Tình thơ càng đậm, duyên thơ càng nồng

02:34 CH 09/04/2025

(HPĐT)- Nhà giáo, nhà thơ Hoàng Gia Điều là một trong những giảng viên giỏi của tổ Tâm lý, giáo dục Trường cao đẳng Sư phạm Hải Phòng (nay là Trường đại học Hải Phòng). Bên cạnh công tác giảng dạy, nhà giáo Hoàng Gia Điều còn sáng tác thơ ca và đam mê nghệ thuật ca trù. Sáng tác nhiều thơ ca, nhưng mãi đến năm 2014, ông mới ra mắt bạn đọc "đứa con tinh thần" đầu tiên – tập thơ “Tri âm”. Và hơn 10 năm sau, tập thơ “Tri kỷ” ra đời, tiếp nối nguồn cảm xúc dạt dào vô tận của nhà giáo, nhà thơ Hoàng Gia Điều, người luôn quan niệm sáng tạo là để “Thả một câu thơ góp nụ cười” cho thi nhân và hậu thế.

 

Tập thơ "Tri kỷ" của tác giả Hoàng Gia Điều.

 

Tập thơ “Tri kỷ” dày hơn trăm trang, khổ 14,5x 20,5 cm do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, gồm 46 bài thơ của chính tác giả, một số bài xướng họa và những cảm nhận của bạn bè văn chương về thi nhân Hoàng Gia Điều qua 2 tập thơ đã xuất bản.

Có thể nói, 46 bài thơ trong tập thơ “Tri kỷ” là 46 cung bậc tình cảm được tác giả thể hiện bằng nhiều thể loại khác nhau, gồm đường luật, lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, thơ tự do và các thể cách ca trù… 46 cung bậc tình cảm ấy khắc họa rõ nét cốt cách, tâm hồn của một tao nhân mặc khách tha thiết yêu đời, yêu người: Coi nhẹ được mất hơn thua và coi trọng phẩm giá phong lưu của một chính nhân quân tử: “Phẩm giá phải đâu là vật chất/ Phong lưu đích thực ấy tinh thần”.

Nếu con người sống được trăm năm, thì tuổi 85 là tuổi cuối thu đầu đông của cuộc đời. Có lẽ vì thế mà khi tròn bát thập ngũ niên, ông thường viết về mùa thu với bao yêu thương, trìu mến. Đó là một chiều thu Hà Nội “Cổ Ngư xưa liễu rủ mơ màng”, “chùa Trấn Võ âm vang câu thơ cũ” và “Thăng Long thành y cựu tiếu thu phong”. Đó là căn nhà cuối thu “nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường buồn tênh”, chông chênh và cô đơn vô tận. Đó là đóa sen quỳ mong manh cánh trắng, cứ cuối thu lại “nở ngát hương đưa” khiến mặc khách tao nhân “Ngắm hoa chạnh nhớ vườn tao ngộ/ Hương sắc hồn thu khó hững hờ”…

Là người nổi tiếng một thời của làng Ca trù Hải Phòng, ông có nhiều bài thơ được sáng tác theo thể cách ca trù và được phổ thành các bài hát theo lối ca trù được nhiều khán giả yêu thích. Có lẽ ca trù trở thành máu thịt, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhà thơ hào hoa và phong nhã này: “Anh yêu làn điệu ca trù/ Tiếng đàn dìu dặt, đêm thu mơ màng”.

Sinh ra và lớn lên ở Đồ Sơn, nên nhà thơ Hoàng Gia Điều có khá nhiều bài thơ viết về khu du lịch nổi tiếng của thành phố Cảng. Ông mời gọi bạn bè và du khách hay đến thăm thú quê hương ông “Nơi có biển xanh dạt dào sóng vỗ” một cách tha thiết và chân thành đến mức khó ai có thể chối từ. Và như bao con em của vùng quê xinh đẹp này, ông luôn tâm niệm: “Người Đồ Sơn vẫn ngày đêm trăn trở/ Để đất này muôn thuở vững âu vàng”… Đó là tấm lòng, là trách nhiệm của bất cứ ai đối với Tổ quốc, với quê hương.

Tham gia sinh hoạt trong Chi hội thơ Đường luật thành phố Hải Phòng, nhưng nhà thơ Hoàng Gia Điều rất ít khi đọc thơ của mình. Nhiều người thắc mắc với ông điều đó. Ông khiêm tốn trả lời: “Vì dốt nên chỉ thích nghe!”. Ai ngờ từ câu trả lời rất thơ ấy mà bài xướng “Chỉ thích nghe” ra đời và nhận được nhiều bài họa thú vị từ các bạn thơ trong thành phố. “Chỉ thích nghe” cũng là cách ông tự hào về mình, tuy ông nhận “mình dốt” nhưng qua những bài thơ Đường luật chỉn chu của ông, người đọc lại thấy một Hoàng Gia Điều văn hay chữ tốt, tầm chương trích cú và thanh nhã, khiêm nhường.

Có người nhận xét thơ của ông “như những lá bùa mê đem yểm vào lòng bạn đọc, để rồi họ bị say đời, say tình và khóc bên trang thơ”. Đó cũng là cảm nhận chung của nhiều bạn đọc. Thơ ông thường phá cách, khi bắt vần lưng, khi bắt vần chân, không khuôn phép, gò bó, trừ những bài thơ Đường luật đòi hỏi niêm luật, đăng đối chỉn chu.

Bén duyên với thơ, nhà giáo Hoàng Gia Điều gặt hái được 4 huy chương vàng trong các Liên hoan trình diễn thơ toàn quốc và một Giải A của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất lại chính là những niềm vui vô giá mà sự say mê thú chơi tao nhã này mang lại: “Còn trời, còn nước, còn non/ Còn vần thơ đẹp, ta còn say mê”. 85 năm rong chơi cõi người, nếm đủ mọi vui buồn sướng khổ, ông vẫn quyết tâm thủy chung son sắt cùng thơ: “Dù trời nắng, dù trời mưa/ Tình thơ càng đượm, duyên thơ càng nồng”. Điều đó, không phải thi nhân nào cũng làm được.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập