Phát huy bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng trong thời kỳ mới
(HPĐT)- Nhận diện sâu sắc, khoa học và đầy đủ hơn về hệ giá trị bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng với tư cách là nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn lực của sự phát triển; cung cấp những luận cứ khoa học để thành phố đề ra chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp phát huy bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng trong thời gian tới. Đó là nội dung hội thảo “Phát huy bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước” vừa do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Hội Khoa học lịch sử thành phố tổ chức.
Nhận diện hệ giá trị bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng
Nhìn lại hành trình phát triển từ cư dân Soi Nhụ thuộc Sơ kỳ thời đại đá mới cách ngày nay xấp xỉ 2 vạn năm; trải qua cuộc đọ sức nghìn năm với các thế lực xâm lược, bành trướng và đồng hóa vô cùng hiểm độc của các đại đế chế phương Bắc; các chiến lược biển của quốc gia Đại Việt tới thời đại ngày nay, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đi đến kết luận: “Người Hải Phòng năng động và kiên cường trụ vững trên bờ biển Đông, anh dũng đi đầu qua các chặng đường dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Trong suốt hành trình lịch sử lâu dài và đầy cam go ấy, họ vun bồi và làm giàu thêm văn hóa biển, biến văn hóa biển thành nguồn lực, thành động lực tạo lập tầm thế mới cho thành phố Cảng trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, đô thị quốc tế…”.
Làm rõ hơn bản sắc người Hải Phòng trong thời đại Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố khẳng định: Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Hải Phòng xây đắp nên truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”. 10 năm sau ngày đất nước thống nhất (1975-1985), thực tiễn thực hiện cơ chế khoán trong nông nghiệp ở Hải Phòng góp phần quan trọng hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta. Qua 40 năm đổi mới, truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng tiếp tục được phát huy để thành phố luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, là sức mạnh nội sinh để Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng vững bước cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Qua 11 ý kiến đóng góp trực tiếp và gần 20 tham luận gửi về hội thảo nhất trí đánh giá: Ra đời và phát triển trên vùng đất có bề dầy lịch sử, có vị trí chiến lược trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, các thế hệ người Hải Phòng góp phần quan trọng bồi đắp, tỏa sáng bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của cư dân miền Biển phía Đông đồng bằng Bắc bộ.
Đề xuất giải pháp phát huy bản sắc người Hải Phòng
Đề xuất một số giải pháp bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng, GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, trải qua nhiều biến thiên lịch sử, vùng đất và con người Hải Phòng tích hội được những giá trị và đặc điểm quý báu, trui rèn thành đặc điểm, cốt cách văn hóa của lối sống Hải Phòng. Ông khuyến nghị, với “căn cước văn hóa” của cảng thị quan trọng tại Việt Nam và khu vực Đông Á - Đông Nam Á, Hải Phòng tất yếu phải tiến bước trên lộ trình trở thành cảng thị đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Đề xuất Hải Phòng nên phát triển không gian sáng tạo theo định hướng đô thị sáng tạo, PGS.TS Đặng Thị Phương Anh (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Hải Phòng không nên sao chép mô hình của các thành phố khác, mà nên tạo ra một không gian sáng tạo mang “chất Hải Phòng”. Cụ thể, với các công trình cảng và kho hàng mang dấu ấn thuộc địa Pháp, thành phố có thể cải tạo thành bảo tàng cảng biển, phòng trưng bày lịch sử công nghiệp và không gian sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, Hải Phòng có thể hình thành các khu nghệ thuật ven sông, ven biển, biến nơi đây thành không gian mở phục vụ triển lãm, biểu diễn đường phố và lễ hội văn hóa. Trên nền tảng này, thành phố còn có thể tận dụng các cảng cũ để phát triển đô thị sáng tạo, vừa bảo tồn di sản vừa kích thích sự đổi mới trong lĩnh vực văn hóa…
Cùng với đề xuất phát triển thành cảng thị sáng tạo, các chuyên gia, nhà quản lý cũng đưa ra nhiều ý kiến về xây dựng lối sống đô thị văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng - một nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững thành phố Hải Phòng; xây dựng cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển một số sản phẩm văn hóa chủ lực gắn với phát triển du lịch Hải Phòng; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong CNH, HĐH, xây dựng và phát triển Hải Phòng; gìn giữ bản sắc người phụ nữ Hải Phòng; giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực văn hóa Hải Phòng...
Đánh giá cao các ý kiến, bài tham luận, TS. Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ: “Những báo cáo tại hội thảo không chỉ có giá trị khoa học, mà còn mang ý nghĩa thực tiễn, góp phần thống nhất nhận thức về bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng. Quan trọng hơn, đây là cơ sở để xác định những giải pháp cụ thể nhằm phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, đưa thành phố phát triển bền vững, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước…”