Chung tay ứng phó “cuộc chiến” thuế quan
(HPĐT)- Tuyên bố trong tuần qua của chính quyền Mỹ về chính sách thuế quan mới của nước này chắc chắn là sự kiện được chú ý nhất không chỉ trên thế giới mà với cả Việt Nam. Việc trong số hàng chục nước và vùng lãnh thổ bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế được Tổng thống Donald Trump ký ngày 2-4, Việt Nam thuộc hàng cao nhất, với mức thuế 46% lên 90% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, dự kiến có hiệu lực từ ngày 9-4, thực sự gây sốc.
Việc Mỹ công bố chính sách thuế quan đối ứng khiến căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu. Các nước đã có những phản ứng khác nhau, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh. Tăng trưởng và ổn định kinh tế thế giới bị tác động mạnh, đứng trước nguy cơ suy thoái. Dư luận đều cho rằng, thế giới đang đứng trước “cuộc chiến” thuế quan có thể dẫn đến “chiến tranh thương mại” toàn diện.
Thực tế, trong nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công Thương, riêng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 119,5 tỷ USD hàng hóa, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; có 16 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, dẫn đầu là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày... Phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo. Vì vậy, mức thuế đối ứng 46% Mỹ dự kiến áp dụng với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam từ ngày 9-4 tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, khi nhiều loại hàng hóa đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như lĩnh vực dịch vụ và bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động.
Với Hải Phòng, tác động tiêu cực từ diễn biến trên, nếu xảy ra, là khó tránh khỏi, khi kinh tế thành phố có độ mở cao, hội nhập quốc tế sâu rộng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính của kinh tế thành phố, năm 2024 chiếm 45,12% GRDP; trong đó tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao đạt 66%. Là trọng điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, hầu hết doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn đều ứng dụng công nghệ cao, hiện đại để sản phẩm sản xuất tại Hải Phòng lọt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như LG, Bridgestone, Pegatron, Fuji Xerox, GE, Roze Roboted, VinFast..., tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Xuất khẩu là điểm sáng khác, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 25,75 tỷ USD năm 2024, gấp gần 1,4 quy mô GRDP. Bên cạnh những lợi ích kinh tế khác, xuất khẩu đóng góp lớn vào thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu, với số thu năm 2024 đạt hơn 67 nghìn tỷ đồng. Một khi mức thuế quan cao làm hàng hóa tăng giá mạnh, nhu cầu thị trường giảm sút kéo theo cả sản xuất, đầu tư và xuất khẩu đình trệ, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn.
Vì thế, Hải Phòng chung tay cùng cả nước ứng phó “cuộc chiến” thuế quan với trách nhiệm cao. Trước hết, nắm rõ, thực hiện đúng định hướng của Trung ương là giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ để bình tĩnh xử lý chủ động trước các khó khăn, cú sốc từ bên ngoài. Đồng thời coi đây là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh, bền vững; cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng các mặt hàng; tận dụng tối đa 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương để xâm nhập các thị trường khác còn nhiều tiềm năng…
Ở tầm vĩ mô, dự báo sớm tình hình, ngay từ đầu năm, Việt Nam đã và đang chủ động thực hiện tất cả biện pháp có thể làm. Lãnh đạo các cấp, kể cả cấp cao nhất giao thiệp với phía Mỹ, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao; Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư đã tới Mỹ để tiếp tục đàm phán về thuế đối ứng. Cùng lúc, triển khai nhiều giải pháp liên quan quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương tăng cường và nâng cao hiệu quả việc xúc tiến thương mại; cải thiện hạ tầng giao thông, logistics; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, kiểm soát chặt xuất xứ nguyên vật liệu... Đây là những việc Hải Phòng đã và đang làm khá tốt. Theo công bố của Bộ Nội vụ ngày 6-4, Hải Phòng đứng đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2024, tăng một bậc so với năm 2023. Cũng trong tuần qua, tại Khu bến cảng Lạch Huyện, thành phố khánh thành các bến số 5,6 do Tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư, có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu container cỡ lớn nhất thế giới; Cảng Hải Phòng chính thức công bố mở bến cảng số 3. Có thêm những bến cảng mới hoạt động tại Lạch Huyện sẽ giúp vận chuyển hàng hóa trực tiếp sang châu Mỹ, châu Âu, giảm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam. Đó là những cơ sở để tin rằng, Hải Phòng cùng cả nước sẽ ứng phó thành công, chuyển nguy thành cơ, giữ vững đà phát triển.