Ngành logistics: Cơ hội việc làm lớn
(HPĐT)- Dự báo của Hiệp hội Logistics Việt Nam về nhu cầu nhân lực tại Hải Phòng khoảng 369 nghìn lao động vào năm 2025 và 460 nghìn lao động vào năm 2030, đưa logistics trở thành lĩnh vực ngành nghề đầy hấp dẫn đối với người lao động. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, để thực sự thành công trong lĩnh vực tiềm năng này, người lao động không chỉ cần trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, mà còn phải có tinh thần, thái độ làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu khắt khe, đặc thù của ngành.

Yêu cầu khắt khe
Anh Nguyễn Đức Dần - nhân viên Phòng Khách hàng của doanh nghiệp dịch vụ sửa chữa container thuộc khu công nghiệp Minh Phương Đình Vũ (quận Hải An). Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp của anh Dần tiếp nhận khoảng 500 đến 1.000 vỏ container rỗng và hàng hóa. Hằng ngày, anh Dần và các đồng nghiệp tiếp nhận, cập nhật tình trạng hỏng hóc của container, giá tiền sửa chữa lên hệ thống của hãng tàu trong vòng 12 đến 24 giờ kể từ khi khách trả vỏ container về bãi. Anh Nguyễn Đức Dần cho biết, yêu cầu của khách hàng đối với dịch vụ sửa chữa container ngày càng cao, dịch vụ cung cấp phải nhanh chóng, chất lượng tốt, nhưng giá thành phải thấp. Về thời gian, khách yêu cầu giải quyết công việc theo đúng cam kết hợp đồng từ 12 giờ đến 24 giờ sau khi trả vỏ mà không quan tâm tới các yếu tố phát sinh khác. Do đó, anh Dần và các đồng nghiệp thường xuyên làm việc với cường độ cao, thậm chí cả ngày nghỉ để hoàn thành công việc được giao.
Theo TS. Nguyễn Minh Đức, Phó trưởng Khoa Kinh tế - Trường đại học Hàng hải Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đào tạo logistics tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, lực lượng lao động ngành logistics hiện có thể phân chia thành 3 nhóm: nhân viên (sinh viên mới ra trường, lao động giản đơn) có khả năng thực hiện một nhiệm vụ cụ thể (khai hải quan, nhập liệu…); Quản lý (có khả năng phân công công việc cho các thành viên trong nhóm, xử lý các tình huống phát sinh khi các nhân viên triển khai công việc) và chuyên gia (những người có khả năng dự liệu các tình huống phát sinh trong hoạt động logistics để có thể tư vấn cho doanh nghiệp phương án giải quyết các vấn đề phát sinh đó, hạn chế những thiệt hại tài chính cho doanh nghiệp).
Tuy nhiên, với đặc thù riêng của ngành logistics bao gồm tính đa dạng (tập hợp của nhiều hoạt động đòi hỏi người lao động phải có kiến thức, kỹ năng đa dạng); tính phức tạp (quá trình vận chuyển hàng hóa thường xuyên gặp nhiều vấn đề và rủi ro, đòi hỏi người làm việc phải có khả năng xử lý tình huống linh hoạt); tính toàn cầu (việc giao lưu, làm việc với các đối tác nước ngoài với đặc điểm ngôn ngữ, văn hóa, luật pháp khác nhau)… Theo Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Boom Logistics (quận Hải An) Trần Thị Hà, tương lai của ngành logistics sẽ là sự kết hợp giữa AI (trí tuệ nhân tạo) và nhân lực để tối ưu hiệu suất.
Không ngừng đào tạo và tự đào tạo
Theo dự báo, năm 2025, tổng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng có thể lên tới 112 triệu đến 120 triệu tấn. Lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh kéo theo yêu cầu ngày càng lớn đối với ngành dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Logistics Việt Nam, nguồn nhân lực của ngành này còn thiếu hụt khá lớn, gần 370 nghìn lao động vào năm 2025 và 460 nghìn lao động vào năm 2030. Là một trong cái nôi đào tạo về logistics bài bản, sớm nhất cả nước, theo ước tính, mỗi năm, Trường đại học Hàng hải Việt Nam đào tạo khoảng 1 nghìn nhân lực ngành logistics cũng như các ngành liên quan cung ứng cho thị trường.
Theo TS. Nguyễn Minh Đức, cùng với hệ đào tạo cao đẳng, đại học chính quy, hệ thạc sĩ, tiến sĩ, liên thông từ cao đẳng lên đại học, hiện, Trường đại học hàng hải Việt Nam còn triển khai chương trình đại học chính quy hệ tiên tiến chuyên ngành logistics, dạy toàn bộ bằng tiếng Anh với chương trình khai thác chính từ mô hình của Học viện hàng hải quốc tế California (Hoa Kỳ). Ngoài ra, hệ đào tạo này cũng nhập khẩu các chương trình đào tạo quốc tế tiên tiến về ngành logistics để trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới nhất cho nhân lực ngành logistics. Cùng với đó, Trung tâm đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong – Nhật Bản thuộc Trường đại học hàng hải Việt Nam cũng mở các khóa đào tạo ngắn hạn về logistics cho sinh viên của nhà trường và các trường khác hoặc cả người đi làm, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp… Với kho hàng thực hành được trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc phục vụ cho quá trình đào tạo, các khóa đào tạo này sẽ giúp học viên vừa có kiến thức lý thuyết vừa có trải nghiệm thực tế.
Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Đức, cùng với việc đào tạo của nhà trường, các đơn vị, người lao động ngành logistics cần có thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu khách hàng và nhiệm vụ công việc đặt ra.