuần, đơn vị nhận lệnh "hành quân thần tốc, thần tốc hơn nữa" vào giải phóng miền Nam. Ngày 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Dưới sự tấn công ác liệt của Tiểu đoàn 2, Trường Sĩ quan Thiết giáp Nước Trong - "cánh cửa thép" cuối cùng bảo vệ ngụy quân, ngụy quyền bị đập tan. Tiểu đoàn 1 nhận lệnh tiến thẳng về đánh Sài Gòn. Đến chân cầu Sài Gòn, địch điên cuồng chống trả, bắn hỏng xe chỉ huy, đồng chí Tiểu đoàn trưởng hy sinh. Bất chấp nỗ lực tuyệt vọng của địch, quân ta tiếp tục vừa đánh, vừa tiến, đè bẹp mọi sự kháng cự. Khi chỉ còn cách Dinh Độc lập khoảng 600 m, xe bị phục kích, đồng chí Trung đội trưởng Trung đội 1 bị thương. Sau khi gửi đồng đội cho đồng bào miền Nam chăm sóc, ông Nhân cùng anh em tiếp tục hành quân. "Đến Dinh Độc lập, máu đỏ loang trên tháp pháo. Chúng tôi nhìn thấy xe tăng 309 ở giữa sân. Tôi gọi đồng chí Trì (ông Nhân và ông Trì là 2 pháo thủ) lao lên tìm cách cắm cờ…", ông Trần Văn Nhân hồi tưởng.

 

Người dân Sài Gòn - Gia Định đón chào lực lượng cách mạng tiến vào giải phóng thành phố, ngày 30-4-1975.

 

Trưa 30-4-1975, lá cờ sao vàng trên nền đỏ và xanh dương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Các chiến sĩ vui mừng hò reo, ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Ai cũng thốt lên, "Anh em ơi, miền Nam giải phóng rồi! Đất nước thống nhất, hòa bình rồi!"... Ấn tượng sâu sắc nhất ngày ấy là hình ảnh từng đoàn quân ta tiến vào Sài Gòn với khí thế bừng bừng chiến thắng, trong sự hân hoan chào đón của đồng bào Sài Gòn - Gia Định. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay khắp nơi trong thành phố, giữa những ánh mắt mừng vui, nụ cười rạng rỡ của muôn người...

 

Mãi khắc ghi công lao của các anh hùng, liệt sĩ

Chiến thắng 30-4-1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là mốc son chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Với đại thắng mùa xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và quá độ đi lên CNXH. Nhưng để có thành quả ấy, bên cạnh những CCB may mắn trở về quê hương như các ông Trần Văn Nhân, Nguyễn Đình Bắc, còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ ngã xuống nơi chiến trường, máu xương hòa quyện vào đất mẹ.

 

Cựu chiến binh Trần Văn Nhân kể lại những kỷ niệm khó quên về ngày 30-4-1975. Ảnh: Nhật Lam

 

Đại tá Vũ Văn Mến, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố cho biết, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Hải Phòng chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn. Hàng vạn người con đất Cảng lên đường tòng quân, chiến đấu kiên cường trên khắp các mặt trận, nhiều người anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Hiện nay, thành phố có hơn 30 nghìn liệt sĩ, hơn 26 nghìn thương binh, bệnh binh, gần 9 nghìn người nhiễm chất độc hóa học, hơn 2.600 Mẹ Việt Nam anh hùng... Thành phố Cảng mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của những người không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, để đất nước, quê hương có ngày hôm nay.

Tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng, những năm qua, thành phố tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công. "Mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của Quân đội nhân dân Việt Nam. Như mọi người dân Việt Nam, mỗi người Hải Phòng nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh mà Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết 16 Đảng bộ thành phố đề ra", đại tá Vũ Văn Mến nhấn mạnh./.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập