Tiếp nối dòng chảy thư pháp đương đại

11:35 SA 09/04/2025

(HPĐT)- Sáng tạo hai lối viết thư pháp mới lạ, độc đáo, nhà thư pháp Lê Thiên Lý mang lại luồng gió mới, góp phần đưa thư pháp Việt vươn xa hơn, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc trên bản đồ nghệ thuật thư pháp thế giới…

 

Các đại biểu dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Di tích cách mạng từ đường họ Trịnh tại Phương Lưu.

 

Không ngừng đam mê, sáng tạo

Trong dòng chảy đương đại, cũng như nhiều nghệ thuật truyền thống khác, thư pháp Việt cần đổi mới để phù hợp với thời đại. Một trong những sáng tạo quan trọng, mang tính đột phá chính là sự xuất hiện của hai thể loại “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” do nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội làng nghề thành phố, Giám đốc Trung tâm Thư pháp Câu đối và Hán Nôm học Hải Phòng sáng tạo.

Sinh ra trong gia đình làm nghề nông, từ nhỏ, ông Lê Thiên Lý có niềm đam mê với con chữ, thường đến chỗ thầy đồ nghe ngâm thơ, giảng sách. Học xong cấp ba lớp Trung văn, Lê Thiên Lý nhập ngũ. Ra quân, ông về công tác ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kiến Thụy. Năm 1996, trong lần đi công tác ở Đông Hưng (Trung Quốc), nhà thư pháp nổi tiếng Lỗ Nguyên tặng ông Lý sách hướng dẫn viết thư pháp. Năm 1998, nghe tin nhà thư pháp Lê Xuân Hòa (1913-2008) tổ chức triển lãm thư pháp ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), ông Lý khăn gói lên Hà Nội thưởng lãm. “Tôi quyết tâm học viết thư pháp từ đợt ấy”, ông Lý nói. Sau nhiều năm mày mò, tìm tòi luyện viết, ông Lý không những tinh thông đủ các lối viết thư pháp truyền thống như: Triện, Lễ, Khải, Thảo, Hành, mà còn tự tìm cho mình hướng đi riêng. Hai lối viết “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” là thành quả của quá trình học hỏi và sáng tạo không ngừng nghỉ của ông. Những tác phẩm tiêu biểu thiết lập kỷ lục Việt Nam của ông, gồm “Chữ Long (Hán tự) thể hiện theo lối thư pháp với nhiều kiểu viết nhất (2010)” và “Người thực hiện bộ 12 tranh hình bình từ tên Can Chi của các năm 2010 đến năm 2021 bằng nghệ thuật thư họa đầu tiên tại Việt Nam” (2021). Đáng chú ý, chiếc đĩa gốm Chu Đậu của Công ty Gốm Chu Đậu với 1 nghìn chữ Long do ông cùng các nghệ nhân gốm thực hiện trong 200 ngày được Kỷ lục Guinness thế giới xác lập và trao tặng danh hiệu. Với niềm yêu thích, những mong nền thư pháp Việt Nam được bảo tồn và phát triển, năm 2003, ông cùng nhà thư pháp Lê Đức Đôn thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hán Nôm tại Hải Phòng. Đến năm 2007, ông thành lập CLB Thư pháp Hải Phòng...

 

Sáng tạo để lưu giữ bản sắc Việt

“Nhân diện thư” là phong cách viết thư pháp mà các nét chữ tạo nên hình tượng con người, tái hiện hình ảnh các danh nhân, nhân vật lịch sử, hay những gương mặt mang ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa dân tộc. “Vật điểu thư” thể hiện hình ảnh thiên nhiên, chim muông, hoa lá thông qua thư pháp, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật viết chữ và hội họa truyền thống. Với hai phong cách mới này, thư pháp trở thành loại hình nghệ thuật đa chiều hơn, kết hợp giữa chữ viết, hội họa và tư duy sáng tạo. Mỗi tác phẩm thư pháp không chỉ đơn thuần là chữ viết, mà còn là một bức tranh nghệ thuật, truyền tải những thông điệp về con người, thiên nhiên và văn hóa Việt Nam, tạo nên sự rung động mạnh mẽ đối với người xem.

Hai lối viết thư pháp trở thành hiện tượng của thư pháp đương đại, được các nghệ nhân, nhà nghiên cứu thư pháp ghi nhận, đánh giá cao tại hội thảo chủ đề: “Nhân diện thư và Vật điểu thư trong dòng chảy thư pháp Việt Nam đương đại” diễn ra ngày 23-3 tại phường Đông Hải 1 (quận Hải An). Nhà giáo, họa sĩ, nhà thư pháp Bùi Đức Lộc, Phó chủ nhiệm CLB Hán Nôm, bảo tồn văn hóa Hà Tĩnh nhận xét: “Đường nét mỗi chữ trong các tác phẩm của Lê Thiên Lý như là một sự thăng hoa tột đỉnh, một cảnh giới hoàn mỹ trong từng con chữ. Ông dũng cảm sáng tạo trong việc thể hiện “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” vào các tác phẩm, sử dụng kiến thức uyên thâm để tạo ra những tác phẩm tràn ngập niềm vui và sự mới mẻ”. Còn nghệ nhân thư pháp Hà Thị Thanh Hương cảm nhận: “Khi nhìn vào “nhân diện thư” của ông, tôi cảm giác mình đang gặp gỡ một tâm hồn nghệ sĩ nồng nhiệt. Khuôn mặt hiện lên trên bức tranh chữ không chỉ là một hình ảnh đơn thuần mà là một câu chuyện, một hành trình dài của sự khám phá và sáng tạo. Những nét thư pháp uyển chuyển đưa chúng ta vào một không gian yên tĩnh, nơi mà chúng ta có thể gác lại những phiền muộn để trở về với bản thân, nhìn nhận lại giá trị cuộc sống”. Nhà thơ Nguyễn Hùng Vỹ cũng cho rằng, lối viết “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư” đã loại bỏ sự thô cứng và khuôn mẫu của các lối viết thư pháp truyền thống, mang lại sự mềm mại, uyển chuyển và sáng tạo. Sự sáng tạo này không chỉ thể hiện tài năng mà còn cho thấy tâm huyết của nhà thư pháp Lê Thiên Lý trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật thư pháp Việt Nam.

Các nghệ nhân, nhà nghiên cứu thư pháp cùng đề xuất: Các viện, nhà nghiên cứu, nhà thư pháp tiếp tục tổ chức những cuộc hội thảo nhằm làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn, từ đó đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy nghệ thuật thư pháp “Nhân diện thư”, “Vật điểu thư”, đưa hai thể thư pháp này đến với đông đảo nhân dân trong cả nước và quốc tế; tiếp tục nghiên cứu, biên soạn và xuất bản thành tài liệu, sách hướng dẫn về cách viết Đỉnh thư chữ Việt để giúp nhiều người tiếp cận và thực hành; tổ chức nhiều cuộc triển lãm để lan tỏa giá trị nghệ thuật Đỉnh thư chữ Việt đến với đông đảo công chúng; ứng dụng công nghệ số để tạo ra các font chữ Đỉnh thư chữ Việt, giúp thể chữ này có thể xuất hiện trên các nền tảng thiết kế đồ họa, truyền thông, quảng cáo, vươn ra thế giới...

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập
{{item.hostname}} {{item.createdOnDate |date: "dd/MM/yyyy" }}
{{item.commentStr}}
Bạn cần đăng nhập để trả lời
{{itemChild.hostname}} {{itemChild.createdOnDate |date: "dd/MM/yyyy" }}
{{itemChild.commentStr}}